Mục lục bài viết
1. Cách khởi kiện đòi tiền lương, BHXH và tiền trợ cấp thôi ?
>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động về tiền lương, gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
1.1 Về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) quy định cụ thể như sau: Trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán các khoản lương, thanh toán bằng tiền cho những ngày nghỉ hàng năm mà người lao động chưa nghỉ hết, trợ cấp, trả lại sổ bảo hiểm xã hội, giấy tờ khác đã giữ cho người lao động trong thời hạn pháp luật quy định. Người lao động cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nếu có.
Trong trường hợp của các bạn, đã hơn 03 tháng công ty chưa thanh toán các khoản tiền lương, trợ cấp mất việc, trả số bảo hiểm xã hội. Như vậy, công ty đã không thực hiện các quy định của pháp luật bắt buộc phải làm khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trong tranh chấp này, cá nhân mỗi người lao động trong các bạn đều cho rằng công ty không thực hiện đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của cá nhân mình. Đây được xác định là tranh chấp lao động cá nhân. Trong đó, bên sử dụng lao động là Tổng công ty chứ không phải chi nhánh, bởi chi nhánh chỉ là bộ một bộ phận trực thuộc và do Tổng công ty thành lập, không độc lập trong hoạt động. Hợp đồng lao động được xác lập là hợp đồng giữa các bạn là người lao động với Tổng công ty.
Điều 187 Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) quy định về các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, cụ thể như sau:
"Điều 187. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
1. Hòa giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động;
3. Tòa án nhân dân".
Tranh chấp lao động cá nhân bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi khởi kiện ra toà án, trừ các tranh chấp sau:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Như vậy, các bạn có thể cùng viết đơn yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải vụ việc. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng bên phía công ty không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì các bạn có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Viết đơn đề nghị hòa giải lên Công đoàn Tổng công ty cũng là một phương pháp để giải quyết tranh chấp nhưng mang tính chất nội bộ và không mang tính bắt buộc. Giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế hòa giải này có những thuận lợi và khó khăn riêng. Trường hợp hòa giải do Công đoàn Tổng công ty tiến hành không đảm bảo được quyền lợi như mong muốn thì các bạn viết đơn đề nghị hòa giải đến hòa giải viên lao động để có thể hòa giải lần nữa cũng như thực hiện thủ tục bắt buộc trước khi khởi kiện ra tòa án.
1.2 Tòa án có thẩm quyền giải quyết và thủ tục khởi kiện
Để xác định tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trên chúng ta căn cứ vào các quy định của Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, theo đó, Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cụ thể là,
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Tranh chấp về học nghề, tập nghề;
- Tranh chấp về cho thuê lại lao động;
- Tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn;
- Tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
=> Như vậy có nghĩa là, để tiến hành khởi kiện ra tòa án, bạn phải viết đơn khởi kiện gửi đến tòa án có thẩm quyền như đã phân tích ở trên. Các bạn có quyền viết một đơn khởi kiện đối với công ty vì các quan hệ pháp luật mà mỗi người la o động trong các bạn tham gia đều có liên quan và giải quyết được trong cùng một vụ án Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về hình thức đơn khởi kiện như sau:
Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
- Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
- Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
- Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
=> Như vậy, bạn có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện. Sau khi tòa án nhận đơn khởi kiện thì sẽ gửi thông báo về số tiền tạm ứng án phí. Sau khi các bạn nộp tiền tạm ứng án phí cho tòa án thì tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án, mở phiên tòa sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục do pháp luật quy định.
2. Tư vấn về tiền lương ?
Tôi đã nhận lương 7,2tr của tháng 10 nhưng phần lương các ngày còn lại, cụ thể 23/09 - 30/09/2013 và 01/11 -12/11/2013 tôi vẫn chưa được tính và không biết tính như thế nào cho đúng quy định pháp luật ?
Trong hợp đồng thử việc quy định giờ làm việc chính thức là 44h/ tuần, 8h/ngày Nếu tính theo cách 7 200 000/ 26 ngày = 277 000 vnđ/ ngày, thì 23/09 -30/09/2013 và 01/11 -12/11/2013 được tính là bao nhiêu ngày ?
Tôi xin chân thành cảm ơn và rất mong sự phản hồi từ các Quý Luật sư Công ty tư vấn Luật Minh Khuê. Tôi rất mong nhận được lời tư vấn vào địa chỉ email này. Kính thư
Người gửi: NH Anh Dũng
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Trả lời:
Thực tế doanh nghiệp áp dụng 1 trong 2 cách tính lương như sau:
Cách 1: Lương tháng = Lương hợp đồng : số ngày công lao động chuẩn tháng của doanh nghiệp áp dụng x số ngày công lao động thực tế
Cách 2: Lương tháng = Lương hợp đồng : số ngày công lao động chuẩn của tháng x số ngày công lao động thực tế
Trong đó:
- Áp dụng cách tính nào sẽ căn cứ vào quy chế lương tthưởng của doanh nghiệp hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc, tùy vào cách áp dụng sẽ cho ra các kết quả khác nhau;
- Số ngày công làm việc thực tế có thể xem trong bảng chấm công;
- Số ngày công lao động chuẩn của tháng có thể là 27, 26, 25 tùy vào tổng số ngày trong tháng và số ngày nghỉ trong tháng.
- Số ngày công lao động chuẩn tháng mà doanh nghiệp áp dụng có thể là 26, 24,...áp dụng cho tất cả các tháng trong năm.
Nếu doanh nghiệp bạn áp dụng số ngày công chuẩn của tháng cố định là 26 thì doanh nghiệp đang thực hiện cách tính lương thứ 1.
Theo đó:
- Lương tháng theo hợp đồng : 7,2 triệu
- Số ngày công chuẩn doanh nghiệp: 26
- Số ngày công thực tế làm việc: căn cứ bảng chấm công của công ty
Nếu như bạn không thể theo dõi số ngày công của bạn trên bảng chấm công thì bạn có thể tính số ngày công làm việc của bạn theo phương pháp sau:
Theo thỏa thuận tại hợp đồng thử việc thì thời gian làm việc của bạn là 44h/tuần, 8h/ngày, tương đương với làm việc 5,5 ngày, mức lương 7,2 triệu. Nếu doanh nghiệp áp dụng 26 ngày công/tháng làm ngày công chuẩn của 1 tháng, thời gian 44h/tuần, 8h/ngày thì trong một tuần sẽ có một ngày công bạn chỉ cần đi làm đủ 4h, một ngày công của bạn được trả là 7.200.000/26 = 277.000 (vnđ/ngày).
Từ ngày 23/09/2013 - 30/09/2013 có 8 ngày, trong đó có 1 ngày thứ bảy, 1 ngày chủ nhật. Từ ngày 01/11/2013-12/11/2013 có 12 ngày, trong đó có 2 ngày thứ bảy và 2 ngày chủ nhật.
Nếu bạn đi làm đầy đủ thì thời gian từ 23/09-30/09 bạn sẽ được chấm 7 ngày công, từ 01/11-12/11 bạn sẽ được tính 10 ngày công. Tổng ngày công là 17.
Lương được trả trong thời gian 23/09 - 30/09 và 01/11 - 12/11 là: 17 ngày công x 277.000 = 4. 709.000 (vnđ)
Vậy, nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính lương trên cơ sở áp dụng 26 ngày công lao động cho tất cả các tháng thì lương bạn sẽ nhận được là 4. 709.000 (vnđ)
3. Lương làm thêm giờ và lương làm vào đêm ?
>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động gọi: 1900.6162.
Luật sư tư vấn:
Hợp đồng ghi nhận 48 giờ / tuần, 8 giờ /ngày, tức là 1 tuần nhân viên công ty phải làm 6 ngày. Hợp đồng cũng ghi nhận ngày nghỉ cố định vào chủ nhật. Như vậy, ngày thứ 7 là ngày làm việc bình thường và người lao động vẫn được hưởng nguyên lương nếu không có thỏa thuận khác. Việc bạn làm tăng ca sẽ được tính thêm. Theo Điều 98 Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) có quy định cụ thể là về:
3.1 Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định như trên thì, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
3.2 Giờ làm việc ban đêm
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
=> Vậy, thời gian từ 17 giờ đến 22 giờ bạn được hưởng 150% lương vào những ngày thường. Còn thời gian từ 22 giờ đến 23 giờ thì ngoài tiền lương 150% còn áp dụng cả khoản 2 khoản 3 điều 98 như đã nêu ở trên. Xem thêm: Tư vấn về việc làm thêm giờ nhưng không được trả lương?
4. Thời điểm hưởng lương theo hệ số lương mới ?
>> Luật sư tư vấn luật lao động trực tuyến, gọi:1900.6162
Luật sư tư vấn:
Căn cứ điểm a khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV Hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức:
Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức :
- Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
- Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới."
Như vậy, khi nâng lương thì thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Xem thêm: Bị chuyển ngạch có được hưởng lương theo bậc lương cũ không ?
5. Nghỉ ngang trong quá trình thử việc thì có phải bồi thường gì không?
Thưa luật Minh Khuê, em có một vài thắc mắc cần được các luật sư Luật Minh Khuê tư vấn và hỗ trợ. Em là sinh viên mới ra trường, em có ký hợp đồng thử việc 2 với công ty X, tuy nhiên trong quá trình làm việc em cảm thấy công việc không phù hợp với bản thân nên em cảm thấy không thể tiếp tục công việc được nữa. Trường hợp này nếu em muốn nghỉ thì phải báo trước cho công ty trong vòng bao nhiêu ngày và nếu em nghỉ ngang thì có phải bồi thường cho công ty không?
Mong các luật sư Luật Minh Khuê tư vấn và phản hồi lại cho em. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021), như sau:
"Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc
2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường".
Như vậy trong thời gian thử việc mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc mà không cần phải báo trước cho bên kia và cũng không phải bồi thường.
Bài viết dựa trên những căn cứ vào thông tin thực tế bạn cung cấp, nếu thấy rằng bài viết chưa sát với thực tế trường hợp của bạn hãy phản hồi với chúng tôi và cung cấp thêm thông tin để có thể được tư vấn chính xác. Và để được tư vấn cụ thể hơn, cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể liên hệ với tổng đài 1900.6162 của công ty Luật Minh Khuê để được tư vấn một cách đầy đủ nhất. Trân trọng!