1. Việc khoan giếng khai thác nước có phải xin phép không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT về khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất quy định như sau:

- Khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm:

+ Khu vực có mực nước dưới đất đã bị thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm ba (03) năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép;

+ Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu;

+ Khu vực bị xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực đồng bằng, ven biển có các tầng chứa nước mặn, nước nhạt nằm đan xen với nhau hoặc khu vực liền kề với các vùng mà nước dưới đất bị mặn, lợ;

+ Khu vực đã bị ô nhiễm hoặc gia tăng ô nhiễm do khai thác nước dưới đất gây ra; khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn một (01) km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác;

+ Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng.

- Căn cứ đặc điểm của các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất, yêu cầu quản lý của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mực nước hạ thấp cho phép, nhưng không vượt quá một nửa bề dày của tầng chứa nước đối với tầng chứa nước không áp, không vượt quá mái của tầng chứa nước và không được sâu hơn 50 m tính từ mặt đất đối với các tầng chứa nước có áp.

- Tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm, giếng khoan khai thác nước dưới đất cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học nằm trong các khu vực quy định tại Khoản 1 Điều này và có chiều sâu lớn hơn 20 m thì phải thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất.

Như vậy, khi khoan giếng khai thác nước tại khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất được quy định nêu trên thì cần thực hiện đăng ký để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

2. Trình tự thủ tục đăng ký khai thác nước dưới đất như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT quy định về đăng ký khai thác nước dưới đất như sau:

- Tổ trưởng dân phố thực hiện rà soát và lập danh sách tổ chức, cá nhân có giếng khoan khai thác nước dưới đất theo Danh mục khu vực phải đăng ký, sau đó thông báo và cung cấp hai (02) tờ khai theo Mẫu số 38 của Phụ lục kèm theo Thông tư cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Trong vòng không quá mười (10) ngày làm việc, tổ chức, cá nhân phải hoàn thành và nộp hai (02) tờ khai đó cho cơ quan đăng ký hoặc tổ trưởng dân phố. Cơ quan đăng ký sau đó sẽ tiếp nhận và xác nhận thông tin trong tờ khai.

- Sau khi cơ quan đăng ký xác nhận thông tin trong tờ khai, họ sẽ gửi một (01) bản sao cho tổ chức, cá nhân tương ứng.

- Trong trường hợp không muốn tiếp tục khai thác, sử dụng nước dưới đất, tổ chức hoặc cá nhân phải thông báo cho cơ quan đăng ký hoặc tổ trưởng dân phố và trả lại tờ khai. Cơ quan đăng ký sẽ tiến hành trám, lấp giếng không sử dụng theo quy định.

3. Thẩm quyền đăng ký khai thác nước thuộc về cơ quan nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 6 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT quy định về đăng ký khai thác nước dưới đất như sau:

- Cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

- Cơ quan đăng ký có trách nhiệm lập sổ theo dõi, cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn; hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả đăng ký tới Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp cơ quan đăng ký là Ủy ban nhân dân cấp xã thì gửi báo cáo kết quả đăng ký tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường."

Như vậy, cơ quan đăng ký khai thác nước dưới đất là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Cấp phép khai thác tài nguyên nước theo dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi

Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi quy định việc đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước như sau:

- Giấy phép khai thác tài nguyên nước gồm: giấy phép khai thác nước mặt; giấy phép khai thác nước dưới đất; giấy phép khai thác nước biển.

- Các trường hợp không phải kê khai, đăng ký, không phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước

+ Khai thác nguồn nước để sử dụng cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;

+ Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối hoặc khai thác nước biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo;

+ Khai thác nguồn nước để sử dụng cho mục đíchphòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh;

+ Khai thác nguồn nước để sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnhdo cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật;

+ Khai thác nước biển để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền với quy mô nhỏ;

+ Khai thác nguồn nước mặt để sử dụng cho các mục đích khác quy định tại điểm a, điểm c với quy mô nhỏ.

- Khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai.

- Các trường hợp phải đăng ký khai thác tài nguyên nước

+ Khai thác nguồn nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích khác quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 54 Dự thảo;

+ Khai thác nước biển để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản trên đất liền với quy mô vừa;

+ Khai thác nguồn nước mặt để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô vừa;

+ Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;

+ Công trình ngăn sông, suối, kênh, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan.

Xem thêm: Khoan giếng có cần giấy phép kinh doanh và giấy phép hành nghề hay không ?

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Khoan giếng khai thác nước có phải xin phép không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!