1. Hướng dẫn thủ tục thuận tình ly hôn tại tòa án?

Kính chào luật sư. Cho tôi hỏi là tôi lấy vợ được 8 năm và đã có 1 con chung 7 tuổi. Tôi và vợ cùng quê ở ngoài Hà Nội nhưng đang sống và làm việc tại Đồng Nai. Do không hợp nhau nên chúng tôi muốn ly hôn đồng thuận. Luật sư cho tôi biết thủ tục cần những gì? ngoài đứa con chung ra chúng tôi không có gì khác. Xin cảm ơn luật sư!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình qua điện thoại gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Đối với trường hợp của bạn, hai vợ chồng bạn thuận tình ly hôn. Thủ tục ly hôn và cách viết đơn xin ly hôn mời bạn tham khảo ở bài viết: Thủ tục xin ly hôn làm như thế nào? Nghĩa vụ trả nợ chung sau ly hôn?

Theo đó bạn chuẩn bị hồ sơ ly hôn bao gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn xin ly hôn thuận tình (theo mẫu: Đơn ly hôn thuận tình);
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính;
  • Căn cước công dân, CMND của vợ và chồng (bản sao có chứng thực)
  • Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực)
  • Giấy khai sinh của con (bản sao có chứng thực)

Bạn nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi vợ hoặc chồng bạn đang cư trú để giải quyết.

 

2. Cơ quan thẩm quyền giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn?

Thưa luật sư, tôi và vợ tôi thuận tình ly hôn. Nhưng vợ tôi đang ở sinh sống và làm việc tạm trú tại Bình dương. Còn tôi thì đang ở quê Sóc Trăng. Nên tôi muốn nhờ luật sư tư vấn và giải đáp giúp tôi. Tôi cần đến cơ quan nào để yêu cầu ly hôn thuận tình và cần các giấy tờ gì?
Tôi xin cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về thuận tình ly hôn, theo đó:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Theo đó, thủ tục yêu cầu thuận tình ly hôn được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Cụ thể:
Người yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại TAND cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng. Hồ sơ gồm:

- Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn Mẫu số 01-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP;

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);

- CMND/hộ chiếu (bản sao có chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (bản sao);

- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết. Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán được phân công sẽ ra thông báo về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. Thời hạn nộp lệ phí này là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.

Đơn yêu cầu được thụ lý khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc đã thụ lý đơn yêu cầu.

Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trong thời gian chuẩn bị này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp giải quyết và tiến hành mở phiên họp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Việc gửi quyết định giải quyết việc dân sự cho cơ quan thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

Sau khi xem xét đơn và mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, quyết định gồm các nội dung quy định tại điều 370 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn có thể làm hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và nộp tại Tòa án cấp huyện nơi bạn hoặc vợ bạn có hộ khẩu thường trú, trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Tòa án nơi bạn ( hoặc vợ bạn) đăng ký tạm trú để được giải quyết.

 

3. Thuận tình ly hôn thực hiện ở đâu?

Xin văn phòng luật sư cho tôi hỏi vấn đề sau: Tôi có thắc mắc muốn hỏi là:tôi lấy chồng và đăng ký kết hôn ở địa phương khác khi tôi ly hôn ở cho tôi đăng ký kh thì có cần xác nhận gì ở địa phương tôi sinh ra không ?
Cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn là Tòa án nhân dân. Ủy ban nhân dân xuất hiện chỉ với vai trò hòa giải mâu thuẫn gia đình. Tuy nhiên, theo quy định tại các văn bản trên thì việc hòa giải ở cơ sở hiện nay được khuyến khích, cho các bên nhìn nhận lại vấn đề trước khi ra Tòa. Còn nếu các bên không yêu cầu Ủy ban nhân dân xã phường giải quyết hòa giải thì có thể nộp thẳng hồ sơ ly hôn lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Về hồ sơ giải quyết ly hôn, các bên đương sự cần chuẩn bị các giấy tờ sau để nộp ra Tòa án nhân dân:

+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn hoặc Đơn xin ly hôn (theo mẫu của Tòa án);

+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản gốc);

+ Bản sao Sổ hộ khẩu, CMTND của hai vợ chồng công chứng hoặc chứng thực (nếu có);

+ Các giấy tờ khác chứng minh tài sản chung,...

Ngoài các giấy tờ trên, các bên không phải nộp thêm các giấy tờ gì nữa từ địa phương nơi các bên được sinh ra.

 

4. Tòa án giải quyết thuận tình ly hôn theo trình tự nào?

Kính chào luật sư, tôi có câu hỏi này rất mong nhận được sự tư vấn từ luật sư, tôi muốn hỏi về trình tự, thủ tục khi Tòa án giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn. Vợ chồng tôi thuận tình ly hôn, vợ tôi là người nộp đơn.

Tôi xin hỏi, khi giải quyết ly hôn của chúng tôi, Tòa án có phải mở phiên tòa xét xử như các vụ án khác không? Tôi không nhận được thông báo bằng văn bản của Tòa án về việc giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn mà vợ tôi nộp đơn, Tòa án cũng không gọi điện thoại thông báo mặc dù chúng tôi có cung cấp số điện thoại, mà tôi chỉ biết lên Tòa án vì Tòa án thông báo cho vợ tôi. Khi Tòa án giải quyết có 2 thẩm phán và 1 thư ký tòa án, nhưng thẩm phán không làm gì cả, chúng tôi chỉ làm việc với thư ký tòa án, nhưng thư ký tòa án chỉ đưa cho chúng tôi mỗi người một bản tự khai về quá trình chung sống. Sau đó không giải quyết gì thêm, mà chỉ trả lời rằng từ giờ đến cuối tháng sẽ có quyết định, mà tôi cũng không rõ là quyết định gì nữa (phiên họp này mới diễn ra ngày 10/9).

Xin hỏi luật sư: Tòa án thực hiện việc giải quyết ly hôn như vậy có đúng quy định của pháp luật không? Tại sao Tòa án không tiến hành hòa giải? Chức năng của Tòa án chỉ là thừa nhận sự đổ vỡ của hôn nhân thôi sao? Tôi có thể khiếu nại hay làm gì với việc làm của Tòa án không?

Rất mong nhận được sự hồi đáp từ luật sư, xin chân thành cảm ơn!

Tên khách hàng: Lê Đức.

Tòa án giải quyết thuận tình ly hôn theo trình tự như thế nào?

Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn trực tuyến qua điện thoại gọi 1900.6162

Luật sư tư vấn:

1. Về câu hỏi "Tòa án có phải mở phiên tòa xét xử không?"

Điều 28Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

"1. Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

3. Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.

5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.

6. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

7. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định".

Theo quy định của điều luật này, chúng ta xác định được việc thuận tình ly hôn của vợ chồng được xác định là việc dân sự và giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự quy định tại phần thứ năm của Bộ luật tố tụng dân sự.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án chỉ mở phiên tòa xét xử khi giải quyết vụ án dân sự, nếu như là đơn phương ly hôn thì được xác định là vụ án đơn phương ly hôn và Tòa án phải mở phiên tòa xét xử. Còn trong việc dân sự, Tòa án chỉ mở phiên họp giải quyết yêu cầu. Do đó, đối với yêu cầu thuận tình ly hôn của bạn, Tòa án không mở phiên tòa mà chỉ mở phiên họp giải quyết yêu cầu.

2. Về trình tự, thủ tục giải quyết của Tòa án.

- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án phải gửi giấy triệu tập hợp lệ cho các đương sự trong việc dân sự biết để đến tham gia phiên họp giải quyết yêu cầu. Như thông tin của bạn, Tòa án không gửi giấy triệu tập cũng không thông báo trực tiếp cho bạn - với tư cách người liên quan đến yêu cầu, mà lại thông báo gián tiếp qua vợ bạn. Như vậy, Tòa án đã làm sai quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

- Cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tại Điều 55, quy định về thành phần giải quyết việc dân sự như sau;

"1. Những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại khoản 5 Điều 26, khoản 6 Điều 28, khoản 2 và khoản 3 Điều 30, Điều 32 của Bộ luật này hoặc việc xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định giải quyết việc dân sự do một tập thể gồm ba Thẩm phán giải quyết.
2. Những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này do một Thẩm phán giải quyết".

Tiếp đó, Điều 313 BLTTDS quy định về những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự gồm có:

+ Thẩm phán;

+ Đại diện Viện kiểm sát;

+ Người có đơn yêu cầu;

+ Người liên quan đến yêu cầu.

Theo thông tin của bạn, khi tham gia phiên họp, có 2 thẩm phán và một thư ký tòa án. Trước hết, về thành phần phiên họp đã vi phạm quy định của BLTTDS, nghiêm trọng hơn cả là việc không có sự tham gia của Đại diện Viện kiểm sát cùng cấp. Thứ hai, Thẩm phán không phải là người chủ trì phiên họp mà lại giao cho thư ký tòa án làm việc với đương sự là vi phạm quy định của BLTTDS. cụ thể là quy định tại Điều 314 BLTTDS về thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự:

"1. Phiên họp giải quyết việc dân sự được tiến hành theo trình tự sau đây:

a) Thư ký Tòa án báo cáo về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp;

b) Thẩm phán khai mạc phiên họp, kiểm tra về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập tham gia phiên họp và căn cước của họ, giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp;

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết việc dân sự;

đ) Người làm chứng trình bày ý kiến; người giám định trình bày kết luận giám định, giải thích những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn;

e) Thẩm phán xem xét tài liệu, chứng cứ;

g) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự;

h) Thẩm phán xem xét, quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu giải quyết việc dân sự.

2. Trong trường hợp có người vắng mặt thì Thẩm phán cho công bố lời khai, tài liệu, chứng cứ do người đó cung cấp hoặc đã khai với Tòa án.”

Như vậy, chúng ta xác định được Tòa án đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định của BLTTDS.

- Ngay cả khi các bên đương sự đã đồng thuận ly hôn thì Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải. Nếu các bên đoàn tụ thì Tòa án phải lập biên bản hòa giải thành. Nếu các bên không đoàn tụ thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành, đồng thời có quyết định công nhận thuận tình ly hôn của các bên.

3. Về việc khiếu nại việc làm sai quy định của pháp luật của Tòa án.

Luật khiếu nại năm 2011quy định về trình tự khiếu nại như sau:

"1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính".

Như vậy, với việc làm trái với quy định của BLTTDS về trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự của Tòa án, đồng thời phiên họp của Tòa án cũng vừa mới diễn ra, bạn hoàn toàn có thể khiếu nại việc làm của Tòa án đến Chánh án Tòa án đó. Sau khi được trả lời bằng văn bản, nếu như không thỏa mãn với câu trả lời của Tòa án, bạn có thể gửi đơn khiếu nại lần hai đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

 

5. Thời gian giải quyết việc thuận tình ly hôn?

Kính chào Luật Minh Khuê, Tôi có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Tôi với vợ tôi tự nguyện ly hôn và đã gởi đơn lên tòa án và bên phía tòa gọi tôi và vợ tôi đến viết bản tường trình sự việc rồi đến nay cũng gần một năm rồi không thấy tòa gọi đến để giải quyết.
Vậy xin cho tôi hỏi nếu từ ngày nộp đơn đến khi giải quyết xong là thời gian mất khoảng bao lâu ? Và nếu không giải quyết thì tôi phải làm như thế nào ?
Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> ​Luật sư tư vấn thủ tục thận tình ly hôn, gọi: 1900.6162

 

Trả lời:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có một số quy định mới về quy trình, thời gian giải quyết vụ kiện ly hôn, như sau:

Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại tòa án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiện tòa án phải tiến hành thụ lý vụ án, tức thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí, tòa án thụ lý án khi người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp tòa án ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (đoàn tụ hoặc thuận tình ly hôn); Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Đưa vụ án ra xét xử (nếu có một bên không đồng ý ly hôn hoặc có tranh chấp về con, tài sản).

+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự.

+ Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử tòa án phải mở phiên tòa. Sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử, nếu không có kháng cáo, kháng nghị, án sẽ có hiệu lực thi hành.

Như vậy, thông thường, tổng thời gian giải quyết ly hôn đối với trường hợp thuận tình ly hôn là trong hạn 30 ngày; đơn phương ly hôn trong hạn 170 ngày. (tức là kéo dài tầm khoảng từ 4 tháng tới 6 tháng).

Xét thấy trường hợp của bạn, đã quá thời gian giải quyết nhưng Tòa vấn chưa giải quyết, lỗi có thể do 2 nguyên nhân:

- Nguyên nhân do phía vợ chồng bạn: việc có thể thụ lý một vụ án phải thông qua nhiều yếu tố như hồ sơ có đầy đủ, hợp lệ hay không; vợ chồng bạn đã đóng tạm ứng án phí hay chưa... Để chắc chắn, bạn nên kiểm tra lại các giấy tờ xem liệu có phải Tòa án đã gửi thông báo bổ sung giấy tờ cho hồ sơ hay thông báo về tạm ứng án phí hay các quyết định như Tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết nhưng bạn chưa nhận được hay không. Với trường hợp này, để chắc chắn hơn, bạn có thể đến Tòa án nơi nộp hồ sơ để hỏi kỹ càng cũng như giải đáp thắc mắc về sự chậm trễ này, cùng với đó là hoàn thiện việc bổ sung các giấy tờ còn thiếu (nếu có).

- Nếu bạn đã kiểm tra kỹ lưỡng và biết được lỗi không phải do vợ chồng mình mà do phía tòa án, bạn đến Tòa án để phản ánh về sự chậm trễ này. Với trường hợp của bạn Toà án đã vi phạm thủ tục tố tụng dân sự về việc thụ lý vụ án. Bạn có quyền khiếu nại hành vi tố tụng của cán bộ Toà án này nếu bạn có căn cứ chứng minh Toà án đã nhận được đơn khởi kiện và đầy đủ các chứng cứ, tài liệu kèm theo của bạn nhưng vẫn chậm thời gian thụ lý. Nếu người được phân công xem xét đơn của bạn là Thẩm phán, Phó Chánh án thì khiếu nại đến Chánh án Toà án đó. Nếu Chánh án Toà án đó trực tiếp xem xét thì khiếu nại đến Chánh án Toá án cấp trên trực tiếp (Điều 396 BLTTDS).

>> Xem thêm: Thủ tục thuận tình ly hôn và việc phân chia tài sản chung, quyền nuôi con sau ly hôn?

 

6. Thuận tình ly hôn khi đang làm việc tại quận Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh được không?

Chào luật sư. Tôi lấy chồng từ năm 2012, vợ chồng tôi có 2 con (1 trai và 1 gái). Hai vợ chồng quê ở thanh hóa. Hiện tại chúng tôi đang sinh sống và làm việc tại quận thủ đức. Tôi là nhân viên văn phòng thu nhập trên 10 triệu/tháng, chồng tôi kinh doanh bên ngoài nhưng do làm ăn không được nên thu nhập bấp bênh.

Trước giờ tôi là người lo mọi việc trong gia đình cũng như chăm sóc con cái. Hai vợ chồng có rất nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống và đã đồng ý ký đơn thuận tình ly hôn. Hai con sẽ do tôi chăm sóc. Do điều kiện công việc nên tôi không thể về quê nộp đơn. Vậy xin hỏi luật sư, tôi có thể nộp đơn tại tòa án quận thủ đức được không. Và thời hạn xử lý ly hôn của vợ chồng tôi là bao lâu ?

Cảm ơn luật sư.

- NGUYEN THI LAN ANH

Luật sư trả lời:

Về nơi giải quyết thì theo điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;

Theo quy định trên, theo đó tòa án có thẩm quyền giải quyết là tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.

Với những thông tin mà bạn cung cấp thì bạn có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết yêu cầu ly hôn tại tòa án nhân dân cấp huyện trở lên tại nơi làm việc là tại Quận Thủ đức.

Về thời gian:

Khi tiến hành thủ tục ly hôn trước tiên tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải. Nếu không hòa giải được thì tòa án sẽ tiến hành việc thuận tình ly hôn như sau:

+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiện tòa án phải tiến hành thụ lý vụ án, tức thông báo để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí, tòa án thụ lý án khi người khởi kiện nộp cho tòa biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp tòa án ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (đoàn tụ hoặc thuận tình ly hôn); Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Đưa vụ án ra xét xử (nếu có một bên không đồng ý ly hôn hoặc có tranh chấp về con, tài sản).

+ Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự.

+ Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử tòa án phải mở phiên tòa.

+ Sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử, nếu không có kháng cáo, kháng nghị, án sẽ có hiệu lực thi hành.

Qua đó thì thời gian giải quyết 1 việc ly hôn ngắn hay dài thì tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau.nhưng không quá 175 ngày.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng./.