1.Khái niệm bảo hiểm tiền gửi

     Ở Việt Nam hoạt động bảo hiểm tiền gửi đã được hình thành và đi vào hoạt động gần chục năm có nhiều các văn bản quy định và điều chỉnh. Có nhiều quan điểm về bảo hiểm tiền gửi như:

       Tác giả Đào Văn Tuấn đã dẫn theo tài liệu “Xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả” của Diễn đàn ổn định tài chính tháng 9/2001, “Bảo hiểm tiền gửi được hiểu là một sự bảo đảm rằng số dư gốc và lãi cộng dồn của các tài khoản tiền gửi nhất định sẽ được thanh toán tới một giới hạn nhất định”.

       Tác giả Nguyễn Thị Kim Oanh trong Luận án tiến sĩ của mình đã đưa ra khái niệm bảo hiểm tiền gửi như sau: “Bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi về việc tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ trả tiền gửi bao gồm phần gốc và lãi cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị chấm dứt hoạt động và không có khả năng thanh toán cho người gửi tiền. Cam kết công khai này thể hiện dưới hình thức hợp đồng bảo hiểm giữa ha đối tác, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức huy động tiền  gửi và người gửi tiền”.

       Từ trên có thể hiểu: Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

          2. Chủ thể  tham gia bảo hiểm tiền gửi

        Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách xã hội. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có quyền và nghĩa vụ sau:

  • Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
  • Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
  •  Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.
  • Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
  • Khiếu  nại,  tố  cáo,  khởi  kiện  cơ  quan,  tổ  chức,  cá  nhân  có  liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
  • Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. 

         3. Vị trí pháp lý bảo hiểm tiền gửi

      Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ.

      Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được miễn nộp các loại thuế. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoạt động dựa trên các nguồn vốn sau: 

  • Vốn điều lệ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi do ngân sách nhà nước cấp;
  • Nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi;
  • Nguồn thu từ hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi;
  • Nguồn thu  khác  theo  quy  định  của  pháp  luật. 

     Tổ  chức  bảo  hiểm  tiền  gửi  có quyền và nghĩa vụ sau:

   - Xây dựng chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

   - Đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

   - Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

    - Cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

    - Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm.

    - Tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi.

   - Quản lý, sử dụng và bảo toàn nguồn vốn bảo hiểm tiền gửi.

   - Chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi.

    - Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

     - Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

     - Bảo đảm bí mật số liệu tiền gửi và tài liệu liên quan đến bảo hiểm tiền gửi của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

      - Tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn  của  tổ  chức  bảo  hiểm  tiền  gửi  tạm  thời  không  đủ  để  trả  tiền  bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động.

       - Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ.

        - Tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tiền gửi, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và phương thức quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển của tổ chức bảo hiểm tiền gửi

           4. Quy định về phí bảo hiểm tiền gửi

       Tùy thuộc vào mục tiêu thiết lập hệ thống bảo hiểm tiền gửi là hoạt động vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận ở mỗi quốc gia mà quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cao hay thấp trong mối tương quan với những tổn thất mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải chi ra. Điều đó có nghĩa là, việc quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi phải bảo đảm phù hợp với mỗi quốc gia.

Chính vì vậy, về phương diện kinh tế, có nhiều phương pháp định phí bảo hiểm tiền gửi khác nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành, phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

       Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính.

       Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp và được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Về thẩm quyền quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định: Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.

        +) Tiền gửi bảo hiểm:

      Tiền  gửi được bảo hiểm là tiền  gửi bằng đồng  Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi sau:

      - Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

     - Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc  của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

      -  Tiền  mua  các  giấy  tờ  có  giá  vô  danh  do  tổ  chức  tham  gia  bảo hiểm tiền gửi phát hành

        5. Quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

      Nội dung hoạt động quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi được thể hiện qua các nội dung:

      -  Quy  định  chính  sách  của  nhà  nước  đối  với  bảo  hiểm  tiền  gửi. Theo đó, Nhà nước có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được miễn nộp các loại thuế

       -  Xác  định  thẩm  quyền  quản  lý  nhà  nước  về  bảo  hiểm tiền  gửi. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm  vi  nhiệm  vụ,  quyền  hạn  của  mình  có  trách  nhiệm  phối  hợp  với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi tại địa phương.

        Với tính chất là cơ quan trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm:

        - Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

       - Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.

       - Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tiền gửi.

      - Ký kết thỏa thuận quốc tế hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.