Mục lục bài viết
1. Khái quát về Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một nước cộng hoà liên bang gồm 50 tiểu bang. Hệ thống Luật pháp Hoa Kỳ được thiết lập bởi các Đạo luật của Quốc hội. Chính quyền liên bang có ba nhánh độc lập: lập pháp, hành pháp, và tư pháp, được thiết lập theo Hiến pháp Hoa Kỳ. Dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập, mỗi nhánh có thẩm quyền để hành xử các sự vụ trong lĩnh vực riêng, với một số thẩm quyền ảnh hưởng trên hai nhánh còn lại, và ngược lại, có một số thẩm quyền bị ảnh hưởng bởi một hoặc cả hai nhánh kia.
2. Nhánh lập pháp
Quốc hội Hoa Kỳ là nhánh lập pháp của Chính quyền liên bang Hoa Kỳ. Theo chế độ lưỡng viện, Quốc hội gồm có Hạ viện (còn gọi là Viện dân biểu), và Thượng viện (còn gọi là Viện nghị sĩ).
Hạ viện có 435 thành viên bỏ phiếu, số thành viên mỗi bang phụ thuộc vào dân số của bang đó. Mỗi bang có tối thiểu 1 hạ nghị sĩ. Mỗi hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 2 năm. Một người muốn trở thành hạ nghị sĩ thì phải từ 25 tuổi trở lên, phải là công dân Hoa Kỳ ít nhất 7 năm, và phải là cư dân tại bang mà người đó đại diện. Không có giới hạn số nhiệm kì cho mỗi hạ nghị sĩ. Ngoài 435 thành viên bỏ phiếu còn có 6 thành viên không bỏ phiếu, bao gồm 5 đại biểu (delegate) từ Washington, D.C, Guam, Quần đảo Virgin, Samoa thuộc Mỹ, Quần đảo Bắc Mariana, và 1 ủy viên cư dân (resident commissioner) từ Puerto Rico.
Thượng viện có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, mỗi bang có 2 thượng nghị sĩ. Mỗi thượng nghị sĩ phục vụ trong nhiệm kỳ 6 năm. Cứ mỗi 2 năm thì Thượng viện được bầu lại. Một người muốn được bầu làm thượng nghị sĩ thì phải ít nhất 30 tuổi, phải là công dân Hoa Kỳ ít nhất 9 năm, phải là cư dân tại bang mà họ đại diện trong thời gian bầu cử.
Mỗi viện đều có quyền lực riêng biệt. Thượng viện có nhiệm vụ cố vấn và phê chuẩn các bổ nhiệm của tổng thống, trong khi Hạ viện có trách nhiệm đệ trình các dự luật từ dân biểu và nâng cao thu nhập quốc gia. Tuy nhiên, cần có sự đồng thuận của cả hai viện để có thể thông qua các dự luật rồi trở thành đạo luật. Quyền lực của quốc hội được quy định trong những điều khoản của Hiến pháp; tất cả quyền còn lại dành cho các tiểu bang và nhân dân. Trong hiến pháp có "điều khoản cần thiết và thích đáng" cho phép quốc hội "làm tất cả luật cần thiết và thích đáng để bảo đảm sự vận hành của quyền lực hiện hành."
Thành viên Hạ viện và Thượng viện được tuyển chọn theo thể thức một hạt bầu cử chọn một người là người có số phiếu cao nhất (first-past-the-post voting), ngoại trừ hai tiểu bang Louisiana và Washington theo thể thức bầu cử hai vòng (runoffs) – vòng đầu chọn hai người có số phiếu cao nhất để vào tiếp vòng sau.
Quốc hội có trách nhiệm giám sát và tác động đến các mặt điều hành của nhánh hành pháp. Quy trình giám sát của quốc hội nhắm vào các mục tiêu như ngăn chặn sự lãng phí, các hành vi dối trá, bảo vệ các quyền tự do dân sự cũng như các quyền cá nhân, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của nhánh hành pháp, thu thập thông tin để làm luật và giáo dục quần chúng, cũng như thẩm định những thành quả của hành pháp. Quyền giám sát này được thực thi đối với các bộ của chính phủ, các cơ quan hành pháp, các uỷ ban pháp chế, và chức vụ tổng thống.
Theo Hiến pháp, Quốc hội có quyền đánh thuế và thu thuế để trả nợ, cung ứng phương tiện quốc phòng và phúc lợi chung cho nước Mỹ; vay mượn tiền; lập ra các quy định thương mại với các nước khác và giữa các tiểu bang; thiết lập những quy định thống nhất về nhập tịch; phát hành tiền và quy định mệnh giá; trừng phạt các hình thức lừa đảo; thiết lập bưu điện và công lộ, cổ xuý sự tiến bộ khoa học, thiết lập các toà án trực thuộc Tối cao Pháp viện, định nghĩa và trừng phạt tội vi phạm bản quyền và các trọng tội, tuyên chiến, tổ chức và hỗ trợ quân đội, cung ứng và duy trì hải quân, làm luật lãnh thổ và lực lượng hải quân, cung ứng lực lượng dân quân, trang bị vũ khí và duy trì kỷ luật các lực lượng dân quân, thi hành hệ thống luật đặc biệt ở Washington, D. C., và ban hành những luật lệ cần thiết để thực thi quyền lực của Quốc hội.
3. Nhánh hành pháp
Nhánh Hành pháp gồm có Tổng thống Hoa Kỳ và các viên chức được tổng thống ủy nhiệm để cấu thành Nội các Hoa Kỳ (chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ). Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và là tổng tư lệnh quân lực, cũng là nhà ngoại giao trưởng. Theo Hiến pháp, tổng thống có trách nhiệm đôn đốc việc tuân thủ luật pháp. Để thực thi chức trách này, tổng thống điều hành ngành hành pháp của Chính phủ liên bang, một guồng máy khổng lồ với khoảng 4 triệu nhân viên, kể cả 1 triệu binh sĩ đang phục vụ trong quân đội. Tổng thống còn có quyền lực đáng kể trong các lĩnh vực tư pháp và lập pháp. Bên trong nhánh hành pháp, tổng thống được Hiến pháp dành cho nhiều quyền lực để điều hành công việc quốc gia cũng như bộ máy chính quyền liên bang, cũng có quyền ban hành sắc lệnh về các sự vụ quốc nội.
Tổng thống có quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua. Tổng thống có thể bị luận tội bởi đa số dân biểu ở Hạ viện và bị phế truất chức vụ bởi đa số hai phần ba tại Thượng viện vì những cáo buộc như "phản quốc, hối lộ hoặc những trọng tội và hành vi bất chính khác". Tổng thống không thể giải tán quốc hội hoặc tổ chức các cuộc bầu cử đặc biệt, nhưng có quyền ân xá những người bị buộc tội theo luật liên bang, ban hành sắc lệnh hành pháp và bổ nhiệm (với sự chuẩn thuận của Thượng viện) thẩm phán Tối cao Pháp viện và thẩm phán liên bang.
Tất cả quyền lực hành pháp trong Chính quyền liên bang đều được ủy nhiệm cho tổng thống, như vậy các viên chức chính phủ phải chịu trách nhiệm trước tổng thống.
Chức trách điều hành thực thi luật pháp liên bang được đặt vào tay các bộ ngành hành pháp liên bang, được thiết lập bởi Quốc hội nhằm giải quyết các sự vụ quốc nội và quốc tế. Các bộ trưởng của 15 bộ khác nhau, được chọn bởi tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện, cấu thành một hội đồng cố vấn cho tổng thống gọi là "Nội các". Ngoài ra, còn có một số tổ chức được xếp vào nhóm Văn phòng Hành pháp của Tổng thống gồm có ban nhân viên Toà Bạch Ốc, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Văn phòng Chính sách Kiểm soát Ma tuý Quốc gia và Văn phòng Chính sách Khoa học Kỹ thuật. Cũng có các cơ quan độc lập khác như Cơ quan Tình báo Quốc gia, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm, và Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Ngoài ra, còn có các tập đoàn quốc doanh như Amtrak.
4. Nhánh tư pháp
Thiết chế đứng đầu nhánh tư pháp là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, gồm có chín thẩm phán. Toà tối cao xét xử các sự vụ liên quan đến Chính phủ liên bang và những vụ tranh tụng giữa các tiểu bang, có quyền giải thích Hiến pháp và tuyên bố các hoạt động lập pháp và hành pháp ở mọi cấp chính quyền là vi hiến, cũng như có quyền vô hiệu hoá các luật lệ và tạo tiền lệ cho luật pháp và các phán quyết sau này. Dưới Toà án Tối cao là các Tòa Kháng án, dưới nữa là tòa án cấp quận, đây là cấp toà án thực hiện nhiều vụ xét xử nhất theo luật liên bang.
Tách khỏi, nhưng không hoàn toàn độc lập, với hệ thống tòa án liên bang là các hệ thống tòa án riêng lẻ thuộc tiểu bang, có thẩm quyền xét xử các vụ án theo luật tiểu bang với trình tự riêng của mình. Tối cao pháp viện của mỗi tiểu bang là thẩm quyền tối hậu giải thích hiến pháp và luật tiểu bang. Có thể kháng án lên toà liên bang sau khi chịu xét xử bởi tòa tiểu bang nếu vụ án có liên quan đến các vấn đề liên bang.
Hiện có ba cấp toà án liên bang với quyền xét xử các vụ án hình sự và dân sự giữa các cá nhân. Những tòa khác như tòa phá sản hoặc toà thuế vụ, là những toà án được thiết lập để giải quyết những vụ án thuộc một vài lĩnh vực đặc biệt. Tòa phá sản trực thuộc tòa án quận nhưng không được xếp vào toà "Điều III" vì thẩm phán toà này không được bổ nhiệm trọn đời. Tương tự, tòa án thuế vụ cũng không thuộc hệ thống toà án "Điều III".
Tòa án liên bang cấp quận là nơi các vụ án được đem ra xét xử và phán quyết. Tòa kháng án là nơi xử lại các vụ án đã được quyết định ở toà án quận, một số vụ kháng án này là do các cơ quan hành chính. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem xét các vụ kháng án từ tòa kháng án và từ toà tối cao tiểu bang (liên quan đến các vấn đề hiến pháp), cũng như tổ chức xét xử một số vụ việc khác.
5. Trưng cầu ý dân ở Hoa Kỳ
Tại Hoa Kỳ không có bất cứ quy định nào về trưng cầu ý dân ở cấp quốc gia. Tuy nhiên các thủ tục về trưng cầu ý dân được sử dụng rất tích cực tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ. Gần như tất cả các bang đều áp dụng các thủ tục dân chủ trực tiếp cho việc sửa đổi Hiến pháp bang.
Ví dụ như trường hợp bang Oregon của Hoa Kỳ: Bang Oregon có các quy định trong Hiến pháp về cả trưng cầu ý dân bắt buộc và không bắt buộc. Một số sửa đổi Hiến pháp được cơ quan lập pháp thông qua sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân để người dân quyết chấp nhận hoặc từ chối nó. Cơ quan lập pháp cũng có thể tham khảo trực tiếp người dân về các vấn đề khác và thường làm như vậy bởi một trong hai lý do:
Thứ nhất, các đạo luật phải được thông qua bởi đa số của cả hai Viện (Thượng viện và Hạ viện) và được thống đốc phê duyệt. Nếu thống đốc phủ quyết đạo luật trên, cơ quan lập pháp có thể khống chế quyền phủ quyết đó và ban hành đạo luật trực tiếp nếu được đa số 2/3 thành viên của mỗi viện đồng ý. Khống chế phủ quyết hiếm khi xảy ra, tuy nhiên nếu cơ quan lập pháp đưa luật này ra cho người dân quyết định thông qua một cuộc trưng cầu ý dân không bắt buộc, thống đốc không có cơ hội để thực hiện quyền phủ quyết. Vì vậy, quan lập pháp có thể sử dụng cơ chế trưng cầu ý dân để thông qua luật mà không phục thuộc vào quyết định của thống đốc.
Thứ hai, cơ quan lập pháp có thể chọn đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dân bởi vì chủ đề là một trong những yếu tố quan trọng. Từ năm 1902, trong số 407 vấn đề được cơ quan lập pháp đưa ra cho người dân quyết định thì đã có 233 vấn đề (57%) được thông qua.
Cả chiến dịch tranh cử và chiến dịch trưng cầu ý dân ở Oregon đều được tư nhân tài trợ (cũng giống như các tiểu bang khác của Hoa Kỳ), nhưng có những yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt, cho phép công chúng được tiếp cận với thông tin về ai đang tài trợ cho các chiến dịch vận động, và không có bất cứ quy định hạn chế nào về những người có thể đóng góp cho một chiến dịch vận động. Không có quy định hạn chế nào về những người có thể đóng góp cho một chiến dịch chính trị hay họ dành bao nhiêu chi phí cho chiến dịch đó.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)