Mục lục bài viết
- 1. Các đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất
- 2. Thời hạn được nợ tiền sử dụng đất là bao lâu?
- 3. Trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân
- 4. Không nộp tiền sử dụng đất sẽ tính lãi như thế nào?
- 5. Trình tự thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất
- Thông báo của cơ quan thuế phải có nội dung: Số tiền sử dụng đất còn nợ, số tiền chậm nộp; thời hạn nộp tiền vào kho bạc là 30 ngày kể từ ngày ghi trên Thông báo.
1. Các đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất
Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về việc ghi nợ tiền sử dụng đất như sau:
Điều 16. Ghi nợ tiền sử dụng đất
1. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp Giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định này và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp trên Giấy chứng nhận sau khi có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất hoặc hồ sơ giao đất tái định cư hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất. Người sử dụng đất được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn.
2. Đối với trường hợp đã được ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà còn nợ tiền sử dụng đất trong thời hạn được ghi nợ thì được hưởng mức hỗ trợ thanh toán trước hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục ghi nợ và thanh toán nợ tiền sử dụng đất quy định tại Khoản 1 Điều này.
Tuy nhiên, Điều này đã được sử đổi bởi Nghị định 79/2019/NĐ-CP như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân (gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc xác định người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật về người có công.
Việc xác định hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, từ ngày 10/12/2019 các đối tượng sau đây được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
- Người có công với cách mạng.
- Hộ nghèo.
- Hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số.
- Hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Hay nói cách khác, từ ngày 10/12/2019 khi Nhà nước cấp Giấy chứng nhận bằng hình thức công nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân không thuộc 4 đối tượng trên sẽ không được ghi nợ như trước đây.
2. Thời hạn được nợ tiền sử dụng đất là bao lâu?
Điều 1 Nghị định 79/2019/NĐ-CP quy định:
2. Mức tiền sử dụng đất ghi nợ đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này được xác định bằng chênh lệch giữa tiền sử dụng đất phải nộp khi hộ gia đình, cá nhân được giao đất tái định cư trừ (-) giá trị được bồi thường về đất, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
3. Hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi là hộ gia đình, cá nhân) được trả nợ dần trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn 05 năm này.
Trường hợp sau 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà hộ gia đình, cá nhân chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) thì hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ và tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 05 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.
Như vậy, hộ gia đình cá nhân đủ điều kiện được ghi nợ tiền sử dụng đất được nợ tiền sử dụng đất và trả dần trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định giao đất tái định cư có hiệu lực. Sau O5 năm hộ gia đình, cá nhân phải nộp đủ số tiền sử dụng đất đã nợ, nếu quá hạn phải nộp thêm số tiền chậm nộp trên số tiền còn nợ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế từ thời điểm hết thời hạn 05 năm được ghi nợ tới thời điểm trả nợ.
3. Trình tự, thủ tục ghi nợ tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân
Thưa Luật sư, gia đình tôi là hộ nghèo, có quyết định ghi nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nay nhà tôi bị thu hồi đất và được giao tái định cư. Tuy nhiên để làm được sổ đỏ tái định cư đó chúng tôi phải nộp số tiền sử dụng đất là 50 triệu. Tuy nhiên, hiện tại gia đình chúng tôi không có khả năng để nộp, tôi muốn ghi nợ có được không và thủ tục ghi nợ thế nào. Xin Luật sư hỗ trợ. Tôi cảm ơn Luật sư.
Theo như phân tích tại mục 1, mục 2, Gia đình bạn được phép ghi nợ tiền sử dụng đất trong thời hạn 5 năm như trên. Thủ tục để ghi nợ tiền sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân nộp Đơn đề nghị ghi nợ tiền sử dụng đất và giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất cùng với hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật (trong đó bao gồm: Quyết định giao đất tái định cư và Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt) tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc cơ quan tài nguyên và môi trường (sau đây gọi là Văn phòng).
b) Văn phòng rà soát, kiểm tra hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân và lập Phiếu chuyển thông tin gửi đến cơ quan thuế và các cơ quan liên quan theo quy định, trong đó tại Phiếu chuyển thông tin phải có nội dung về số tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận; đồng thời trả Giấy hẹn cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
c) Căn cứ Phiếu chuyển thông tin do Văn phòng chuyển đến, cơ quan thuế xác định và ban hành Thông báo theo quy định để gửi đến hộ gia đình, cá nhân, Văn phòng và cơ quan liên quan (nếu cần) trong thời hạn không quá hai (02) ngày làm việc kể từ ngày ban hành Thông báo. Tại Thông báo phải bao gồm các nội dung:
- Tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp.
- Số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (là số tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận).
- Số tiền sử dụng đất được ghi nợ bằng (=) Tổng số tiền sử dụng đất hộ gia đình, cá nhân phải nộp trừ (-) Số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (là số tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận).
- Thời hạn hộ gia đình, cá nhân phải nộp tiền; gồm:
+ Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (theo thời hạn quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ).
+ Thời hạn nộp số tiền sử dụng đất được ghi nợ (trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
d) Căn cứ Thông báo của cơ quan thuế, hộ gia đình, cá nhân nộp số tiền sử dụng đất không được ghi nợ (là số tiền bồi thường về đất, hỗ trợ về đất mà hộ gia đình, cá nhân được nhận) tại cơ quan kho bạc nhà nước hoặc đơn vị được cơ quan kho bạc nhà nước ủy nhiệm thu (sau đây gọi là kho bạc) trong thời hạn quy định và nộp chứng từ do kho bạc cung cấp tại Văn phòng để được cấp Giấy chứng nhận.
đ) Kho bạc có trách nhiệm thu tiền sử dụng đất theo Thông báo của cơ quan thuế và cung cấp chứng từ cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời chuyển thông tin về số tiền thu được của hộ gia đình, cá nhân đến các cơ quan liên quan theo quy định.
e) Căn cứ chứng từ mà hộ gia đình, cá nhân nộp, Văn phòng trả Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định; trong đó tại Giấy chứng nhận có nội dung về số tiền sử dụng đất ghi nợ và thời hạn thanh toán (trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
4. Không nộp tiền sử dụng đất sẽ tính lãi như thế nào?
Căn cứ khoản 4 Điều 14 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, thời hạn nộp tiền sử dụng đất được quy định như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.
- Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
Nếu quá thời hạn mà người sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế, trừ trường hợp có đơn xin ghi nợ tiền sử dụng đất đối với những trường hợp được ghi nợ.
Như vậy, khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thì phải nộp tiền sử dụng đất theo đúng thời hạn (nếu có), khi quá hạn phải nộp tiền chậm nộp, trừ trường hợp được ghi nợ.
* Cách tính tiền phạt chậm nộp
Điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 quy định tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý. Người nộp thuế hoặc các khoản thu khác có nghĩa vụ nộp đầy đủ và đúng thời hạn theo thông báo của cơ quan thuế.
Theo điểm a khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, khi quá hạn thì người dân phải nộp tiền chậm nộp theo công thức sau:
- Công thức tính tiền chậm nộp theo ngày
Tiền chậm nộp 01 ngày = 0,03% x số tiền chưa nộp
- Công thức tính tổng tiền chậm nộp
Tổng tiền chậm nộp = (0,03% x số tiền chưa nộp) x số ngày chậm nộp
5. Trình tự thủ tục xóa nợ tiền sử dụng đất
Khoản 5 Điều 1 Nghị định 79/2019 quy định về Trình tự, thủ tục thanh toán, xóa nợ tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân như sau:
Bước 1: Nộp tiền sử dụng đất còn nợ
Căn cứ Thông báo của cơ quan thuế, hộ gia đình, cá nhân nộp dần tiền sử dụng đất còn nợ tại kho bạc trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đảm bảo khi hết thời hạn 05 năm thì hoàn thành thanh toán toàn bộ tiền sử dụng đất còn nợ. Trường hợp trong thời hạn 05 năm bị mất, thất lạc Thông báo của cơ quan thuế thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để được cung cấp lại Thông báo.
Quá thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ thì hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để được xác định lại số tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp tính trên số tiền còn nợ (được xác định từ thời điểm hết thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến thời điểm hộ gia đình, cá nhân đến cơ quan thuế để xác định lại) và nhận Thông báo của cơ quan thuế ngay trong ngày làm việc.
Thông báo của cơ quan thuế phải có nội dung: Số tiền sử dụng đất còn nợ, số tiền chậm nộp; thời hạn nộp tiền vào kho bạc là 30 ngày kể từ ngày ghi trên Thông báo.
Lưu ý, Quá thời hạn ghi trên Thông báo của cơ quan thuế mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp hết thì phải thực hiện xác định lại số tiền sử dụng đất còn nợ, tiền chậm nộp theo quy định nêu trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ xóa nợ tiền sử dụng đất
Sau khi hoàn thành việc thanh toán nợ tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ gồm:
– Giấy chứng nhận (bản gốc)
– Chứng từ nộp tiền sử dụng đất (bản gốc)
Hồ sơ được nộp tại Văn phòng để được xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận.
Trường hợp bị mất, thất lạc chứng từ thì hộ gia đình, cá nhân đến kho bạc để được xác nhận số tiền sử dụng đất đã nộp.
Bước 3: Nhận giấy chứng nhận
Văn phòng có trách nhiệm rà soát, đối chiếu hồ sơ mà hộ gia đình, cá nhân nộp để thực hiện xóa nợ tiền sử dụng đất ghi trên Giấy chứng nhận và trả lại Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân ngay trong ngày làm việc.
Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6162 để được hỗ trợ.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật đất đai - Công ty luật Minh Khuê