Mục lục bài viết
1.Hoàn cảnh ra đời Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (viết tắt là ‘GATS’)
Là một hiệp định trong khuôn khổ WTO và điều chỉnh các vấn đề về thương mại dịch vụ giữa các thành viên WTO. Không giống những lĩnh vực thương mại khác, trong các cuộc đàm phán thương mại, thương mại dịch vụ chưa được định hình rõ rệt, cho đến những năm 80-90 của thế kỉ XX, khi các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách bắt đầu phải đối mặt với nhu cầu cần có sự điều chỉnh một vấn đề ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động kinh tế. Thật vậy, ngày nay các ngành kinh tế dịch vụ chiếm 70-80% GDP trong các nền kinh tế phát triển và trên dưới 40% GDP ở các DCs. Không giống bất kì lĩnh vực nào khác, do việc thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhau trong nền kinh tế, dịch vụ được coi như phương tiện thật sự của tăng trưởng kinh tế. Trước tiên, dịch vụ cung ứng đầu vào cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Ví dụ, nếu không có dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải hay năng lượng, thì sẽ không thể có hệ thống các ngành kinh tế hiệu quả và vững mạnh. Như vậy, một lĩnh vực dịch vụ không hiệu quả cũng sẽ giống như một mức thuế nội địa cao, vì nó sẽ làm tăng giá cuối cùng của sản phẩm. Dịch vụ cũng thực hiện những chức năng quan trọng là phục vụ cộng đồng. Ví dụ: ngành giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, năng lượng đã thực hiện chức năng cần thiết phục vụ cộng đồng. Các học thuyết kinh tế đã chứng minh rằng, ở đâu lợi thế so sánh của một nước được coi là hợp pháp, thì ở đó các ngành dịch vụ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngành dịch vụ có một vài đặc điểm khiến cho việc điều chỉnh và tự do hoá gặp những khó khăn đặc biệt. Trước tiên, chức năng chiến lược của hầu hết các ngành kinh tế dịch vụ khiến cho dịch vụ thường trở thành đối tượng chịu sự chi phối độc quyền. Cho đến vài thập kỉ trở lại đây, thậm chí ở các nước phát triển, các ngành dịch vụ quan trọng như viễn thông, năng lượng hay vận tải vẫn thuộc về chính phủ. Ngày nay, các ngành dịch vụ khác, như chăm sóc sức khoẻ hay giáo dục, một phần lớn vẫn ở trong tay chính phủ. Khi vị trí của nhà nước trong các ngành kinh tế dịch vụ có thể đảm bảo dịch vụ được cung ứng ở mức giá thấp, thì đồng thời điều đó cũng có thể có tác động ngược lại về chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp tới tất các các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc điểm khác của dịch vụ là sự phụ thuộc của chúng vào các yếu tố sản xuất như nhân công, vốn và công nghệ. Thông thường, sự tự do hoá các ngành kinh tế dịch vụ cần dựa vào sự tự do hoá các yếu tố sản xuất, mà trong một số trường hợp rất khó đạt được từ góc độ chính trị, như trường hợp dịch chuyển lao động. Từ góc độ kinh tế, dịch vụ phụ thuộc vào thị trường không hoàn hảo - nghĩa là thị trường cần có sự can thiệp của nhà nước. Từ góc độ kinh tế - chính trị, cường độ điều chỉnh của các ngành kinh tế dịch vụ thể hiện sự kết hợp đặc biệt, nhằm đạt được sự tự do hoá, khi mà sự tự do hóa này đòi hỏi loại bỏ những rào cản. Điểm khác biệt cơ bản giữa thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ dựa trên hình thức bảo hộ đối với các ngành kinh tế dịch vụ. Khi các rào cản trong thương mại hàng hoá bao gồm thuế nội địa hay hạn ngạch, dễ nhận ra và dễ định lượng, thì trong thương mại dịch vụ, các rào cản lại vô hình. Các rào cản này là các quy định, luật lệ, sự độc quyền mà việc nhận diện hay loại bỏ chúng đều khó khăn. Hơn nữa, không giống các ngành kinh tế khác, việc tự do hoá thương mại dịch vụ đòi hỏi phải có một khuôn khổ pháp luật tốt, giúp ngăn ngừa các tác động ngược, như trong trường hợp tự do hoá sớm các dịch vụ tài chính. Vì vậy, tự do hoá thương mại dịch vụ thường không phụ thuộc vào sự mặc cả có đi có lại như trong trường hợp thương mại hàng hoá, mà đúng hơn, kinh nghiệm cho thấy rằng tự do hóa thương mại dịch vụ được thực hiện chủ yếu như là kết quả của áp lực trong nước đối với việc nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế.
2.GATS và cấu trúc của GATS
GATS được coi là một trong những kết quả quan trọng nhất của Vòng đám phán U-ru-goay. Khi các bên đàm phán bắt đầu thảo luận làm thế nào để điều chỉnh thương mại dịch vụ và đặt ra nguyên tắc cho vấn đề này, thì cũng ngay lập tức các bên thấy rõ rằng không thể coi dịch vụ giống như các lĩnh vực thương mại khác. Khó khăn thực chất để tạo ra cơ sở pháp luật cho thương mại dịch vụ và những đặc trưng của việc điều chỉnh đối với một số lĩnh vực dịch vụ đã thách thức các nhà đàm phán và các nhà hoạch định chính sách hơn một thập kỉ. Năm 1994, cuối cùng GATS đã phát sinh hiệu lực như một phụ lục độc lập của Hiệp định Ma-ra-két về thành lập WTO, và là một phần của ‘Gói cam kết’. Điều này có nghĩa các thành viên khi gia nhập WTO phải có nghĩa vụ tuân thủ GATS. Cấu trúc các quy định điều chỉnh thương mại dịch vụ trong GATS có thể chia thành 3 phần cơ bản. Thứ nhất, chính văn bản GATS, bao gồm 28 điều, đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong thương mại dịch vụ. Thứ hai, đính kèm GATS có 8 phụ lục nêu ra hoặc làm rõ các điều khoản đặc biệt. Thứ ba là Biểu cam kết của các thành viên. GATS là văn bản cung cấp một khuôn khổ pháp luật toàn diện cho giao dịch dịch vụ. Hiệp định được cấu trúc thành 6 phần. Phần I (bao gồm Điều I) định nghĩa phạm vi áp dụng của Hiệp định và cung cấp khái niệm chung về các phương thức cung ứng dịch vụ. Phần II (bao gồm các điều từ Điều II đến Điều XV), còn gọi là ‘các nghĩa vụ và nguyên tắc chung’, bao gồm 14 điều được áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ. Trái lại, Phần III (bao gồm các điều từ Điều XVI đến Điều XVIII) - ‘các cam kết cụ thể’ bao gồm 3 điều chỉ áp dụng cho các ngành dịch vụ cụ thể và những phương thức cung ứng mà các thành viên cam kết. Điều này có nghĩa là: trong khi các điều khoản của Phần II được áp dụng cho bất kì ngành dịch vụ nào, thì cho dù thành viên đã đưa ra cam kết cho ngành đó, cam kết này cũng vẫn không nằm trong nghĩa vụ của Phần III - phần chỉ được áp dụng nếu thành viên chấp thuận cam kết các nghĩa vụ. Phần IV (bao gồm các điều từ Điều XIX đến Điều XXI); và Phần V (bao gồm các điều từ Điều XXII đến Điều XXVI) bao gồm các điều khoản liên quan đến phương thức đàm phán và ‘Những quy định về thể chế’. Cuối cùng, Phần VI - ‘Điều khoản cuối cùng’, liên quan đến khước từ quyền lợi, các định nghĩa và các phụ lục. GATS được bổ sung 8 phụ lục, các phụ lục chia thành 3 nhóm chính tùy thuộc vào quan hệ pháp lí của mỗi nhóm. Tất cả phụ lục tạo thành bộ phận không thể tách rời của GATS. Phụ lục 1 bao gồm các nguyên tắc và quy định về điều kiện áp dụng ngoại lệ của Điều II (liên quan đến MFN). Nhóm Phụ lục 2 bao gồm những phụ lục điều chỉnh và làm rõ các định nghĩa về các ngành dịch vụ cụ thể. Trong nhóm này có Phụ lục về di chuyển thể nhân; Phụ lục về các dịch vụ tài chính; Phụ lục về vận tải hàng không; và Phụ lục về dịch vụ viễn thông. Nhóm 3 bao gồm Phụ lục 2 về dịch vụ tài chính; Phụ lục về dịch vụ viễn thông cơ bản; và Phụ lục về vận tải hàng hải. Không giống những phụ lục khác, những văn bản này chỉ cung cấp các hướng dẫn và phương thức đàm phán, mà không chứa đựng bất kì điều khoản nào điều chỉnh về nội dung. Tương tự như GATT, trong GATS, các thành viên có nghĩa vụ đưa ra các cam kết, tạo thành bộ phận không thể tách rời của Hiệp định. Biểu cam kết được chia thành các cam kết chung, - áp dụng đối với tất cả các ngành dịch vụ; và cam kết cụ thể - chỉ áp dụng cho dịch vụ và phương thức cung ứng dịch vụ đã được các thành viên chỉ rõ. Biểu cam kết cụ thể được thiết kế theo cách cho phép các thành viên chỉ rõ việc thành viên đó có tuân thủ hay không nghĩa vụ MA (Điều XVI), NT (Điều XVII) hay các cam kết bổ sung Điều XVIII) đối với mỗi ngành dịch vụ và mỗi phương thức cung ứng dịch vụ. GATS đưa ra phương pháp tiếp cận đặc biệt cho phép các thành viên vẫn có được sự linh hoạt trong các cam kết, nhằm đảm bảo một không gian chính sách đối với các ngành kinh tế dịch vụ được tự do hoá.
3.Dịch vụ và phương thức cung ứng dịch vụ
Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà đám phán phải đối mặt khi soạn thảo các điều khoản của GATS là định nghĩa dịch vụ. Đáng ngạc nhiên là GATS không đưa ra bất kì định nghĩa nào về dịch vụ. Điều I nêu ra phạm vi áp dụng của GATS, theo đó GATS ‘áp dụng cho các biện pháp tác động đến thương mại dịch vụ của các thành viên’. Điều này cho thấy rõ là: dịch vụ - đối tượng điều chỉnh của GATS - chỉ là các dịch vụ được đưa ra trên cơ sở cạnh tranh. Thật vậy, khoản 3 Điều I nói rõ GATS loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của mình những dịch vụ ‘được cung ứng để thi hành thẩm quyền của chính phủ’. Bởi vậy, quy định này đã loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của Hiệp định tất cả những dịch vụ công mà chính phủ cung ứng nhằm thực hiện chức năng công, đó là các dịch vụ ‘được cung ứng không trên cơ sở thương mại và cũng không trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều nhà cung ứng dịch vụ’, như dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, viễn thông hay năng lượng. Hiệp định không đưa ra khái niệm dịch vụ, nhưng ngược lại, Hiệp định lại mô tả dịch vụ theo phương thức cung ứng dịch vụ. Các phương thức cung ứng dịch vụ là một trong những trụ cột của GATS, và một dịch vụ tương tự có thể được cam kết và đối xử khác nhau phụ thuộc vào phương thức mà nó được cung ứng. GATS phân biệt 4 phương thức cung ứng dịch vụ. Các phương thức khác nhau tùy thuộc vào quy chế pháp lí của nhà cung ứng dịch vụ (pháp nhân hoặc thể nhân), và dựa trên sự dịch chuyển của người tiêu dùng hoặc người cung ứng dịch vụ.
4. Cung ứng dịch vụ qua biên giới
Đây là dịch vụ được cung ứng từ lãnh thổ của một thành viên vào lãnh thổ một thành viên khác. Phương thức cung ứng này là việc cung ứng những dịch vụ không đòi hỏi sự dịch chuyển vật lí của cả người tiêu dùng và người cung ứng dịch vụ. Ví dụ, một kiến trúc sư hay một luật sư ở nước A cung ứng dịch vụ theo yêu cầu của người tiêu dùng ở nước B, theo đó họ cung ứng một bản báo cáo nghiên cứu pháp luật (legal memorandum), hoặc một bản kế hoạch cho khách hàng, mà không phải rời khỏi văn phòng của mình. Một ví dụ khác, một trung tâm điện thoại đặt tại nước A cung ứng sự hỗ trợ qua điện thoại cho khách hàng ở các nước khác. Trong cả hai ví dụ trên, khách hàng và nhà cung ứng dịch vụ đều không phải dịch chuyển, trong khi dịch vụ vẫn được cung ứng qua biên giới.
5. Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài
Đây là dịch vụ được cung ứng trên lãnh thổ một thành viên cho người tiêu dùng dịch vụ của bất kì thành viên nào khác. Phương thức cung ứng này là đặc trưng của một số ngành dịch vụ, như dịch vụ du lịch, hay dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Trong phương thức cung ứng này, nhà cung ứng dịch vụ vẫn ở tại nước của mình và họ cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng đã dịch chuyển đến nước của người cung ứng dịch vụ để nhận dịch vụ. Vì vậy, trong ‘tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài’, người tiêu dùng dịch vụ phải dịch chuyển để nhận một dịch vụ. Ví dụ, một khách du lịch dịch chuyển từ nước của họ sang một khách sạn hoặc một khu nghỉ dưỡng đặt tại một nước khác.
Luật Minh Khuê ( sưu tầm và bien tập)