1. Chống đói nghèo để bảo đảm quyền con người

Nạn đói nghèo cùng cực và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội được coi như tình trạng vi phạm nhân phẩm, do đó chống đói nghèo cũng được hiểu là để bảo đảm quyền con người, như chủ đề mà Liên hợp quốc (LHQ) hướng tới nhân Ngày Quốc tế chống đói nghèo (17/10): “Hãy cùng những người ở tận cùng xã hội xây dựng một thế giới gắn kết tôn trọng quyền con người và nhân phẩm”.

LHQ coi sự tồn tại của nghèo đói, bao gồm nghèo đói cùng cực là mối quan tâm lớn và từ năm 1992 đã tuyên bố ngày 17/10 hằng năm là Ngày Quốc tế chống đói nghèo. Mục tiêu xóa đói giảm nghèo luôn là ưu tiên trong hoạt động của LHQ.

Năm 2015, LHQ đã đưa mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030. Mặc dù có sự tiến bộ vượt bậc trong cuộc chiến chống đói nghèo, song theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), vẫn còn 10,7% dân số thế giới (khoảng 767 triệu người) sống trong cảnh đói nghèo.

Đây cũng được coi là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Trong bối cảnh thế giới bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với nhiều sự tiến bộ vượt bậc về y học, khoa học, giáo dục, văn hóa, giúp con người có cuộc sống tốt hơn, vẫn tồn tại tình trạng hàng triệu người sống cảnh nghèo khó, không được đảm bảo điều kiện sống cơ bản, thiếu lương thực, hạn chế về dịch vụ y tế.

Tình trạng nghèo khổ cùng cực được coi là rào cản đối với việc hưởng quyền con người một cách đầy đủ và hiệu quả. Thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho thấy tình trạng đói nghèo là nguyên nhân chính cản trở cơ hội được tới trường của trẻ em, hay nói một cách khác, nghèo đói cũng đi liền với thất học.

2. Xóa nghèo ở Việt Nam

Một trong những nét chính của văn hoá nhân quyển là nắm vững các nguyên tắc của quyền con người, các kiến thức pháp luật liên quan tới quyền con người, vận dụng và gắn kết chúng vào việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống, trước hết là các công việc nhằm xóa đói giảm nghèo. Xóa nghèo là mục tiêu được đề ra như là một trong ba vấn đề cấp bách nhất của dân tộc ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và chính quyền vẫn đang trong giai đoạn trứng nước cần bảo vệ. Tuy nhiên, mục tiêu này là một mục tiêu lâu dài, đã trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử cách mạng Việt Nam, và từ năm 1990 Chính phủ lại bắt đầu triển khai các kế hoạch giảm nghèo với sự chia sẻ về mục tiêu vối các tổ chức dân sự. Trong tư duy gắn kết xóa đói giảm nghèo với việc bảo đảm quyền sinh tồn - một trong những quyển con người cơ bản nhất cho bộ phận người nghèo - sau 20 năm Đổi mới, Việt Nam đã thu được những thành quả đáng tự hào là giảm đáng kể tỷ lệ nghèo và mù chữ hoặc tái mù chữ, một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo.

3. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam theo đánh giá của cộng đồng quốc tế

Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận như một điển hình bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người thông qua xóa đói giảm nghèo, nói cách khác, xóa đói giảm nghèo là thành tựu cơ bản và là minh chứng cụ thể cho việc thực thi quyền con người của Việt Nam.

Trong báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới nhận định tình trạng đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là nhóm các dân tộc ít người ghi nhận mức giảm lớn nhất trong thập niên qua, xuống còn 9,8% vào năm 2016.

Theo LHQ, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt tốc độ giảm nghèo đói nhanh nhất, với việc giảm một nửa tỉ lệ người đói nghèo trong vòng 1 thập niên. Những thành tích xóa đói giảm nghèo ấn tượng đã tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục bảo đảm các quyền cơ bản của người dân, như giáo dục, y tế, nhà ở.... Hơn 90% người dân có bảo hiểm y tế, trong đó 98% là người nghèo, và được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo ngày càng được cải thiện nhờ ngân sách của chính phủ và sự hỗ trợ của người dân cả nước thông qua chương trình “Vì người nghèo”, phong trào “Nâng bước em đến trường”. Với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đang hướng tới hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững 2030 về xóa đói giảm nghèo, cũng là thể hiện cam kết của Việt Nam thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.

Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong Ngày Quốc tế chống đói nghèo 2018 là thực sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đồng hành cùng những người đang sống trong cảnh nghèo khổ để bảo vệ các quyền cơ bản của họ. Hiểu rộng hơn, chống đói nghèo chính là để xây dựng một thế giới gắn kết trong bình đẳng, nơi quyền con người và nhân phẩm được tôn trọng một cách đầy đủ nhất.

4. Giúp người người dân có vốn và công cụ để thoát nghèo

Thay vì công tác bảo trợ nhân đạo, các chương trình giúp người nghèo có vốn và công cụ làm ăn, xây dựng kế sinh nhai, thoát nghèo từ các chương trình lớn của Chính phủ như Chương trình 133, 134, 135 (hỗ trợ vốn, dịch vụ y tế, giáo dục) cho đến vô số những chương trình lớn nhỏ khác của các tổ chức dân sự và NGO trong nước, liên kết quốc tế trợ giúp người nghèo, mục tiêu giảm nghèo trước mắt và lâu dài đã thu được hiệu quả. Tính theo chuẩn nghèo quốc tế, Việt Nam đã giảm số người nghèo xuống được 50%, hoàn thành trước thời hạn một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc (đề ra trong thời hạn nhằm đến là năm 2015). Giờ đây, tư duy “thay vì cung cấp cho người nghèo con cá thì cung cấp cho họ chiếc cần câu cá” đã trở nên phổ biến trong công tác trợ giúp nghèo, đó chính là bản chất của quan điểm gắn quyền con người với việc xóa nghèo. Hay nói khác đi, đã hình thành được một cách nhìn nhận về phát triển có nghĩa là giúp cộng đồng nghèo vượt qua trở ngại bằng sức lực của chính mình, huy động tính chủ thể của bản thân trong nỗ lực tìm ra con đường phát triển riêng thay vì theo đuổi việc cung cấp hàng bảo trợ xã hội, vốn không biết bao nhiêu là đủ. Đây là cách nhìn trên cơ sở giả định rằng mọi người đều có lòng tự trọng, khát vọng và tham vọng, đồng thời những sáng kiến của họ bị bóp nghẹt không có cơ hội phát triển, vì vậy về cơ bản phải là giúp họ cơ hội chủ động thực hiện được khát vọng của mình.

Quan điểm này là một nét văn hóa nhân quyền rất cơ bản đang bắt đầu hình thành ở Việt Nam thông qua sự gắn kết giữa phong trào xóa đói giảm nghèo với việc tạo cơ hội phát triển cho nhóm người bị hạn chế về điều kiện và cơ hội. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, kết quả của việc xóa nghèo là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, kết quả của sự phát triển nhờ đường lối Đổi mới toàn diện, vì vậy không thể nói rằng đó chỉ là do kết quả của việc gắn kết nhân quyền với việc giải quyết vấn đề của cuộc sống. Bởi lẽ còn rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống như tham nhũng (đi liền với đút lót), tai nạn giao thông (do không tuân thủ luật lệ giao thông), an toàn thực phẩm (do thiếu hiểu biết hoặc hoặc bất chấp pháp luật để chạy theo lợi nhuận bất chính) và nhất là vấn đề phá hoại môi trường vi phạm quyền về môi trường... vẫn chưa được kết hợp giải quyết. Chính vì vậy, về thực chất, ý thức gắn kết vấn đề quyền con người với giải quyết các vấn đề cuộc sống hàng ngày chỉ mới bắt đầu hình thành ở Việt Nam.

5. Một số biện pháp xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam

- Đầu tư cải cách giáo dục, đào tạo nghề:

Ngày nay, tri thức đóng vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội một cách toàn diện. Không một nước nào có nền kinh tế vững mạnh mà dân trí thấp, nhất là sống trong nền kinh tế tri thức như hiện nay. Bởi thế, đầu tư mạnh cho giáo dục, đào tạo nghề là mục tiêu then chốt để xóa đói giảm nghèo hiện nay.

Đầu tư mạnh tay để phát triển giáo dục, dạy nghề giúp nâng cao tri thức của người dân, đặc biệt là dân nghèo là giải pháp xóa đói giảm nghèo từ gốc rễ. Điều này được xem là chìa khóa để người dân tự mở khóa, khai thác thế mạnh của bản thân.

Khi có được nền tảng tri thức, họ sẽ ứng dụng tốt để “cày xới” tốt trên mảnh đất của họ. Cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục chính là đem lại sự công bằng cho mọi người dân với cơ hội được phát triển năng lực lao động.

- Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn:

Để giúp vùng quê nghèo, vùng núi, biển đảo xa xôi thay đổi diện mạo thì việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng là trọng tâm. Nhất là hệ thống giao thông được xem là bước đột phá để tiến tới xây dựng nông thôn mới vững mạnh.

Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế. Không có giao thông, kinh tế không thể thông thương. Hạ tầng giao thông nghèo nàn ở đâu, “máu” kinh tế chậm chảy ở đó. Những người dân nghèo gặp không ít khó khăn trong chăn nuôi, trồng trọt và lệ thuộc lớn vào thiên nhiên. Họ càng khó khăn hơn khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm vì giao thông không cho phép tiếp cận thị trường lớn.

Do đó, đầu tư giao thông, hạ tầng vật chất là giải pháp “thay máu” cho nền kinh tế nghèo, nhỏ lẻ, manh mún. Chưa dừng lại ở đó, các chương trình phát triển hạ tầng mạng lưới điện, xây dựng trường học, trạm y tế… cũng được quan tâm và ưu tiên hàng đầu.

- Chính sách vay vốn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nền kinh tế:

Chỉ khi áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, cơ cấu kinh tế mới được chuyển đối theo hướng tích cực. Đồng thời, năng suất lao động được tăng cao, khai thác nguồn lực hiệu quả hơn. Đây cũng là hướng đi làm thay đổi diện mạo kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thế nhưng, một vấn đề nan giải đặt ra là các công nghệ tiên tiến đều có giá trị lớn mà người dân khó lòng sở hữu được. Trong trường hợp này, những chính sách vay vốn mà nhà nước phát động sẽ cứu cánh người dân, đưa họ đến gần với công nghệ hiện đại. Với một lãi suất ưu đãi, họ sẽ có vốn để làm ăn, mở rộng sản xuất và giải quyết bài toán đói nghèo.

Các gói hỗ trợ phát triển này đa phần phát huy hiệu quả khi đến tay những nông dân biết phấn đấu, có mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tại có rất nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách ưu đãi tín dụng góp phần xóa đói giảm nghèo như Agribank,….

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm)