>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyếngọi:1900.6162
Sau khi lộ trình mở cửa thị trường phân phối được công bố theo Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO (Biểu cam kết), thủ tục đầu tư đã được cụ thể hóa bởi các văn bản: Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM (Quyết định 10), Nghị định số 23/2007/NĐ-CP (Nghị định 23), Thông tư số 09/2007/TT-BTM (Thông tư 09), Thông tư số 05/2008/TT-BTM, Công văn số 4422/BCT-KH và Công văn số 6656/BCT-KH.
Khái niệm về bán lẻ và cơ sở bán lẻ của Việt Nam và WTO
Theo thư gửi Bộ Công Thương Việt Nam ngày 10/04/2008 về quyền thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ (Amcham) cho rằng, phạm vi “Bán lẻ” (Retailing) và “Cơ sở bán lẻ” (Retail sales outlet) được quy định tại Nghị định số 23 được mở rộng hơn so với các tài liệu giải thích của WTO. Theo ghi nhận tại tài liệu số W37 của WTO về Dịch vụ phân phối, hoạt động “bán hàng công nghiệp/thương mại cho các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm cuối cùng như là hóa chất, thiết bị và nguyên vật liệu cho sản xuất” không thuộc phạm vi bán lẻ. Do đó, khái niệm “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng” theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP cần được điều chỉnh theo hướng ghi nhận trường hợp ngoại lệ này phù hợp với quy định chung của WTO. Bởi vì việc mở rộng khái niệm “bán lẻ” sẽ gián tiếp mở rộng đối tượng áp dụng Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) khi thực hiện thủ tục cấp phép thành lập “cơ sở bán lẻ” theo Nghị định 23 và Thông tư 09.
Luật sư tư vấn luật đầu tư - Ảnh minh họa
Thủ tục cấp phép đầu tư và cấp phép lập cơ sở bán lẻ
* Cấp phép đầu tư
Thủ tục cấp phép đầu tư và cấp phép lập cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất) theo quy định tại Nghị định số 23, yêu cầu phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương trong từng trường hợp cụ thể. Quy định này nằm ngoài thủ tục cấp phép thông thường đã xây dựng nên rào cản mới về pháp lý trong đầu tư. Theo nội dung các công văn gần đây của Bộ Công Thương, chúng tôi được biết rằng “kinh nghiệm quản lý”,“năng lực kinh doanh” và “khả năng tài chính” của nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện cấp phép mới, trong khi các tiêu chí này lại chưa được ghi nhận và định lượng cụ thể trong bất kỳ tài liệu pháp lý nào. Cần cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá nhằm tạo môi trường đầu tư thêm minh bạch.
* Cấp phép lập cơ sở bán lẻ
Quyết định 10 quy định: “Quyền phân phối của nhà đầu tư nước ngoài gắn với quyền được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất, việc lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT)”. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng không có ngoại lệ nào đối với “quyền được lập cơ sở bán lẻ thứ nhất”, nghĩa là việc thành lập cơ sở bán lẻ nói chung và cơ sở bán lẻ thứ nhất nói riêng trong mọi trường hợp đều là đối tượng kiểm tra nhu cầu kinh tế và phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương. Ngoài ra, chúng tôi được biết, qua một công văn của Bộ Công Thương, ngay cả trong trường hợp cơ sở bán lẻ đang hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp cũng sẽ bị Kiểm tra nhu cầu kinh tế khi doanh nghiệp đăng ký chuyển nhượng phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc sử dụng công cụ Kiểm tra nhu cầu kinh tế trong trường hợp này là đã đi quá xa so với mục tiêu và ý nghĩa tồn tại của các tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế mà WTO cho phép.
Tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế
Để Kiểm tra nhu cầu kinh tế, Biểu cam kết đưa ra các tiêu chí chính như sau: (i) số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, (ii) sự ổn định của thị trường và (iii) quy mô địa lý. Trong khi các tiêu chí trên chưa được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện trong nước thì Thông tư 09 lại bổ sung thêm 2 tiêu chí đánh giá mới là: (iv) mật độ dân cư và (v) sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch địa phương. Hai tiêu chí này hoàn toàn nằm ngoài phạm vi của Biểu cam kết. Vì vậy, để tránh được xem là vi phạm các thỏa thuận của WTO, cũng như để việc áp dụng các tiêu chí một cách minh bạch và đồng nhất, chúng tôi cho rằng cần phải ban hành và công bố công khai “Quy hoạch địa phương” và có hướng dẫn cụ thể để đánh giá “sự ổn định của thị trường”, “mật độ dân cư”. Hơn nữa, việc Kiểm tra nhu cầu kinh tế cũng cần được áp dụng công bằng và minh bạch đối với các loại hình doanh nghiệp.
Mai Thị Ngọc Ánh (Công ty Luật Việt – www.luatviet.com)
(MKLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:
1. Tư vấn xin cấp phép đầu tư;
2. Tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư;
3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh;
4. Các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư trong nước;