Mục lục bài viết
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật dân sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn:
1.Khái niệm kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm dân sự trong thủ tục tố tụng dân sự:
1.1. Kháng cáo là gì?
Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) năm 2015 không đưa ra khái niệm rõ ràng về thế nào là kháng cáo, nhưng từ điều 270 trong bộ luật này quy định về tính chất xét xử của phúc thẩm:
“ Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.”
Từ đó có thể hiểu một cách khái quát về kháng cáo như sau:
Kháng cáo thực chất là quyền của các bên tham gia vào quá trình tố tụng dân sự ( đương sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện) được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự, theo đó, khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc và tuyên bản án hay quyết định sơ thẩm của tòa án, bản án, quyết định này chưa có hiệu lực ngay thời điểm nó được tuyên ra; bởi vậy, nếu trong thời hạn quy định, nếu không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm thì các bên có quyền kháng cáo lại để yêu cầu xem xét lại bản án đó.
Như vậy, kháng cáo được xem như là một quyền trong tố tụng dân sự được thực hiện bởi người có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành của Việt Nam; và đây cũng là hoạt động được tiến hành ở thủ tục phúc thẩm, được coi là bước đầu trong quá trình xét xử phúc thẩm.
1.2. Kháng nghị là gì?
Kháng nghị bản án, quyết định dân sự là hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng có thẩm quyền bày tỏ thái độ phản đối bản án, quyết định dân sự đxa tuyên trước đó, yêu cầu Toà án có thẩm quyền xét xử lại. Kháng nghị có ý nghĩa nâng cao hiệu quả của công tác kiểm sát, giám đốc việc xét xử, bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án dân sự được đúng đắn. Bản chất của kháng nghị giống với kháng cáo ở chỗ chúng đều là hoạt động với mục đích yêu cầu Tòa án xem xét lại bản án hay quyết định khi cảm thấy có vướng mắc hoặc không phù hợp với nguyện vọng của chủ thể thực hiện.
2. Quy định pháp luật về kháng cáo:
Như đã nhắc đến ở trên, quy định về kháng cáo được đặt từ điều 271 đến điều 277 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
- Người có quyền kháng cáo
Điều 271 bắt đầu mở ra các quy định về người có quyền được kháng cáo. Theo đó, các chủ thể được thực hiện quyền này là đương sự, người đại diện theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện. Riêng về đương sự, nhóm chủ thể này phải đáp ứng các điều kiện như: có năng lực hành vi tố tụng dân sự (trừ khoản 6 điều 69 của bộ luật); có quyền và lợi ích liên quan và cho rằng bán án, quyết định sơ thẩm đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, không chỉ người khởi kiện mà cả người bị kiện, bên cạnh đó những người đại diện của họ cũng có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm theo như quy định của thủ tục phúc thẩm dân sự.
- Đối tượng của kháng cáo:
- Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực
- Quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực
- Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực
- Đơn kháng cáo- hình thức của kháng cáo
Quyền kháng cáo sẽ được các chủ thể có quyền thực hiện thông qua đơn kháng cáo được nộp tại tòa án cấp sơ thẩm hoặc tòa án cấp trên trực tiếp để giải quyết. Tuy nhiên, Tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết những kháng cáo đó là tòa án cấp trên trực tiếp. Ví dụ như nếu bản án được tuyên bởi TAND quận, huyện tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm là TAND tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, trong đơn kháng cáo sẽ phải đầy đủ những nội dung như
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
- Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Những nội dung của bản án sơ thẩm bị kháng cáo sẽ được xem xét lại ở phiên tòa phúc thẩm, những nội dung không bị kháng cáo sẽ không được xem xét lại nữa và sẽ được giữ nguyên giá trị thi hành phần còn lại đó. Khi nhận được đơn kháng cáo thì tòa án sẽ xem xét và ra quyết định chấp nhận đơn hoặc trả lại, yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn kháng cáo.
- Thời hạn kháng cáo:
Kháng cáo sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý đã được quy định trong BLTTDS tại điều 273. Tuy nhiên, một số trường hợp đơn kháng cáo bị quá hạn nhưng tòa án vẫn xem xét việc kháng cáo quá hạn đó theo quy định pháp luật tố tụng dân sự.
Kháng cáo quá hạn là kháng cáo được các bên đưa ra khi đã vượt quá thời hạn cho phép quy định tại điều 273 BLTTDS. Tính chất quan trọng của kháng cáo quá hạn thể hiện ở việc Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét “lý do chính đáng” của việc nộp đơn kháng cáo quá thời hạn quy định của đương sự, từ đó ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Trên cơ sở chấp nhận việc kháng cáo quá hạn, nội dung kháng cáo mới được cấp phúc thẩm xem xét.
Theo quy định tại khoản 3 điều 275 BLTTDS 2015, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp để ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của đương sự. Việc chấp nhận hay không chấp nhận của Hội đồng phiên họp dựa trên “lý do chính đáng” của việc nộp đơn kháng cáo quá hạn mà đương sự đã trình bày. Trường hợp xét thấy lý do kháng cáo quá hạn của đương sự là “chính đáng” thì Hội đồng phiên họp xét kháng cáo quá hạn ra Quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn; trường hợp xét thấy lý do kháng cáo quá hạn của đương sự là không có căn cứ xác định là “chính đáng” thì Hội đồng phiên họp xét kháng cáo quá hạn ra Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn. Đây là các quyết định tố tụng sẽ được Hội đồng phiên họp xét kháng cáo quá hạn ban hành khi thực hiện việc xét kháng cáo quá hạn.
Những “lý do chính đáng” để kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo có thể là:
- Người kháng cáo có quyền kháng cáo hay không, nếu không thì đơn kháng cáo sẽ bị trả lại;
- Đơn kháng cáo có đủ điều kiện về hình thức đơn kháng cáo hay không, nếu không đủ điều kiện, người kháng cáo phải sửa đổi, bổ sung vào đơn kháng cáo của mình, nếu các bên không thực hiện sửa đổi hay bổ sung thì đơn kháng cáo sẽ không được thụ lý và bị trả lại;
- Nếu các bên không nộp tạm ứng án phí thì coi như là đã từ bỏ quyền kháng cáo.
Còn nếu đơn kháng đã đủ điều kiện về hình thức, nội dung, tạm ứng án phí đã được hoàn thành thì đơn kháng cáo sẽ được chuyển hồ sơ vụ án lên tòa phúc thẩm.
- Án phí cho việc kháng cáo tại tòa phúc thẩm theo thủ tục tố tụng dân sự:
Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét việc đương sự kháng cáo có phải nộp án phí hay không, tùy vào kết quả được đưa ra sau khi xem xét xong kháng cáo và ra quyết định. Nếu tòa án không hủy bỏ bản án, quyết định sơ thẩm thì đương sự kháng cáo sẽ phải chịu chi phí cho việc kháng cáo, trừ khi được miễn; còn trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy bản án, quyết định sơ thẩm thì đương sự kháng cáo vẫn phải chịu án phí và được xác định dựa trên căn cứ pháp lý tố tụng dân sự.
3. Quy định pháp luật về kháng nghị
- Chủ thể có quyền kháng nghị:
- Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với cấp của tòa xét xử.
- Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp với cấp của tòa xét xử.
- Đối tượng của kháng nghị:
Giống với kháng cáo, cũng là bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm.
- Đơn kháng nghị- hình thức của kháng nghị:
Tương tự với đơn kháng cáo, đơn kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cũng có những nội dung như đã có ở đơn kháng cáo, chỉ khác về chủ thể kháng nghị, là đề cập đến tên VIện kiểm sát đưa ra kháng nghị.
- Thời hạn kháng nghị:
Theo quy định tại điều 280 BLTTDS 2015 thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát có thể kéo dài từ 07 ngày cho đến 01 tháng tùy thuộc vào đối tượng của kháng nghị.
Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị phải gửi ngay quyết định kháng nghị cho đương sự có liên quan đến kháng nghị. Người được thông báo về việc kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án theo điều 281 BLTTDS hiện hành.
4. Đánh giá:
Thứ nhất, pháp luật về tố tụng dân sự đã quy định đây là quyền của các chủ thể có quyền thực hiện, việc này giúp hoạt động xét xử, tố tụng diễn ra chính xác hơn, các chủ thể liên quan có thể chủ động hơn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời nhằm nâng cao tính trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động xét xử của mình, tránh đưa ra các bản án oan sai.
Thứ hai, việc chia ra chủ thể có quyền kháng cáo khác với chủ thể có quyền kháng nghị, cụ thể kháng cáo là hành vi của cá nhân, tổ chức; còn kháng nghị là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền thực hiện, đã giảm sự chồng chéo các hoạt động kháng cáo, kháng nghị, giúp tòa án phân loại và xem xét dễ dàng hơn trong thủ tục tố tụng dân sự, tăng cường hiệu quả trong công tác kiểm sát bản án, quyết định nhằm phát hiện các vi phạm của Tòa án, đảm bảo các vụ án được giải quyết đều đúng theo quy định pháp luật.
BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể về chủ thể, đối tượng và phương thức thực hiện quyền kháng cáo; đây là những cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dễ dàng, đầy đủ hơn quyền của mình trong tố tụng dân sự, đồng thời là hành lang pháp lý hữu hiệu phục vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự.
Thứ ba, về thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Pháp luật cũng chia tách ra các trường hợp áp dụng tùy vào chủ thể thực hiện quyền và đối tượng của kháng cáo, ngoài ra còn tính đến và quy định rõ ràng việc các chủ thể đó có mặt, tham gia vào phiên tòa sơ thẩm hay không thì cách tính thời hạn kháng cáo sẽ khách nhau. Để làm rõ hơn vấn đề này, Hội đồng Thẩm phán đã ban hành ra nghị quyết hướng dẫn cách tính tại điều 4 của Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP hoặc điều 4 Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP. Còn về kháng nghị, chủ thể có quyền thực hiện hoạt động này duy chỉ có cơ quan có thẩm quyền là viện kiểm sát nên thời hạn chỉ được chia tách dựa theo đối tượng của kháng nghị. Việc này giúp cho Tòa án không bị nhầm lẫn giữa các đối tượng, cũng như chủ thể thực hiện quyền kháng cáo, kháng nghị, dựa vào đó tính chính xác hơn thời hạn của đơn kháng cáo, kháng nghị nhận được từ các chủ thể, xem xét nhanh chóng, tránh mất thời gian hơn khi xác định liệu đơn kháng cáo, kháng nghị có còn trong thời hạn được cho phép hay không
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê