Mục lục bài viết
1. Khái quát về thế giới quan của Phật pháp
Nói đến vũ trụ quan là nói đến cách nhìn của chúng ta về sự cấu thành và hủy hoại của vũ trụ, cũng tức là nói đến sự hiểu biết của nhân loại về hiện tượng giới.
Như chúng ta đã biết, thế giới quan là một khái niệm triết học, tức là cá nhân đối với thế giới, cho đến cách nhìn rất căn bản về vũ trụ, từ năng lực tư duy của nhân loại hiện khởi, chứ không phải dừng lại ở sự nghiên cứu hay suy xét đối với một vấn đề nào đó. Như vậy, Phật giáo có cách nhìn ra sao về vấn đề trên?
Lúc còn tại thế, suốt bốn mươi chín năm thuyết giảng, khai mở hơn ba trăm pháp hội, đức Phật luôn luôn lấy hai phạm trù : phá ngã chấp[1] và phá pháp chấp[2] làm ý nghĩa trọn vẹn cho giáo pháp của mình. Ngã chấp chính là cái “ta” mang tính chủ quan, và pháp chấp chính là vũ trụ vạn hữu mang tính khách quan. Nói chung, nội dung của phật pháp không ngoài việc giải thích rõ thực tướng của nhân sinh tức “ngã” (cái ta) và vũ trụ tức là hoàn cảnh nơi mà chúng ta nương ghá để sinh tồn. Phật pháp cho rằng nếu nhận thức được chân tướng của “ngã” và “pháp”, thì chúng ta không bị tự ngã và hoàn cảnh khách quan gây bức bách. Nghĩa là chúng ta hân hoan chuyển mê khai ngộ, từ đó lìa khổ được vui và đạt đến giải thoát vĩnh cửu.
Do vậy, thực chất “pháp” được đức Phật thuyết giảng chính là nguyên tắc tự nhiên của vũ trụ, là bản hữu của vũ trụ, chứ không phải mơ hồ như một số tôn giáo khác nói “pháp là do thần linh sáng tạo ra”. Đức Phật luôn huấn thị: “pháp vốn như vậy”, nghĩa là vạn hữu vũ trụ xưa nay đều hiện tồn theo nguyên tắc tự nhiên và được đức Thích Ca Mâu Ni khám phá nhờ vào trí tuệ vô thượng của Ngài. Đức Phật phát hiện sự bí áo của nhân sinh và vũ trụ để rồi tự tại an nhiên giải thoát trở thành bậc Giác Ngộ. Tuy nhiên, đức Phật không hề lấy đó làm niềm hạnh phúc tuyệt đối cho chỉ riêng bản thân mình, ngược lại, Ngài vô cùng hoan hỷ đem sự bí áo ấy thuyết giảng cho chúng sanh khiến họ nương vào giáo pháp thâm diệu để học tập tu hành, đồng thời thấu triệt huyền cơ bí yếu và trở thành người giác ngộ như Ngài. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta có thể nói rằng chưa có vị giáo chủ nào vĩ đại như thế, và điều ấy đã trở thành bản ý trong sự nghiệp thuyết pháp độ sanh của đức Phật.
Nói đến nhân sinh và vũ trụ, thực sự đây là một vấn đề hết sức nan giải khiến chúng ta khó mà nắm bắt hết được. Ví dụ vấn đề được đặt ra: Vũ trụ do đâu sanh khởi? Nó nương vào đâu để hình thành? Thời gian tồn tại của nó là bao lâu? Phạm vi hay không gian chiếm hữu của nó rộng bao nhiêu? Với muôn hình vạn trạng hết sức phức tạp của nó rốt cuộc liệu có hay không có quy luật? Hoặc nó có một chủ tể? Hơn nữa, vũ trụ nhân sinh do đâu mà có? Đến đi về đâu? Giá trị của sinh mạng nằm ở chỗ nào? Ý nghĩa của nó tồn tại ở đâu? Những vấn đề này, từ xưa đến nay, rất nhiều các nhà tư tưởng, các triết gia, các nhà khoa học đã hơn một lần tìm tòi nghiên cứu, nhưng thực chất không ai đưa ra lời giải đáp hoàn toàn thích đáng.
Vũ trụ này, theo Phật giáo, đó chính là thế giới. Duy Nam Tử nói: “bốn phương trên dưới là Vũ; xưa, nay và mai sau là Trụ”. Kinh Phật nói: “quá khứ, hiện tại và tương lai là Thế; Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới là Giới”. Như vậy, cả hai quan điểm này đều nói đến sự hợp xướng của thời gian và không gian vô lượng. Do đó, thế giới quan của phật giáo cũng chính là vũ trụ quan mà chúng ta thường gọi.
Nói đến vũ trụ quan là nói đến cách nhìn của chúng ta về sự cấu thành và hủy hoại của vũ trụ, cũng tức là nói đến sự hiểu biết của nhân loại về hiện tượng giới. Từ xưa đến nay, các học giả phương Đông cũng như phương Tây đã đưa ra nhiều quan điểm lý luận cho vấn đề này dưới nhiều phạm thức như duy tâm, duy vật.., và hiện tại chỉ lược nêu ra một số luận điểm của các trường phái như sau.
2. Duy Vật Luận
Vũ trụ quan của duy vật luận khẳng định vũ trụ chỉ là hình thái tồn tại của vật chất. Nếu loại trừ vật chất, thì không có thế giới. Do vậy, trường phái này đi đến quyết định rằng con người cũng do vật chất tạo ra. Các học giả của duy vật luận nói nếu con người không có buồng tim hay võ não, thì không thể suy nghỉ. Do đó, họ cho rằng tư tưởng đều nương vào vật chất để tồn tại; con người sau khi chết, nhục thân sẽ biến mất và tinh thần theo đó cũng tiêu vong. Họ không thừa nhận có một tinh thần tồn tại trong vũ trụ. Trường phái này khẳng định bất cứ một hoạt động nào của vũ trụ, đều là hoạt động của vật chất. Các phạm trù như không gian, thời gian, trật tự vv cũng đều trực thuộc đặc tính của vật lý, chứ con người không thể căn cứ vào hư không để sáng tạo ra quy luật vật lý. Do đó, nguyên lý của thế giới tự nhiên không lệ thuộc vào con người để tồn tại mà nó tồn tại độc lập. Họ vẫn công nhận rằng con người có tâm linh, nhưng tâm linh đều do vật chất tạo ra. Nói chung, Duy vật luận đã chứng minh rõ mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần qua ba luận cứ: tinh thần là thuộc tính của vật chất, tinh thần là sản phẩm của vật chất, tinh thần là một phần của vật chất. Thuyết duy vật luôn chú trọng vào yếu tố vật chất để hình thành nên thế giới hiện tượng cũng như nội tại nhằm lý giải sự xuất hiện của vũ trụ trong phạm trù duy vật biện chứng. Họ cho rằng xã hội là do con người quyết định và con người đều bắt nguồn từ vật chất, sau đó mới nảy sinh tinh thần để suy nghỉ hay định liệu. Trên cơ sở này, họ chối bỏ khởi nguyên của tinh thần và đặt tinh thần vào bậc thứ yếu. Trong khi đó, mọi hiện tượng cũng được đúc khuôn theo một hệ thức không thay đổi “vật chất có trước, tinh thần có sau”. Do vậy, họ khẳng định tinh thần là sản phẩm của vật chất và đã phá những luận điểm của các tôn giáo có mặt trong thế giới này. Thế giới, theo họ, là sự đúc kết của một khối vật chất tạo nên.
3. Duy Tâm Luận
Duy tâm luận còn được gọi là Quan niệm luận. Trường phái này lấy tinh thần làm nền tảng căn bản của vũ trụ, đối lập với thuyết duy vật. Do vậy họ đưa ra quan điểm rằng bất cứ một sự vật nào tồn tại trong vũ trụ đều xuất phát từ tinh thần. Tác dụng của loại tinh thần này được biểu hiện qua quan niệm của con người và ngay nơi năng lực của sự vật. Như vậy, vật chất là sản phẩm của tinh thần và chính tinh thần quyết định vật chất. Con người có quan niệm cũng như sự vật có năng lực. Con người hiểu rõ vũ trụ là nhờ vào quan niệm nắm bắt sự vật một cách thực sự. Nếu không có tinh thần, thì vũ rụ vạn hữu không thể hình thành và diệt vong ngay từ buổi đầu sơ khởi. Do tinh thần vốn mang ý nghĩa như vậy nên nguồn gốc của vũ trụ có sự phát triển hợp lý để tạo thành. Có tinh thần thì có sự vật. Chính tinh thần là nền tảng làm phát sinh mọi thứ trong vũ trụ. Một sự vật tồn tại, nếu vắng bóng tinh thần, thì sự vật ấy chết cứng ngay khi chưa thể mường tượng. Tinh thần là nguyên nhân tạo ra vật thể, đồng thời tự thân của nó có đủ lý tánh để điều phối sự vật. Tất cả vạn vật trong vũ trụ đều bắt nguồn từ tinh thần, chịu sự chi phối của tinh thần, cho nên chúng mới hình thành có trật tự và không bị hổn loạn.
4. Nhị Nguyên Luận
Quan điểm của trường phái này chủ trương vũ trụ được tạo thành từ tính chất dung hợp của hai phạm trù vật chất và tinh thần. Tâm và vật hiện hữu trong vũ trụ là hai chủng tánh tương quan tương liên không thể tách rời. Nguồn gốc của tâm và vật là thuộc tính hòa hợp, bản thân của chúng là thực thể bất biến. Trường phái này đem mối quan hệ tinh thần và vật chất chuyển biến thành mối quan hệ của thân và tâm, lấy quá trình bất đồng giữa tư tưởng và vật chất tổ chức thành nhất thể, đem thân tâm và vật chất tổng hợp làm một không thể tách rời. Thuyết nhị nguyên đem vật chất và tinh thần dung hợp ở đỉnh cáo của vạn hữu. Sự chia chẻ hay phân biệt giữa tinh thần và vật chất, theo thuyết này, là một cách nhìn sai lầm không có tính thống nhất. Vạn hữu vũ trụ là sự dung hòa chặt chẻ của tinh thần và vật chất. Nếu tách rời tinh thần để tìm vật chất, thì hoàn toàn không thấy sự tồn tại của vật chất. Ngược lại, nếu tách rời vật chất để nắm bắt tinh thần, thì tuyệt đối không có tinh thần tồn tại độc lập. Thế giới này là quá trình dung hợp của cả tinh thần lẫn vật chất. Nếu vắng bóng sự hòa hợp của hai yếu tố này thì thế giới nhất định không thể hình thành và tồn tại. Như vậy, theo Nhất nguyên luận, vũ trụ vạn hữu được tạo nên nhờ vào sự kết hợp nhuần nhuyển và có thứ tự của hai lãnh vực vật chất và tinh thần.
5. Đa Nguyên Luận
Tương phản với Nhất nguyên luận, Đa nguyên luận cho rằng yếu tố tạo nên vũ trụ không phải là một cá thể mà tổ hợp nhiều cá thể. Vì bản thể của vũ trụ vạn hữu mang nhiều yếu tố, cho nên vũ trụ mới có nhiều hiện tượng. Do đó, trong hiện tượng bất đồng này vốn đã chứa đựng nguồn gốc bất đồng, chứ không phải chỉ có một căn nguyên nào đó biến dịch ra hiện tượng.
Căn cứ vào tính chất của bản thể vũ trụ mà nói, thì vốn có sự hiện hữu của duy vật, duy tâm, nhị nguyên, đa nguyên bất đồng. Nhưng nếu dựa vào sự hình thành của bản thể vũ trụ để trình bày, thì vốn có nhiều phương pháp diễn thuyết như cơ giới luận, mục địa luận, điều hòa phái, siêu việt phái .v.v Tuy nhiên, các học thuyết trên, mỗi học thuyết đều có khuyết điểm của nó. Thực chất của bản thể vũ trụ, nếu nói theo duy vật, thì sự sáng tạo của sinh mạng, tác dụng của tinh thần, chuyển biến của năng lực đơn thuần không thể chấp nhận được. Nếu căn cứ vào duy tâm mà nói, thì sự tồn tại của vật chất cũng là sự thực, và tinh thần không thể sáng tạo ra vật chất. Theo thuyết nhị nguyên, tâm và vật đều có đặc tính không tương quan của nó, nhưng tinh thần không thể tách rời nhục thể để tồn tại và hoạt động độc lập. Đa nguyên luận cho rằng có nhiều yếu tố tạo thành vũ trụ chứ không phải chỉ một yếu tố, và các yếu tố này có tính mâu thuẩn thống nhất với căn nguyên của vũ trụ. Ngay cả sự lý giải về diễn biến hình thành vũ trụ của cơ giới luận, mục địa luận, điều hòa phái, siêu việt phái, mỗi thuyết cũng có sở trường và sở đoản của nó, nhưng không thể giải đáp được tính viên mãn của vũ trụ mà chúng ta đề cập đến.
Có một số tôn giáo cho rằng chính thần linh sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra nam nữ, sáng tạo ra vạn vật v.v. Tuy nhiên, cách lý giải này mang tính thần thoại chứ thực tế không thể biểu hiện được chân lý của nhơn sanh vũ trụ. Vậy, phật giáo có cách gì giải thích triệt để về chân lý của nhơn sanh vũ trụ? Trước hết, chúng ta nên căn cứ vào quan điểm “ngũ ấm thế gian’ mà trong kinh Phật thường nói đến để giải thích.
Bài viết tham khảo: Thế giới quan của Phật Pháp; Minh Chánh (Đạo Phật Ngày Nay)
Ghi chú:
[1] Ngã chấp: Chấp chặt vào nhận thức có thân mình tồn tại , nghĩa là chấp trước vào cái ta. Ngã chấp này cũng được gọi là ‘nhân chấp”. Nhân chấp nghĩa là chấp trước vào con người gây nên khổ đau trong đường sanh tử. Trong Duy Thức Thuật Ký nói: “phiền não khổ chướng có rất nhiều thứ, nguồn gốc của nó xuất phát từ sự chấp trước vào cái ta”. Trong Thành Duy Thức Luận nói: “Chấp ngã có hai thứ: một là câu sanh ngã chấp. Loại này phải được đoạn trừ ở ngôi tu đạo. Hai là phân biệt ngã chấp. Loại này phải được đoạn trừ ở bậc kiến đạo. Hai loại ngã chấp này gây nên hạt giống khiến cho các loại hữu tình phân biệt mình và người khác nhau”.
[2] Pháp chấp: Cố chấp với ý niệm hư vọng cho rằng ở ngoài tâm có thực pháp hữu vi và vô vi tồn tại. Người tu theo tiểu thừa, tuy đã dứt bỏ được sự mê chấp về ngã, nhưng chưa lìa bỏ được sự mê chấp về pháp. Đến địa vị Bồ-tát, ý niệm chấp pháp từ từ được lìa bỏ. Luận Bồ Đề Tâm nói: “người theo đạo Nhị thừa, tuy đã phá vở được sự mê chấp về con người, nhưng còn mê chấp về pháp.”. Sự mê chấp này khiến chúng sanh không nhận rõ thực tướng không của các pháp nên thường bám víu một cách cố hữu khiến sanh tử luân hồi trong biển khổ sanh tử.