Mục lục bài viết
Thưa luật sư, hiện tại tôi đang nghiên cứu pháp luật về trưng cầu ý dân, tôi có thắc mắc sau đây cần được luật sư hỗ trợ. Xin luật sư cho biết mối quan hệ giữa trưng cầu ý dân và quyền con người, quyền công dân thể hiện như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người gửi: Hồng Ngọc - Cà Mau
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Luật trưng cầu ý dân năm 2015
2. Quyền con người là gì?
Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm.
3. Trưng cầu ý dân là gì?
Trưng cầu ý dân là biểu hiện rõ nét nhất của hình thức dân chủ trục tiếp. Có thể hiểu trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo quy định.
4. Ảnh hưởng của trưng cầu ý dân tới quyền con người và quyền công dân
Có quan điểm cho rằng dân chủ có tác động tích cực đến quyền con người dù với tư cách là một loại quyền cơ bản hay cơ chế bảo đảm thực hiện quyền và nền dân chủ tự do có khả năng tốt hơn trong việc bảo đảm các quyền cơ bản và trong trường hợp xung đột giữa cá nhân và nhà nước, nền dân chủ này sẽ ưu tiên bảo vệ các quyền cá nhân. Quan điểm này cũng cho rằng, dân chủ trực tiếp phải được hiểu và thực hiện một cách thực chất chứ không phải là một cơ chế hình thức bởi nó có thể bị lạm dụng.
Nhìn chung, hai thành tố của dân chủ ảnh hưởng lớn nhất đến quyền con người là sự tham gia và hạn chế quyền hành pháp. Theo đó, dân chủ trong hình thức tham gia làm giảm sự đàn áp của nhà nước đối với các quyền cơ bản của con người nhiều hơn so với dân chủ dưới dạng hạn chế quyền lực hành pháp. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của dân chủ nói chung và dân chủ trực tiếp nói riêng tới quyền con người không trực tiếp và tất yếu trong mọi trường hợp. Thông thường, dân chủ có tác động đáng kể đến quyền con người sau khi nó đã trở lên ổn định trong xã hội. Nhìn chung, sẽ là sai lầm nếu đánh giá ảnh hưởng tổng quát của dân chủ trực tiếp nói chung và trưng cầu ý dân nói riêng đến xã hội và việc thực hiện các quyền cơ bản. Ảnh hưởng của dân chủ trực tiếp, trưng cầu ý dân rất khác nhau bởi nó tùy thuộc vào bối cảnh xã hội và đặc biệt là nội dung được thể chế hóa trong luật và mức độ thường xuyên sử dụng cơ chế này.
Nếu dân chủ trực tiếp nói chung là điều kiện, nguyên tắc quan trọng nhất đối với quyền con người và sự bảo đảm thực hiện quyền con người thì trưng cầu ý dân là quyền chính trị, quyền tham gia dân chủ của công dân, cá nhân. Hay nói cách khác, dưới góc độ quyền, quyền được trưng cầu ý kiến chính là một quyền quan trọng và cơ bản nhất của cá nhân công dân và cũng là một trong những quyền quan trọng nhất của con người được ghi nhận trong Điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người và cụ thể hơn trong Điều 25 Công ước về các Quyền dân sự và chính trị. Như vậy, trưng cầu ý dân với tư cách là quyền, thể hiện ở những dạng cơ bản sau:
(1) Trưng cầu ý dân giúp thực hiện là quyền quyết định những vấn đề quan trọng, thể hiện tính tối cao của nhân dân, chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Trưng cầu ý dân cũng góp phần nâng cao ý thức chính trị, trách nhiệm chính trị của công dân đối với nhà nước và xã hội. Ở khía cạnh này, trưng cầu ý dân tác động đến nhận thức và do vậy nó ảnh hưởng đến khả năng thực hiện quyền con người trong tương lai.
(2) Trưng cầu ý dân hiện thực hóa quyền làm luật của cử tri, thể hiện quyền lực tham gia và kiểm soát quá trình lập pháp, hoạt động lập pháp. Ở góc độ hẹp, quyền quyết định những vấn đề quan trọng và quyền làm luật được trưng cầu ý kiến có sự giao thoa. Tuy nhiên, quyền trong lập pháp có tính chất thường xuyên hơn và gắn với hoạt động của cơ quan nhà nước hơn. Nói cách khác, nếu quyền quyết định những vấn đề quan trọng thể hiện chủ quyền thì quyền làm luật thể hiện khả năng tham gia và kiểm soát quyền lực nhà nước.
(3) Quyền trưng cầu ý kiến là quyền giám sát của công dân với bộ máy nhà nước nói chung và kiểm soát quan chức nói riêng (thông qua quyền trưng cầu bãi miễn – Recall). Nó trả lời câu hỏi: Nhân dân sẽ kiểm soát ai? Cách thức thể hiện quyền lực kiểm soát như thế nào?
Ngoài góc độ tiếp cận là một quyền, trưng cầu ý dân dưới góc độ là một cơ chế ra quyết định bằng bỏ phiếu của cử tri, còn bảo vệ và bảo đảm các quyền con người và công dân khác, thể hiện ở những điểm sau:
(1) Trưng cầu ý dân bảo đảm thực hiện quyền tham gia dân chủ và trực tiếp của cá nhân. Nói cách khác, pháp luật và thực hiện pháp luật về trưng cầu ý dân sẽ bảo đảm thực hiện Điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người, Điều 25 Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị và một phần hoặc toàn bộ nội dung các Điều 2, 3, 6, 7, 14, 28, 29, 70 Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là các Điều 28, 29 về quyền dân chủ của cá nhân và công dân.
(2) Một trong những lo ngại về rủi ro của trưng cầu ý dân là sự ảnh hưởng của nó tới quyền của nhóm thiểu số. Đây là một trong những lo ngại có thể có cơ sở. Tuy nhiên, thực hiện trưng cầu ý dân theo đúng tinh thần của chuẩn mực, pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người sẽ phần nào khắc phục rủi ro này. Ví dụ, nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền của nhóm thiểu số bằng một khuôn khổ pháp lý tích cực, hiệu quả, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng thiểu số vào những quyết định mà ảnh hưởng đến họ. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ không nhóm thiểu số là công dân mà cả những nhóm thiểu số trong phạm vi quản lý của nhà nước đó.
(3) Trưng cầu ý dân có thể là sự lôi kéo để giành phiếu của cử tri. Trong trường hợp này, rủi ro của trưng cầu ý dân cũng có thể là sự ảnh hưởng của thiểu số có lợi thế lên đa số.
Có thể nhận thấy ảnh hưởng tích cực của trưng cầu ý dân với tư cách là một loại quyền hay cơ chế bảo vệ quyền con người và ảnh hưởng tiêu cực của trưng cầu ý dân tới quyền của đa số hay thiểu số. Có lẽ, cần thiết lập cơ chế giám sát trưng cầu ý dân, đặc biệt với hình thức nhân dân trực tiếp lập pháp và bằng cơ chế bảo hiến hay kiểm duyệt bằng tư pháp có lẽ là hiệu quả nhất. Nếu trao quyền xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của kiến nghị và kết quả trưng cầu ý dân, có thể vấn đề tranh cãi sẽ là chủ quyền tối thượng thuộc về nhân dân hay tòa án. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là quyền xem xét của tòa án không phải là quyền lực quyết định mọi đề xuất của cử tri trong bỏ phiếu trưng cầu (bao gồm cả đề xuất hợp pháp và không hợp pháp). Mặt khác, dân chủ và trưng cầu ý dân không thể thu gọn trong công thức: “sự quyết định của 51%”.
Tóm lại, về mặt lý luận cũng như thực tế, dân chủ nói chung và trưng cầu ý dân nói riêng ngày càng trở nên quan trọng đối với quyền con người. Một cách cụ thể hơn, dân chủ và quản trị dân chủ được nhấn mạnh như là một trong những quyền quan trọng con người là một xu hướng ngày càng tăng trong thời đại hiện nay.
5. Ảnh hưởng của quyền con người, quyền công dân tới trưng cầu ý dân
Quyền con người dưới góc độ là các quy định, chuẩn mực pháp lý hay các quyền trên thực tế có ảnh hưởng nhất định đến trưng cầu ý dân. Thứ nhất, nội dung và cách thức ghi nhận quyền con người nói chung và quyền tham gia dân chủ nói riêng trong hiến pháp và pháp luật là cơ sở cho việc thiết lập cơ chế, chế định trưng cầu ý dân. Nói cách khác, Điều 21 Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người, Điều 25 Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự chính trị và những nội dung cơ bản nhất của quyền chính trị trong Hiến pháp năm 2013 là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện pháp luật về trung cầu ý dân.
Thứ hai, thực hiện tích cực quyền dân chủ là bảo đảm cho thành công của trưng cầu ý dân và sự phát triển của dân chủ và dân chủ trực tiếp. Nói cách khác, quyền con người về sự tham gia chính trị khi được thực hiện một cách chủ động và tích cực sẽ giúp trưng cầu ý dân có hiệu quả, ngăn ngừa sự cực đoan, quá khích hoặc ngược lại, thờ ơ chính trị, sự lôi kéo, bóp méo dư luận và dẫn đến kết quả trưng cầu không phản ánh đúng ý chí và lợi ích của cử tri. Mặt khác, một khi quyền được trưng cầu ý kiến của dân được thực hiện, chính quyền rất khó tránh khỏi thực hiện trưng cầu ý dân nếu vấn đề tiếp tục nảy sinh trong tương lai.
Thứ ba, trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền con người nói chung của nhà nước ảnh hưởng tới việc thực hiện quyền và quyền được trưng cầu ý kiến nói riêng. Ví dụ, quyền và cơ chế bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do ngôn luận… là một số trong những điều kiện cơ bản và quan trọng nhất cho trưng cầu ý dân thể hiện đúng ý chí của nhân dân. Trưng cầu ý dân rất cần một môi trường mà ở đó các quyền con người được tôn trọng và được bảo đảm thực hiện. Hơn thế, quyền được trưng cầu ý kiến cũng cần có sự tương thích, hài hòa với các quyền con người khác.
Thứ tư, quyền con người, quyền công dân nói chung là những tiêu chí quan trọng để đánh giá, đo lường dân chủ. Dân chủ sẽ không hiệu quả khi nó vi phạm những nguyên tắc cơ bản của quyền con người mà nó thiết lập.[38] Có thể nói, quyền con người là một trong những tiêu chí quan trọng nhất đánh giá tính tiến bộ của các cơ chế dân chủ, đặc biệt là trưng cầu ý dân. Nói một cách ngắn gọn, trưng cầu ý dân phải có mục đích và tính chất vì con người.
6. Mối quan hệ tích cực giữa trưng cầu ý dân và quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Hiến pháp và pháp luật có quy định một cách rõ ràng về dân chủ trực tiếp, trưng cầu ý dân, quyền tham gia của nhân dân và các quyền con người cơ bản nhất. Mối quan hệ giữa trưng cầu ý dân với quyền con người được xác định khi nó hiện diện trong hiến pháp – văn bản pháp lý quan trọng nhất của nhà nước và xã hội. Ghi nhận bằng hiến pháp quyền được trưng cầu ý kiến của nhân dân và quyền con người là tiền đề chính trị pháp lý quan trọng bậc nhất cho hai yếu tố này cũng như mối quan hệ giữa chúng. Bởi lẽ, sự ghi nhận này là thể hiện những giá trị, mục tiêu căn bản của xã hội mà Nhà nước đang theo đuổi, thể hiện sự cam kết đối với nhân dân và cộng đồng quốc tế của nhà nước là thước đo giá trị dân chủ và nhân quyền cho xã hội và nhà nước Hiến pháp năm 2013 đã hội đủ hai nội dung của dấu hiệu cơ bản này.
Xét từ đặc thù Việt Nam, một trong những tín hiệu quan trọng có tác động rất lớn đến mối quan hệ giữa trưng cầu ý dân và quyền con người và quyền công dân là chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam. Cụ thể, chủ trương về bảo đảm, bảo vệ quyền con người và thực hiện dân chủ trực tiếp (chứ không chỉ là trưng cầu ý dân) đã là một trong những nội dung quan trọng trong các văn kiện của Đảng gần đây.
Mặc dù việc ghi nhận mối quan hệ, ghi nhận trách nhiệm triển khai thực hiện chưa hoàn toàn bảo đảm mối quan hệ giữa quyền con người và trưng cầu ý dân sẽ là một hiện thực, nhưng đây là con đường, là điều kiện tiên quyết cho trưng cầu ý dân và quyền con người cũng như mối quan hệ giữa chúng hiện diện trên thực tế, là phương tiện hiện thực hóa hiệu quả, hiệu lực nhất cho mối quan hệ này.
Nếu việc đưa trưng cầu ý kiến không được coi là quyền cơ bản của công dân trong việc tham gia và quyết định những vấn đề quan trọng của nhà nước, nó có thể trở thành phương tiện củng cố quyền lực cho người đang nắm quyền và do vậy mối quan hệ với quyền con người có thể không phải là mối quan hệ tích cực. Trong dấu hiệu này, mục đích của trưng cầu ý dân phải là cơ chế để thực hiện dân chủ trực tiếp, các hình thức thực hiện trưng cầu ý dân phải đa dạng và điều kiện, môi trường thực hiện trưng cầu ý dân phải thuận lợi cho sự tham gia, tìm hiểu và bỏ phiếu của cử tri. Môi trường này cũng cần tạo ra sự chia sẻ, sự khoan dung, tôn trọng thiểu số… hay một môi trường văn hóa chính trị nhân văn và tiến bộ để ngăn ngừa những rủi ro từ nguyên tắc biểu quyết theo đa số.
Tóm lại, mối quan hệ giữa trưng cầu ý dân và quyền con người có nhiều nội dung tương tác tiêu cực và tích cực.
Xuất phát từ rủi ro của việc thực hiện trưng cầu ý dân là sự đe dọa đến quyền của thiểu số, hoặc lợi ích nhóm đe dọa quyền của đa số cử tri, Luật Trưng cầu ý dân và hệ thống pháp luật nói chung phải bảo đảm các điều kiện thực hiện trưng cầu ý dân, trong đó có những quyền như quyền được thông tin, tự do ngôn luận của cử tri trước và trong khi thực hiện bỏ phiếu trưng cầu. Với tự do thông tin và ngôn luận, các mưu mẹo trong tranh cử dễ bị phát hiện hơn cũng như ý chí và lợi ích của nhóm thiểu số có cơ hội được thể hiện và được tôn trọng. Tự do thông tin và ngôn luận cũng có thể mang lại sự chia sẻ, đồng thuận giữa các nhóm trong xã hội, ngăn ngừa những tư tưởng cực đoan và giúp hình thành trách nhiệm chính trị với xã hội và trách nhiệm với quyền con người một cách phổ quát hơn.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập