1. Các hiêp định khối ASEAN

- Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN 1995

- Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN 2019

 

2. Tổng quan về ASEAN

2.1 Lịch sử hình thành và phát triển

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967 trên cơ sở Tuyên bố Băng-cốc, với 5 nước thành viên ban đầu là In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Sau 40 năm tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á (thêm 5 nước là Brunei, Cămpuchia, Lào, Mianma và Việt Nam), là một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu bao trùm là hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.

Hội nghị Cấp cao ASEAN-14 (tháng 2/2009) đã thông qua Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN kèm theo 3 Kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn 2 (2008-2015), đây là một văn kiện quan trọng như một chương trình hành động tổng thể đề ra khuôn khổ và các bước triển khai cụ thể để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kế tục Chương trình Hành động Viên Chăn (VAP).

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN; nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.

Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là: IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

 

2.2 Cơ cấu tổ chức

Hiến chương ASEAN quy định bộ máy tổ chức của ASEAN gồm các cơ quan chính sau:

- Cấp cao ASEAN là cơ quan hoạch định chính sách tối cao của ASEAN, bao gồm những Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các quốc gia thành viên. Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức mỗi năm 2 lần.

- Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, họp ít nhất 2 lần một năm, có nhiệm vụ điều phối các hoạt động hợp tác ASEAN nói chung và chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao.

- Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN bao gồm Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSCC), Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) và Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCCC), họp ít nhất 2 lần một năm, do Bộ trưởng có liên quan của quốc gia đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN chủ trì, có nhiệm vụ theo dõi và điều phối hợp tác ASEAN trên từng trụ cột Cộng đồng mình phụ trách.

- Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN (CPR) đặt tại Gia-các-ta, đóng vai trò là cơ quan đầu mối, theo dõi và điều phối các hoạt động hợp tác hàng ngày của ASEAN.

- Tổng thư ký ASEAN và Ban thư ký ASEAN đặt tại Gia-các-ta, đóng vai trò là cơ quan hỗ trợ hành chính cho các hoạt động hợp tác ASEAN.

- Ban thư ký ASEAN Quốc gia, nằm trong Bộ Ngoại giao của các nước thành viên, chịu trách nhiệm theo dõi và điều phối các hoạt động hợp tác ASEAN ở cấp quốc gia.

 

3. Tiêu chí thành viên của ASEAN

Tiêu chí để được kết nạp là thành viên của ASEAN được quy định tại khoản 2 Điều 6 Hiến chương ASEAN, bao gồm:

- Có vị trí nằm trong khu vực địa lý Đông Nam Á;

- Được tất cả các Quốc gia thành viên ASEAN công nhận;

- Chấp nhận sự ràng buộc và tuân thủ Hiến chương;

- Có khả năng và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ Thành viên.

Các tiêu chí này được cụ thể hóa từ quy định tại điểm 4 Tuyên bố Bangkok 1967: “Hiệp hội này mở rộng cho tất cả các quốc gia khu vực Đông Nam Á tán thành tôn chỉ, nguyên tắc và mục đích nói trên khi tham gia”. Ngay từ lúc mới thành lập đến hiện tại, các tiêu chí thành viên của ASEAN không bao gồm điều kiện về chế độ kinh tế, chính trị và xã hội dù vào thời kỳ mới thành lập, các quốc gia Đông Nam Á phát triển theo hai khối: các quốc gia phát triển theo xu hướng tư bản chủ nghĩa và các quốc gia phát triển theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Các quốc gia khi đã trở thành thành viên của ASEAN đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, không phân biệt về tư cách thành viên (thành viên sáng lập và thành viên gia nhập).

Việc tuân thủ các quy tắc, luật lệ của tổ chức là nghĩa vụ tất yếu mà mỗi thành viên đều phải chấp hành, do vậy hai tiêu chí sau hoàn toàn mang tính khách quan và tương tự như quy định của các tổ chức quốc tế và khu vực khác, như theo khoản 1 Điều 4 Hiến chương Liên hiệp quốc tiêu chí để gia nhập Liên hiệp quốc là “các quốc gia yêu chuộng hòa bình chấp nhận các nghĩa vụ theo Hiến chương và, theo đánh giá của Liên hiệp quốc, có khả năng và có thiện chí thực hiện các nghĩa vụ đó”.  

Hai tiêu chí đầu tiên mang tính chủ quan và đặc thù của ASEAN. Tiêu chí thứ nhất khẳng định tính chất khu vực của ASEAN. Tính chất này chỉ đơn thuần dựa vào yêu tố địa lý, theo đó chỉ các quốc gia nằm trong khu vực địa lý Đông Nam Á mới có thể gia nhập ASEAN. Tiêu chí thứ hai thể hiện nguyên tắc đồng thuận nhất trí của ASEAN. So với các tổ chức quốc tế khác, nguyên tắc đồng thuận của ASEAN phải là đồng thuận 100% (nhất trí tuyệt đối).

Trong 11 quốc gia Đông Nam Á, hiện tại có 10 nước là Thành viên chính thức của ASEAN, còn lại Đông Timo hiện đang được trao quy chế quan sát viên. Đơn xin gia nhập của Đông Timor vẫn đang được xem xét bởi một nhóm công tác đặc biệt nhằm tìm kiếm những thành tựu và nỗ lực trong tiến trình tham gia ASEAN. Dù nộp đơn gia nhập từ năm 2011 nhưng Đông Timor vẫn chưa thể là thành viên chính thức của ASEAN do gặp phải một số rào cản liên quan đến tiêu chí thứ hai và tiêu chí thứ tư. Do Đông Timor hiện là nền kinh tế nhỏ nhất Đông Nam Á nên vẫn đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng những nghĩa vụ thành viên của ASEAN. Đây cũng là nguyên nhân mà một số quốc gia tỏ ra thận trọng và bảo lưu đơn xin gia nhập của nước này. Trong đó có Singapore, Singapore cho rằng Đông Timor mang lại rất ít lợi ích cho ASEAN trong khi gia tăng gánh nặng kinh tế đáng kể khi ASEAN đang ở giai đoạn cuối cùng của việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Có thể thấy trong bốn tiêu chí thành viên của ASEAN, có khả năng và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ Thành viên là tiêu chí quan trọng để đánh giá một quốc gia có thể trở thành thành viên của ASEAN hay không. Nếu một quốc gia không đáp ứng được tiêu chí này thì cũng sẽ vấp phải khó khăn khi muốn đạt được sự công nhận của các quốc gia Thành viên. Tiêu chí này được xem xét khắt khe bởi các Thành viên của ASEAN có trách nhiệm và nghĩa vụ bình đẳng, không phân biệt tư cách thành viên, chế độ kinh tế - chính trị, cũng như để đảm bảo sự phát triển bền vững của các Thành viên và tổ chức.

 

4. Hoạt động công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ của ASEAN

Hoạt động công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ của ASEAN được quy định tại Điều 5 Hiệp định khung về thương mại dịch vụ ASEAN (AFAS) 1995 (Điều 17 Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA) 2019), theo đó: “Mỗi quốc gia thành viên có thể công nhận trình độ giáo dục hoặc kinh nghiệm nhận được, các yêu cầu đã được thỏa mãn, hoặc các giấy chứng nhận hoặc giấy phép đã được cấp tại quốc gia thành viên khác, để sử dụng cho mục đích cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận nhà cung cấp dịch vụ … trên cơ sở hiệp định hoặc thỏa thuận với quốc gia thành viên có liên quan, hoặc có thể đơn phương công nhận.”. Có thể thấy hoạt động công nhận lẫn nhau được thực hiện theo cơ chế tự nguyện, tự quyết và thỏa thuận, thông qua các văn bản thỏa thuận đa phương, song phương hay đơn phương công nhận lẫn nhau. Từ năm 2001, Ủy ban điều phôi dịch vụ ASEAN (CCS) đã thành lập một nhóm chuyên gia đặc biệt về MRA để bắt đầu đàm phán về các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ, bao gồm:

Thỏa thận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Dịch vụ Kỹ thuật năm 2005;

Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Điều dưỡng  năm 2006; Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Khảo sát năm 2007;

Thỏa thận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Nha khoa  năm 2009; Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Y  năm 2009;

Thỏa thuận khung ASEAN thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Kế toán và Kiểm toán năm 2009;

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Du lịch năm 2012;

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về hành nghề Cấp chứng chỉ tổ bay năm 2017.

Cơ chế công nhận lẫn nhau của ASEAN được thực hiện dựa trên sự tự nguyện, thỏa thuận giữa các quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hóa-xã hội của mỗi quốc gia, đảm bảo quyền tự quyết và bảo vệ lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên. Thông qua các hiệp định, thỏa thuận giữa các quốc gia hoặc hành vi đơn phương công nhận sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để các nhà cung cấp dịch vụ có thể tiến hành cung cấp dịch vụ tại một quốc gia khác.

Hoạt động công nhận lẫn nhau có vai trò quan trọng trong thương mại dịch vụ của ASEAN. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau được ký kết nhằm công nhận chứng chỉ của các nhà cung cấp dịch vụ nghề nghiệp đến từ các quốc gia thành viên ASEAN. Nó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ chuyên môn nước ngoài tiếp cận và thực hện hoạt động cung cấp dịch vụ tại thị trường dịch vụ của một quốc gia khác. Hơn thế nữa nó cũng tạo điều kiện cho các quốc gia được tiếp nhận và sử dụng dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau, đa dạng hóa ngành dịch vụ trong nước và  nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển.

Hoạt động công nhận lẫn nhau đã từng bước thúc đẩy các quốc gia han chế và xóa bỏ các rào cản thương mại dịch vụ, từ đó thúc đẩy tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tiến tới thành lập khu vực dịch vụ ASEAN. Đây là yếu tố quan trọng nhằm thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ trong khuôn khổ ASEAN.