Mục lục bài viết
- 1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
- 2. Quyền đòi lại tài sản theo quy định pháp luật
- 3. Nghĩa vụ hoàn trả theo quy định pháp luật
- 4. Tài sản hoàn trả theo quy định pháp luật
- 5. Cách xử lý ngay khi chuyển khoản nhầm
- 5.1. Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng
- 5.2. Chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng
- 6. Mức xử phạt hành vi không hoàn lại tiền, chiếm giữ tiền của người khác
Ngay khi phát hiện, tôi đã liên lạc nhưng họ tắt điện thoại, khóa facebook, Zalo. Mãi hơn 5 ngày sau, người này mới phản hồi, nói rằng do cùng lúc nhận được nhiều khoản tiền, nên không để ý nội dung giao dịch nên họ đã tiêu luôn số tiền mà tôi gửi nhầm vào cho họ. Mới đầu họ bảo tôi là cho họ thời gian họ sẽ đưa cho tôi nhưng sau đó thì đợi mãi họ cứ vòng quanh và có bảo tôi phải đợi họ.
Vậy xin hỏi luật sư bây giờ tôi phải làm gì và liệu tôi có thể báo công an và yêu cầu họ trả lại số tiền cho tôi được không?
Xin cảm ơn !
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
Theo quy định tại điều 165 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc kiểm soát tài sản dựa trên các quy định của pháp luật ( chiếm hữu hợp pháp). Điều 165 Bộ luật dân sự quy định có 6 căn cứ chiếm hữu:
- Chủ sở hữu được toàn quyền tự mình nắm giữ, quản lý giữ tài sản theo ý chí mình, phù hợp với quy định của pháp luật về từng loại tài sản.
- Người không phải là chủ sở hữu chiếm hữu tài sản chỉ được coi là hợp pháp nếu được chủ sở hữu chuyển quyền chiếm hữu
- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu trong phạm vi, cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.
- Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua các giao dịch dân sự phù hợp với ý chí của chủ sở hữu ( ví dụ: theo hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng giữ tài sản,..). Trong trường hợp này, người được giao tài sản phải thực hiện quyền chiếm hữu tài sản phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.
- Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định.
- Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định.
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định như chiếm hữu trên cơ sở quyết định của Tòa án, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền,...
Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Hiện nay, pháp luật không định nghĩa về các khái niệm chiếm hữu có căn cứ pháp luật, chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, chiếm hữu hợp pháp, chiếm hữu bất hợp pháp. Tuy nhiên, những khái niệm này đã và đang tồn tại trong các văn bản pháp luật, nhưng còn nhiều cách hiểu khác nhau về những khái niệm này như:
- Chiếm hữu hợp pháp là việc chiếm hữu đúng với quy định của pháp luật hay nói cách khác, pháp luật cho phép chiếm hữu và việc chiếm hữu đó được pháp luật bảo vệ. Hiểu theo nghĩa này thì chiếm hữu hợp pháp bao gồm chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, vì người ngay tình được pháp luật cho phép khai thác, sử dụng tài sản và được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
- Chiếm hữu bất hợp pháp là việc chiếm hữu vi phạm một trong các quy định của pháp luật và không được pháp luật bảo vệ do vậy những hành vi chiếm hữu vi phạm điều 165 bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác là bất hợp pháp.
2. Quyền đòi lại tài sản theo quy định pháp luật
Bạn có quyền đòi lại số tiền đã chuyển nhầm. Bởi vì, khoản 1 Điều 166 của Bộ luật này quy định như sau
“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật. Người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu hợp pháp có thể là người được chủ sở hữu ủy quyền, người có quyền chiếm hữu theo quyết định, bản án của Tòa án, cơ quan nhà nươc có thẩm quyền và những người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình.
Những người sau đây phải trả lại tài sản:
- Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không ngay tình
- Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình nếu có tài sản thông qua giao dịch không đền bù, trừ trường hợp xác lập quyền sở hữu theo điều 236 của Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình có nghĩa vụ hoàn trả tài sản và hoa lợi thu được kể từ thời điểm biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ pháp luật.
Bộ luật dân sự quy định chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình, quyền của chủ sở hữu là quyền tuyệt đối, có nghĩa là chủ sở hữu có đầy đủ các quyền này do pháp luật quy định đối với tài sản thuộc sở hữu. Bên cạnh đó, Bộ luật dân sự có quy định người không phải là chủ sở hữu nhưng có một số quyền đối với tài sản của chủ sở hữu như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt,... Đâu là các quyền tài sản mà pháp luật bảo hộ cho các chủ thể có quyền này, vì vậy chủ sở hữu không được đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của các chủ thể đang có quyền hưởng dụng hoặc quyền bề mặt đối với tài sản đó.
3. Nghĩa vụ hoàn trả theo quy định pháp luật
- Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
- Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
4. Tài sản hoàn trả theo quy định pháp luật
- Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.
- Trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả khoản lợi về tài sản đó cho người bị thiệt hại bằng hiện vật hoặc bằng tiền.
5. Cách xử lý ngay khi chuyển khoản nhầm
5.1. Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng
Chuyển nhầm tài khoản cùng ngân hàng được hiểu là tài khoản nhận đang cùng hệ thống với ngân hàng bạn gửi tiền. Ví dụ, bạn sử dụng ngân hàng VP Bank và gửi tiền nhầm sang chủ thẻ VP Bank. Vậy thì sẽ có các bước thực hiện như sau.
Bước 1: Kiểm tra và chụp ảnh lại giao dịch đã chuyển nhầm rồi đi đến chi nhánh ngân hàng bạn đang sử dụng.
Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.
Bước 3: Cung cấp các thông tin cá nhân và điền vào mẫu đơn khi được nhân viên ngân hàng yêu cầu.
Bước 4: Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận và yêu cầu họ trả lại tiền cho bạn.
Lưu ý: Thời gian nhận được tiền sẽ khá lâu do ngân hàng phải liên hệ và làm việc với người nhận.
5.2. Chuyển nhầm tài khoản khác ngân hàng
Trong trường hợp bạn gửi nhầm tiền sang một tài khoản khác ngân hàng thì việc lấy lại tiền sẽ khó hơn, nhưng cơ hội là vẫn còn. Các thao tác làm việc với ngân hàng như sau:
Bước 1: Ngay sau khi phát hiện bị chuyển tiền nhầm tài khoản, bạn cầm theo chứng minh thư của mình tới ngân hàng mình đang sử dụng để giải quyết.
Bước 2: Tới ngân hàng hãy thông báo với nhân viên về việc bạn đã chuyển khoản nhầm tiền cho người khác.
Bước 3: Ngân hàng sẽ tiến hành các bước kiểm tra, rà soát. Sau khi kiểm tra và xác nhận là giao dịch nhầm, ngân hàng sẽ liên hệ với ngân hàng chủ quản chuyển nhầm để thông báo cho chủ tài khoản đó xử lý theo quy định.
Không chỉ có nghĩa vụ bắt buộc hoàn trả lại, theo khoản 1 Điều 580 của Bộ luật này, “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được”. Điều đó đồng nghĩa, về nguyên tắc, chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm phải trả lại 100% số tiền bạn đã chuyển cho họ.Vì là nghĩa vụ bắt buộc, cho nên nếu người này không thực hiện là vi phạm quy định của pháp luật.
6. Mức xử phạt hành vi không hoàn lại tiền, chiếm giữ tiền của người khác
Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, sẽ bị xử lý hành chính hoặc chịu TNHS, cụ thể:
Theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Người nước ngoài thực hiện hành vi này thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Nếu sử dụng trái phép tài sản của người khác, người vi phạm có thể bị xử lý về Tội sử dụng trái phép tài sản, với mức phạt tiền tối đa lên đến 100 triệu đồng, bị phạt tù tối đa đến 7 năm tù.
Như vậy chủ tài khoản được bạn chuyển nhầm tiền có nghĩa vụ hoàn trả cho bạn theo quy định tại khoản 1 Điều 579 của Bộ luật này. Đó là: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”. Và tùy theo mức độ và hậu quả bạn của bạn có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.