Mục lục bài viết
1. Thế nào là hợp đồng tín dụng cho vay theo hạn mức?
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Chương 1 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 43/QĐ-NH14 thì hạn mức tín dụng là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hạn chế mức dư nợ tín dụng tối đa đến với nền kinh tế của tổ chức tín dụng.
Hạn mức tín dụng (Tiếng Anh là Line of Credit) là giới hạn mức vay tối đa mà khách hàng của các tổ chức tín dụng được vay; là số dư cho hay hoặc là số dư nợ tối đa vào một thời điểm, thông thường là ngày cuối cùng của một quý, của một năm được ngân hàng quy định trong kế hoạch tín dụng.
Nói cách khác thì ta có thể hiểu hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà các tổ chức tín dụng có thể cho khách hàng của mình vay trong một thời điểm nhất định. Đó là đặc trưng của các tổ chức tín dụng khi cho khách hàng vay.
Hợp đồng tín dụng hạn mức là văn bản thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với cá nhân, tổ chức mà theo đó ngân hàng sẽ cấp một hạn mức vay nhất định, và cá nhân, tổ chức sẽ duy trì mức dư nợ không vượt quá mức đã cấp. Hình thức cho vay này yêu cầu tài sản đảm bảo, thông thường là bất động sản, giấy tờ có giá hay những tài sản khác mà ngân hàng chấp nhận.
2. Quy định pháp luật về mua bán hạn mức tín dụng
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 43/QĐ-NH14 về mua bán hạn mức tín dụng giữa các tổ chức tín dụng quy định như sau:
- Các tổ chức tín dụng có thể bán cho các tổ chức tín dụng khác có nhu cầu, toàn bộ hay một phần hạn mức tín dụng của mình không dùng đến.
- Một tổ chức tín dụng có thể bán hạn mức tín dụng, không dùng đến của mình, một hoặc nhiều lần cho một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.
- Một tổ chức tín dụng có thể mua hạn mức tín dụng một hoặc nhiều lần của một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.
- Giá trị tối thiểu của một lần mua, bán hạn mức tín dụng là 01 tỷ đồng.
- Việc mua, bán hạn mức tín dụng được thực hiện hàng tháng trên cơ sở cung - cầu của các tổ chức tín dụng và được thực hiện theo một trong hai phương thức:
+ Mua, bán hạn mức tín dụng có thời hạn, thời gian tối thiểu một tháng và được tính tròn theo tháng.
+ Mua, bán hẳn, theo toàn bộ thời hạn của hạn mức tín dụng
- Một tổ chức tín dụng đã bán hạn mức tín dụng chỉ được phép mua hạn mức tín dụng của các tổ chức tín dụng khác sau khi việc bán hạn mức tín dụng đã kết thúc.
- Khi đến hạn của một khoản hạn mức tín dụng bán theo thời hạn, người mua phải trả lại hạn mức tín dụng cho người bán.
- Giá mua, bán hạn mức tín dụng do các bên ký hợp đồng tự thoả thuận và quy định .
- Những khoản mua, bán hạn mức tín dụng được người mua và người bán thông báo đồng thời trong ngày cho Ngân hàng Nhà nước Trung ương qua Vụ tín dụng và chỉ có hiệu lực thi hành sau khi đã được ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Trong thông báo này cần nêu:
+ Hạn mức tín dụng ngân hàng Nhà nước đã giao cho từng tổ chức tín dụng;
+ Hạn mức tín dụng mua, bán giữa các tổ chức tín dụng;
+ Phí mua bán hạn mức tín dụng;
+ Thời hạn mua bán hạn mức tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước thông qua thị trường nội tệ Liên Ngân hàng có thể là người trung gian giữa bên bán và bên mua hạn mức tín dụng trong trường hợp hai bên không giao dịch trực tiếp được với nhau.
- Ngân hàng Nhà nước đảm bảo hoàn toàn bí mật các giao dịch mua bán hạn mức tín dụng như về tên các bên giao dịch, số lượng mua, bán... giữa các tổ chức tín dụng nếu các bên mua, bán yêu cầu.
- Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng các yêu cầu và điều kiện mới nhất trong giao dịch hạn mức tín dụng trên thị trường.
3. Đặc điểm chung của hợp đồng tín dụng
Hợp đồng tín dụng có những đặc điểm chung của các loại hợp đồng, tuy nhiên nó cũng có những đặc điểm riêng biệt sau:
- Về chủ thể bao giờ cũng là tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện luật định với tư cách là bên cho vay và tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác thỏa mãn những điều kiện vay vốn do pháp luật hoặc do tổ chức tín dụng quy định.
- Về đối tượng: Hợp đồng tín dụng ngân hàng có đối tượng là những khoản vốn được thể hiện dưới hình thức tiền tệ. Về nguyên tắc, đối tượng của hợp đồng tín dụng bao giờ cũng phải là một số tiền xác định và phải được các bên thoả thuận, ghi rõ trong văn bản hợp đồng.
- Về hình thức: Hợp đồng tín dụng ngân hàng luôn luôn được lập thành văn bản. Hợp đồng tín dụng ngân hàng đa phần là hợp đồng theo mẫu, chứng thực phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.
- Hợp đồng tín dụng chứa đựng nguy cơ rủi ro rất lớn cho quyền lợi của bên cho vay. Bởi bên cho vay chỉ có thể đòi tiền của bên vay sau thời hạn nhất định. Thời hạn cho vay càng dài thì nguy cơ rủi ro càng cao, cho nên tổ chức tín dụng phải quan tâm đến việc áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro, ngoài ra quy định lãi suất cho vay cao hơn nhằm thu hồi đủ các chi phí bỏ ra cho việc quản lý các khoản cho vay dài hạn vốn có mức độ rủi ro cao.
- Về nghĩa vụ chuyển giao tiền vay của bên cho vay bao giờ cũng phải được thực hiện trước để làm cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên vay. Vì vậy, chỉ khi nào bên cho vay chứng minh được rằng họ đã chuyển giao tiền vay theo đúng hợp đồng tín dụng cho bên vay thì khi đó họ mới có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện các nghĩa vụ đối với mình.
- Về thời hạn: Là loại hợp đồng luôn được xác định thời hạn trước và thời hạn đó được ghi nhận trong nội dung hợp đồng.
- Về lợi nhuận: Là hợp đồng luôn nhằm mục đích thu lợi nhuận.
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng
Các ngân hàng sẽ dựa vào lịch sử tín dụng của bạn cùng một số yếu tố khác để quyết định xét duyệt hồ sơ của cá nhân, doanh nghiệp khi cho vay theo hạn mức tín dụng. Nếu độ uy tín cao thì hạn mức tín dụng sẽ càng cao. Những yếu tố ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng bao gồm:
- Thu nhập là một trong những yếu tố quan trọng mà ngân hàng quan tâm đến khi xét duyệt hồ sơ. Nó ảnh hưởng rất lớn đến hạn mức tín dụng của của người vay.Trong quá trình làm hồ sơ đăng ký làm thẻ tín dụng, người vay phải thể hiện được những tài liệu, chứng cứ để chứng minh thu nhập của mình. Thông thường, nếu thu nhập càng cao thì hạn mức tín dụng được cấp cũng sẽ càng cao.
- Công việc: có công việc ổn định chứng minh rằng người vay có khả năng trả nợ trong dài hạn. Vì vậy ngân hàng thường sẽ kiểm tra nghề nghiệp của người vay trong hồ sơ đăng ký.
- Lịch sử tín dụng: không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra bạn có nợ xấu hay không, ngân hàng sẽ kiểm tra xem số lượng thẻ tín dụng người vay mở có nhiều hay không, thói quen chi tiêu và thanh toán của họ như thế nào,... Tất cả những thông tin đó sẽ giúp ngân hàng có thêm dữ liệu để suy xét có cấp thêm tín dụng cho người vay hay không.
Việc tăng hạn mức tín dụng sẽ không quá khó khăn nếu người vay chứng minh được bản thân là người sở hữu thẻ trách nhiệm, đó là khi đáp ứng đủ những điều kiện sau:
- Thường xuyên thanh toán đúng hạn dư nợ tín dụng.
- Duy trì thời gian sở hữu thẻ.
- Thường xuyên chi tiêu bằng thẻ.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc có thể tìm hiểu tại bài viết: Hạn mức tín dụng là gì? Phân loại, điều kiện áp dụng hạn mức tín dụng của Luật Minh Khuê.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hợp đồng tín dụng cho vay theo hạn mức là gì? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!