1. Khái niệm cơ bản về thuế thu nhập cá nhân

Với câu hỏi thuế thu nhập cá nhân là gì ? Về cơ bản trong các văn bản pháp luật chưa có một định nghĩa, hay chưa có một giải thích nào để giải thích cho cụm từ thuế thu nhập cá nhân. Vậy chúng ta có thể hiểu như sau thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu tức là việc tính thuế dựa trên thu nhập của người nộp thuế khi đã trừ đi các khoản thu nhập được tính vào miễn thuế và các khoản được giảm trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân cùng các văn bản, hướng dẫn liên quan.

Việc nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân vì thuế là nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước để đảm bảo các phúc lợi xã hội cho người dân.

 

2. Đối tượng phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CPCông văn 636/TCT-DNNCN, những đối tượng sau phải quyết toán thuế TNCN:

(1) Tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công;

(2) Ủy quyền quyết toán thuế TNCN;

(3) Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.

 

3. Các phương thức nộp hồ sơ quyết toán thuế

3.1 Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Để ủy quyền quyết toán cho tổ chức chi trả thu nhập,  người lao động cần chuẩn bị hồ sơ ủy quyền theo Khoản 3, Điều 21, Thông tư 92/2015/TT-BTC gồm những giấy tờ sau:

Mẫu đơn ủy quyền: Sử dụng Mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN.

– Hóa đơn, chứng từ (ảnh chụp, photo) việc đóng góp từ thiện, nhân đạo hoặc khuyến học (nếu có).

Người lao động nộp hồ sơ ủy quyền đã chuẩn bị đầy đủ cho tổ chức chi trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế TNCN.

 

3.2 Tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Ngoài trường hợp ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho tổ chức chi trả thu nhập người lao động còn có thể tự quyết toán thuế TNCN. Áp dụng theo Khoản 3, Điều 21, Thông tư 92/2015/TT0BTC, hồ sơ tự quyết toán TNCN gồm các giấy tờ:

- Mẫu 02/QTT-TNCN: Tờ khai quyết toán thuế ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

- Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

- Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, tạm nộp hoặc đã nộp ở nước ngoài (nếu có).

- Hóa đơn, chứng từ (ảnh chụp, photo) chứng minh việc đóng góp từ thiện, nhân đạo hoặc khuyến học (nếu có).

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cá nhân thuộc diện trực tiếp khai thuế sẽ nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Cục Thuế nơi đã tiến hành nộp hồ sơ khai thuế trong năm.

 

4. Mức phạt với hành vi vi phạm thời gian quyết toán thuế  

4.1 Vi phạm thời gian quyết toán thuế 

Nếu chậm thời hạn trên mà không làm hồ sơ khai thuế thì có thể bị phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp đã phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

 + Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;

 + Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

 + Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;

 + Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019.

Dựa vào quy định trên có thể thấy, tùy vào thời gian chậm nộp hồ sơ khai thuế mà mức tiền mức tiền phạt có thể khác nhau.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Vì vậy, nếu cá nhân phải tự mình quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà không thực hiện hồ sơ khai thuế sẽ bị phạt tiền bằng ½ số tiền phạt đã nêu ở trên

 

4.2 Mức phạt chậm nộp tiền phạt vi phạm

Khi bị chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân, người nộp thuế có nghĩa vụ nộp tiền phạt theo đúng thời hạn. Nếu tiếp tục chậm nộp tiền phạt sẽ bị tính thêm tiền nộp phạt chậm theo Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể:

- Tiền chậm nộp tiền phạt tính theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt nộp chậm.

- Tính tổng số ngày chậm nộp phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ và tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp phạt đến trước ngày tổ chức, cá nhân thực hiện nộp tiền phạt.

Như vậy, người nộp thuế nếu nộp phạt chậm thời gian quy định còn bị phạt thêm một khoản tiền nộp chậm được tính: Tiền phạt nộp chậm = 0.05% x Số tiền chậm nộp x số ngày chậm nộp.

Tuy nhiên trong một vài trường hợp tổ chức cá nhân sẽ không bị tính tiền chậm nộp tiền phạt:

- Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền

- Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn tiền phạt

- Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.

Lưu ý: Mức phạt trên là áp dụng với các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Nếu cá nhân phải tự thực hiện quyết toán thuế TNCN mà không nộp hồ sơ khai thuế,số tiền phạt bằng ½ mức phạt của doanh nghiệp đã nêu ở trên.

 

5. Những trường hợp không cần phải quyết toán thuế TNCN

Thứ nhất, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế TNCN. Nghĩa là, trong kỳ tính thuế TNCN không trả lương, tiền công cho người lao động thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.

Riêng trường hợp có trả tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì vẫn phải khai quyết toán thuế theo quy định. 

Thứ hai, đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế, nếu cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống sẽ không phải quyết toán thuế. 

Khi đó, cá nhân được miễn thuế trong trường hợp này tự xác định số tiền thuế được miễn, không bắt buộc phải nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN và không phải nộp hồ sơ miễn thuế. Trường hợp kỳ quyết toán từ năm 2019 trở về trước đã quyết toán trước thời điểm 5/12/2020 thì không xử lý hồi tố.

Thứ ba, cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

Thứ tư, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Thứ năm, cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động, hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua, hoặc đóng góp cho người lao động, thì người lao động không phải quyết toán đối với phần thu nhập này.

 

6. Kỳ tính thuế thu nhập cá nhân

 - Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú được quy định như sau:

a) Kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công;

b) Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng;

c) Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế.

- Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế.

Kết luận, những nội dung nêu trên đã nêu những quy định liên quan đến các trường hợp không phải quyết toán thuế TNCN cũng như thời hạn quyết toán thuế TNCN đối với thu nhập tổ chức, cá nhân đủ điều kiện phải quyết toán thuế. Những trường hợp đủ điều kiện nếu không thực hiện đúng quy định, trong đó có quy định liên quan đến mốc thời gian thì sẽ bị xử phạt hành chính với các mức tương đương. Do đó, tổ chức, cá nhân cần tuân thủ chặt chẽ quy định trong thực hiện kê khai quyết toán thuế TNCN, tránh những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình trong việc thực hiện kê khai, nộp thuế.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật thuế trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.