Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
- 1.1 Khái niệm
- 1.2 Nhiệm vụ của xét xử phúc thẩm
- 1.3 Ý nghĩa của xét xử phúc thẩm
- 2. Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
- 2.1 Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị
- 2.2 Chủ thể và phạm vi kháng cáo kháng nghị
- 3. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị
- 4. Thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị
- 5. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
- 6. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị
1. Khái niệm xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
1.1 Khái niệm
Theo nguyên tắc được quy định tại Điều 27 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì sơ thẩm là cấp xét xử đầu tiền và phúc thẩm là cấp xét xử chung thẩm: Tòa án có thẩm quyền xét xử phúc thẩm là Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án hình sự đã được xét xử sơ thẩm dưới hình thức phiên tòa trong trường hợp bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị các đương sự kháng cáo hoặc bị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm xét lại quyết định sơ thẩm dưới hình thức một phiên họp trong trường hợp quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.
=> Như vậy Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
1.2 Nhiệm vụ của xét xử phúc thẩm
Nhiệm vụ chính của xét xử phúc thẩm chính là kiểm tra tính hợp pháp tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm và xét xử lại nội dung của vụ án đó. Và được thể hiện ở các khía cạnh như sau:
- Tính hợp pháp của bán án, quyết định sơ thẩm thể hiện ở việc bản án sơ thẩm, quyết định sơ thẩm được ban hành phù hợp với các quy định của pháp luật nội dung cũng như pháp luật về mặt hình thức của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
- Tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm của vụ án hình sự thể hiện ở việc kết luận trong bản án, quyết định phù hợp với những sự kiện thực tế của vụ án trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập được trong vụ án cũng như việc kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
1.3 Ý nghĩa của xét xử phúc thẩm
Xét xử phúc thẩm với tư cách là cấp xét xử thứ hai, xét xử lại nội dung của vụ án nên xét xử phúc thẩm có ý nghĩa góp phần sửa chữa những sai lầm về sự việc và vi phạm về pháp luật của Tòa án sơ thẩm, bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng, thi hành pháp luật, góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm.
Ngoài ra xét xử phúc thẩm cũng góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của bị cáo, bị hại, đương sự nhằm đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, bảo đảm sự dân chủ, công bằng xã hội, nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức pháp luật và phòng ngừa tội phạm, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào hoạt động xét xử của Tòa án.
2. Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
2.1 Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị
Đối tượng kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Như vậy đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm gồm hai điều kiện sau đây:
- Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm. Đây là bản án, quyết định cuat cấp xét xử lần đầu, có thể bị kháng cáo, kháng nghị để xem xét lại ở cấp thứ hai. Tất cả cả các bản án sơ thẩm đều là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng đối với quyết định sơ thẩm thì không phải quyết định nào của Tòa án cấp sơ thẩm đều là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị.
- Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật không phải là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, mà có thể là đối tượng của kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự hoặc là đối tượng của tái thẩm nếu phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ án.
2.2 Chủ thể và phạm vi kháng cáo kháng nghị
* Chủ thể và phạm vi kháng cáo
- Bị cáo, người đại diện của họ có quyền kháng cáo toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến bị cáo. Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có tội có quyền kháng cáo về căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
- Bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo toàn bộ hoặc một phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến bị hại. Trường hợp nếu bị hại chết hoặc mất tích hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền kháng cáo.
- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định sơ thẩm liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ.
* Chủ thể và phạm vi kháng nghị
- Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với toàn bộ hay một phần bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án.
3. Thời hạn kháng cáo, kháng nghị
* Thời hạn kháng cáo
- Thời hạn kháng cáo của bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với những trường hợp bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo đối với họ tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
- Thời hạn kháng cáo quyết định sơ thẩm là 7 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định sơ thẩm đó.
- Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo hoặc trình bày trực tiếp tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày tòa án nhận được đơn hoặc lập biên bản về việc kháng cáo.
- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua các dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi.
- Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua giám thị trại giam, trưởng nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày giám thị trại giam, trưởng nhà tạm giữ nhận được đơn.
- Kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có lý do chính đáng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
* Thời hạn kháng nghị
- Thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm dành cho Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm danh cho Viện kiểm sát cùng cấp là 7 ngày. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày tòa án ra quyết định. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm quá hạn không được chấp nhân,
- Đối với trường hợp hết hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, Viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền có thể kháng nghị ban án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp lyataj theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nếu có căn cứ và còn thời hạn kháng nghị theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị
- Kháng cáo được thực hiện dưới hình thức đơn kháng cáo hoặc được trình bày trực tiếp. Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm. Đối với trường hợp bị can, bị cáo đang bị tam giam, giám thị trại giam, trường nhà tạm giữ phải đảm bảo cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình, nhận đơn kháng cáo và chuyển đơn cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.
- Kháng nghị phúc thẩm được thực hiện dưới hình thức quyết định kháng nghị. Viện kiểm sát đã ra kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài liệu đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 338 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
5. Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị
- Phạm vi kháng cáo, kháng nghị có thể là đối với một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm. Kháng cáo, kháng nghị một phần bản án, quyết định thì phần của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị chưa được đưa ra thi hành. Việc kháng cáo, kháng nghị của bản án quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra thi hành. Việc chưa đưa ra thi hành bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định định bị kháng cáo, kháng nghị nhằm tránh những hậu quả khó khắc phục trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm sửa hoặc hủy bỏ bản án, quyết định sơ thẩm.
- Khi kháng cáo, kháng nghị Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho tòa án cấp phúc thẩm trong thời gian 7 ngày kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị để tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.
6. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị
- Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị có thể được thực hiện ở thời điểm trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Trước khi mở phiên tòa, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị phải được lập thành văn bản và gửi cho tòa án cấp phúc thẩm. Trách nhiệm thông báo về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị thuộc về tòa án cấp phúc thẩm. Chủ thể được thông báo về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị là Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
- Ở tại phiên tòa việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị được ghi vào biên bản phiên tòa.
- Chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo là người kháng cáo. Chủ thể có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị là Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định kháng nghị và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
- Chủ thể có quyền rút kháng cáo là người kháng cáo. Chỉ thể có quyền rút kháng nghị là Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định kháng nghị và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Luật Minh Khuê