Mục lục bài viết
1. Khái quát về đất nước Hungary
Hungary là một quốc gia không giáp biển thuộc khu vực Trung Âu. Nước này tiếp giáp với Slovakia về phía bắc, Áo về phía tây, Slovenia về phía tây nam, Croatia và Serbia về phía nam, România về phía đông và Ukraina về phía đông bắc. Thành phố Budapest là thủ đô của Hungary. Nước này là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như OECD, NATO, Liên minh châu Âu và Hiệp ước Schengen. Ngôn ngữ chính thức tại Hungary là tiếng Hungary, hay còn gọi là tiếng Magyar - một ngôn ngữ thuộc nhóm Finn-Ugria có liên hệ gần với tiếng Phần Lan và tiếng Estonia. Tiếng Hungary là một trong bốn ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu không thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.
Hungary theo mô hình Cộng hòa nghị viện. Tổng thống do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội 1 viện gồm 386 ghế, hình thành từ danh sách trúng cử của các đảng có chân trong Quốc hội (phải đạt 5% tổng số phiếu bầu hợp lệ trở lên) và các đại biểu thắng cử trực tiếp tại các khu vực bầu cử. Quốc hội có nhiệm kỳ 4 năm. Thủ tướng do Tổng thống đề cử từ đảng hoặc liên minh giành được đa số trong Quốc hội và phải được Quốc hội bỏ phiếu thông qua. Các thành viên Chính phủ do Thủ tướng đề cử và Tổng thống bổ nhiệm.
Hungary là một quốc gia thống nhất, được chia thành 19 hạt (megye). Ngoài ra, thủ đô (főváros) của nước này-Budapest, là một thực thể độc lập, không thuộc bất cứ tỉnh nào. Các hạt và thủ đô là 20 đơn vị NUTS cấp 3 của Hungary. Các tỉnh được chia tiếp thành 174 quận (járás) tính đến ngày 1 tháng 1 năm 2013. Ngoài ra còn có 23 thị trấn có quy chế cấp quận (megyei jogú város). Chính quyền địa phương của các thị trấn này đã mở rộng quyền hạn, nhưng các thị trấn này thuộc về lãnh thổ của quận tương ứng thay vì là các đơn vị lãnh thổ độc lập. Hội đồng quận và các đô thị có vai trò khác nhau và trách nhiệm riêng biệt liên quan đến chính quyền địa phương. Vai trò của các quận về cơ bản là hành chính và tập trung vào phát triển chiến lược, trong khi các trường mẫu giáo, các công trình nước công cộng, xử lý rác thải, chăm sóc người cao tuổi và các dịch vụ cứu hộ được quản lý bởi các đô thị. Từ năm 1996, các quận trên và thành phố Budapest đã được gộp lại thành 7 vùng nhằm mục đích thống kê và phát triển. Bảy khu vực này tạo thành các đơn vị cấp hai của NUTS ở Hungary, bao gồm: Vùng Trung tâm Hungary, vùng Trung Transdanubia, vùng Bắc Đồng bằng Lớn, vùng Bắc Hungary, vùng Nam Transdanubia, vùng Nam Đồng bằng lớn, và vùng Tây Transdanubia.
Hiến pháp Hungary năm 1949 được thông qua vào ngày 20 tháng 8 năm 1949 và được sửa đổi nhiều vào ngày 23 tháng 10 năm 1989. Văn kiện này là hiến pháp thành văn đầu tiên của Hungary, và bản hiến pháp này được thay thế vào năm 2011. Hiến pháp của Hungary, được thông qua vào năm 2011, tuyên bố hiến pháp năm 1949 là không còn hiệu lực.
2. Kinh tế của Hungary
Ngay từ những năm 1960, Hungary đã tìm cách tự do hóa nền kinh tế một cách giới hạn và từ năm 1990 đã chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường.
Gần 1/5 lực lượng lao động làm nông nghiệp, chủ yếu sản xuất ngô, lúa mì, kiều mạch, củ cải đường, hoa quả, hạt hướng dương và nho. Mặc dù có trữ lượng than đáng kể, Hungary vẫn phải nhập hơn một nửa số nhiên liệu. Có bô xít và khí tự nhiên. Du lịch và các ngành sản xuất thép, hoá chất, phân bón, dược liệu, máy móc và xe cộ đóng vai trò quan trọng; sản xuất điện năng đạt 35,104 tỷ kw/h, điện nguyên tử 35%, thuỷ điện 1%, tiêu thụ 33,317 tỷ kWh. Từ đầu những năm 1990, các xí nghiệp tư nhân được thành lập (80% GDP do tư nhân sản xuất ra) và đầu tư nước ngoài được khuyến khích thu hút 50% số dự án đầu tư nước ngoài vào khu vực Trung - Đông Âu)
Trong những năm 1990-1994, kinh tế lâm vào tình trạng khủng bố trầm trọng. Từ tháng 7 năm 1994, Chính phủ liên hiệp trung tả đã điều chỉnh một số chính sách kinh tế theo hướng tích cực. Nền kinh tế đang bước vào ổn định, thu nhập đầu người 91997) đạt 4.510 USD, tăng trưởng đạt 4,7%; Xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, nhập khẩu 25,1 tỷ USD; nợ nước ngoài: 27 tỷ USD.
Từ năm 1997, nền kinh tế bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, GDP tăng trưởng 4-5%/năm. Từ cuối năm 2008, Hungary bị ảnh hưởng mạnh của khủng hoảng tài chính thế giới, thâm hụt ngân sách cao (9,5% GDP), mỗi năm phải trả lãi nợ nước ngoài tới 4% GDP, gánh nặng an sinh xã hội cao nhất khu vực Trung Âu (60% GDP) và buộc phải đề nghị IMF hỗ trợ 25 tỉ USD để cứu hệ thống ngân hàng khỏi sụp đổ, đồng thời phải áp dụng các biện pháp khắc khổ. Năm 2009 nền kinh tế tăng trưởng âm 6,3%. Sang năm 2010, kinh tế Hungary đã phục hồi, thâm hụt ngân sách giảm còn 3,8%, lạm phát 4,5%, dự trữ ngoại tệ khá (45,7 tỷ USD), GDP tăng trưởng 0,8%. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp còn cao (11,5%), nợ nước ngoài nhiều (134,6 tỷ USD), nợ công lên tới mức 80% GDP.
Tính đến năm 2016, GDP của Hungary đạt 117.065 USD, đứng thứ 58 thế giới và đứng thứ 22 châu Âu.
3. Trưng cầu ý dân tại Hungary
Luật đầu tiên về trưng cầu ý dân và các sáng kiến công dân ở Hungary là Luật số XVII năm 1989. Các quy định trong đạo luật về trưng cầu ý dân của Hungary đã vượt trên các quy định tương ứng của nhiều nền dân chủ nghị viện ở Tây Âu vào thời kỳ bấy giờ. Năm 1995, Tòa án Hiến pháp Hungary kêu gọi Quốc hội thông qua một luật mới về vấn đề này. Do đó, các quy định hiện hành về trưng cầu ý dân và các sáng kiến công dân đã được thông qua vào năm 1997. Trong khi đó, các quy định về trưng cầu ý dân và sáng kiến công dân ở cấp địa phương được quy định trong Luật số LXV năm 1990 về chính quyền địa phương, đã cung cấp khuôn khổ pháp lý để các nghị định của các chính quyền địa phương quy định cụ thể hóa.
4. Phân loại trưng cầu dân ý ở Hungary
Theo Hiến pháp Hungary, có hai loại trưng cầu dân ý chủ yếu là: Trưng cầu ý dân bắt buộc và không bắt buộc. Trong cả hai trường hợp, việc 25 kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội, theo đó:
- Trưng cầu ý dân bắt buộc (tức là sáng kiến công dân đối diện với việc giới thiệu hoặc bãi bỏ luật). Quốc hội phải tổ chức một cuộc trưng cầu theo sáng kiến của tối thiểu là 200.000 cử tri, cho dù bản thân Quốc hội có đồng ý hay không đồng ý với việc trưng cầu ý dân đó.
- Trưng cầu ý dân không bắt buộc là trường hợp Quốc hội có quyền xem xét việc ban hành lệnh trưng cầu ý dân hay không về một nội dung nào đó. Một cuộc trưng cầu không bắt buộc có thể được tổ chức theo sáng kiến của:
a) Các cử tri (nếu sáng kiến được ủng hộ của hơn 100.000 nhưng ít hơn 200.000 cử tri);
b) Tổng thống nước Cộng hòa;
c) Chính phủ hoặc
d) Ít nhất một phần ba số thành viên Quốc hội.
Số lượng các chữ ký cần thiết đảm bảo rằng chỉ có những vấn đề nghiêm túc và quan trọng mới được quyết định thông qua một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc. Đối với kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân, Hiến pháp phân biệt hai loại trưng cầu ý dân khác nhau – ràng buộc và tham khảo. Kết quả của trưng cầu bắt buộc luôn mang tính ràng buộc. Kết quả của trưng cầu không bắt buộc có thể mang tính ràng buộc hoặc tham khảo, tùy thuộc vào quyết định của Quốc hội khi ra quyết định tổ chức trưng cầu ý dân.
Những điều kiện về tính hợp lệ của một cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân, theo đó là: một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc có giá trị nếu (a) hơn một nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu hợp lệ và (b) ít nhất một phần tư các cử tri đăng ký đưa ra cùng câu trả lời cho câu hỏi trưng cầu ý dân.
5. Các nội dung trưng cầu dân ý thuộc thẩm quyền của Quốc hội
Có những chủ đề nhất định không được đưa ra trưng cầu dân ý bởi vì chúng hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội Hungary như:
a) Nội dung các luật về ngân sách, về việc thực thi ngân sách, về các loại thuế trung ương và các loại thuế trước bạ, về các loại thuế xuất nhập khẩu, và quy định về các loại thuế địa phương;
b) Các nghĩa vụ phát sinh từ các hiệp ước quốc tế có hiệu lực, hoặc nội dung của các luật quy định về các nghĩa vụ này;
c) Các quy định của Hiến pháp về trưng cầu dân ý và sáng kiến công dân;
d) Bất cứ vấn đề nào về thay đổi nhân sự và tổ chức (chuyển đổi hoặc giải thể các cơ quan chính thức) thuộc thẩm quyền của Quốc hội;
e) Việc giải tán Quốc hội;
f) Các chương trình của Chính phủ;
g) Tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp; h) Việc triển khai các lực lượng vũ trang ở nước ngoài hoặc trong nước;
i) Việc giải thể Hội đồng đại biểu của Chính quyền địa phương và
j) Tuyên bố đặc xá.
Các vấn đề bị cấm trưng cầu dân ý cũng là để bảo vệ thẩm quyền riêng biệt của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và đảm bảo rằng những câu hỏi cần có cách tiếp cận cụ thể hoặc ảnh hưởng đến Hiến pháp thì vẫn thuộc thẩm quyền của Quốc hội Hungary.
Tòa án Hiến pháp tại Hungary đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân chủ trực tiếp liên tục định hình và thiết lập quy tắc thực tế liên quan đến các vấn đề bị cấm đưa ra trưng cầu ý dân. Sáng kiến trưng cầu ý dân của đảng Fidesz năm 2006 cũng gặp phải vấn đề này, bởi một số câu hỏi đề xuất liên quan đến “Chương trình Chính phủ” là chủ thể bị cấm đưa ra trưng cầu ý dân.
Quốc hội sẽ quyết định về sáng kiến công dân có đủ điều kiện để tổ chức trưng cầu ý dân hay không, đối với cuộc trưng cầu ý dân cấp quốc gia. Nghị quyết của Quốc hội phải xác định rõ đây là trưng cầu ràng buộc hay không ràng buộc và câu hỏi cụ thể đưa ra trưng cầu, và đưa ra những quyết định liên quan đến ngân sách cho cuộc trưng cầu ý dân. Trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức ngay trong vòng 90 ngày sau khi Quốc hội ra Nghị quyết tổ chức trưng cầu ý dân.