1. Khái niệm mất khả năng thanh toán nợ khi đến hạn

Mất khả năng thanh toán là một thuật ngữ khi một cá nhân hoặc tổ chức không còn có thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình đối với người cho vay khi các khoản nợ đến hạn.

Mất khả năng thanh toán nợ đến hạn là tình trạng một doanh nghiệp không còn khả năng tài chính để trả cho những khoản nợ đã đến kì thanh toán theo yêu cầu của chủ nợ.

Trước khi một công ty hoặc một người mất khả năng thanh toán tiến hành các thủ tục tuyên bố phá sản, họ sẽ có các thỏa thuận không chính thức với các chủ nợ, chẳng hạn như các thỏa thuận thanh toán thay thế.

Mất khả năng thanh toán có thể phát sinh từ việc quản lí tiền mặt kém, một sự sụt giảm mạnh trong dòng tiền hay chi phí tăng lên quá cao.

Tình trạng mất khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp có thể chỉ mang tính chất nhất thời do doanh nghiệp không có sẵn tiền mặt tại thời điểm phải thanh toán để trả nợ và sau đó doanh nghiệp khắc phục được những khó khăn tài chính của mình để tiếp tục trả nợ. Tuy nhiên, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn cũng có thể là dấu hiệu quan trọng để xác định rằng doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.

Việc doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản là cơ sở quan trọng để Toà án áp dụng các quy định của pháp luật về phá sản.

2. Đặc điểm của mất khả năng thanh toán

Mất khả năng thanh toán là một tình trạng khó khăn tài chính mà ở đó một người hay một công ty không có khả năng thanh toán các hóa đơn của họ.

Mất khả năng thanh toán có thể dẫn đến các thủ tục phá sản, các hành động pháp lí sẽ được thực hiện với chủ thể mất khả năng thanh toán và tài sản của chủ thể sẽ được thanh lí để trả các khoản nợ tồn đọng.

Chủ doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với các chủ nợ và cơ cấu lại các khoản nợ thành nhiều phần nhỏ để dễ xoay sở hơn. Các chủ nợ thường đồng ý các yêu cầu cơ cấu lại khoản nợ do họ muốn nợ được trả mặc dù thời gian trả nợ sẽ kéo dài lâu hơn.

Trái với quan niệm phổ thông, mất khả năng thanh toán không đồng nghĩa với phá sản.

Nếu một chủ doanh nghiệp có kế hoạch tái cấu trúc nợ của công ty, anh ta cần phải lập một kế hoạch cho thấy cách anh ta cơ cấu lại có thể giảm chi phí của công ty và tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Người chủ sở hữu này phải tạo ra một đề xuất chi tiết cách nợ có thể được cơ cấu lại bằng cách giảm chi phí hay các kế hoạch hỗ trợ khác gửi cho các chủ nợ để họ biết doanh nghiệp có thể tạo ra đủ dòng tiền để hoạt động có lãi trong khi vẫn đáp ứng đủ các nghĩa vụ nợ hay không.

3. Nguyên nhân làm Mất khả năng thanh toán

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng mất khả năng thanh toán của một người hoặc một công ty.

Một công ty thuê mướn kế toán không phù hợp hay quản lí nguồn nhân lực thiếu hiệu quả cũng có thể góp phần làm công ty đó mất khả năng thanh toán.

Ví dụ: trưởng phòng kế toán có thể làm ngân sách của công ty không đúng cách dẫn đến bội chi. Chi phí tăng lên nhanh chóng, dòng tiền ra quá lớn và dòng tiền vào không đủ bù đắp được lỗ hổng khiến cho công ty mất khả năng thanh toán.

Chi phí nhà cung cấp tăng cũng góp phần làm công ty mất khả năng thanh toán. Khi một doanh nghiệp phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp đó sẽ chuyển chi phí cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá sản phẩm.

Người tiêu dùng có thể chọn mua ở nơi khác nếu họ thấy chỉ cần trả một khoản ít hơn cho cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ. Công ty mất khách hàng dẫn đến mất thu nhập gây ra mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ.

Một số lí do khác như hàng hóa, dịch vụ công ty cung cấp không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, các vụ kiện tụng với khách hàng hoặc đối tác kinh doanh cũng có thể khiến một công ty mất khả năng thanh toán.

Công ty thậm chí phải trả một số tiền lớn đền bù thiệt hại trong khi không thể tiếp tục hoạt động sau các vụ kiện.

4. Mất khả năng thanh toán và phá sản

Mất khả năng thanh toán là một tình trạng khó khăn tài chính, hay là trạng thái tài chính mà ở đó một người hoặc một chủ thể không còn có thể thanh toán các hóa đơn hoặc nghĩa vụ khác.

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) định nghĩa một chủ thể mất khả năng thanh toán khi tổng nợ phải trả vượt quá tổng tài sản của chủ thể đó.

Mặt khác, phá sản là một quyết định được đưa ra bởi tòa án xác nhận một người hoặc một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ của mình. Chủ thể phá sản sẽ phải bán tài sản của mình để thực hiện các nghĩa vụ tài chính.

Nếu một người hoặc một công ty mất khả năng thanh toán một thời gian đủ lâu có thể sẽ dẫn đến phá sản.

5. Các chủ thể có thẩm quyền nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản

Điều 5 Luật phá sản năm 2014 quy định về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:

– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Theo đó, chủ nợ là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ, bao gồm chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần và chủ nợ có bảo đảm.

+ Chủ nợ không có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ không được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

+ Chủ nợ có bảo đảm là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba.

+ Chủ nợ có bảo đảm một phần là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của người thứ ba mà giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn khoản nợ đó.

– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

– Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

6. Trình tự, thủ tục giải quyết phá sản

Trình tự giải quyết phá sản là quá trình giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm những hoạt động khác nhau của Tòa án, Viện kiểm sát và những chủ thể khác liên quan ở những giai đoạn và những bước cụ thể. Tất cả các hoạt động của các chủ thể trong quá trình giải quyết phá sản cũng đều phải thực hiện theo đúng trình tự mà pháp luật quy định.

Thủ tục giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm các bước sau:

– Thụ lý đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản

Thủ tục đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là bước đầu tiên mà Tòa án tiến hành để mở ra trình tự giải quyết phá sản. Ở giai đoạn này, Thẩm phán có nhiệm vụ xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh khả năng thanh toán của doanh nghiệp để có căn cứ ra quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản.

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân phải thông báo cho các chủ nợ do doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp.

Trường hợp người nộp đơn không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xuất trình cho Tòa án nhân dân các giấy tờ, tài liệu theo quy định.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

– Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh là thủ tục do Tòa án áp dụng, theo đó, một doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được hưởng một thời hạn nhất định để thực hiện các hoạt động phục hồi hoạt động kinh doanh do Hội nghị chủ nợ thông qua dưới sự giám sát của Tòa án và các chủ nợ. Thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là một bộ phận quan trọng trong tình tự, thủ tục phá sản doanh nghiệp được quy định tại chương VII Luật phá sản 2014.

Thủ tục này tạo ra những điều kiện, cơ hội để doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể vượt qua được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, tránh bị tuyên bố phá sản. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp được phục hồi thành công còn có thể bảo đảm quyền, lợi ích cho các chủ nợ và những người liên quan; việc làm cho người lao động; duy trì ổn định, trật tự xã hội, từ đó làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

– Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản

Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản là quyết định có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bởi nó là căn cứ để định đoạt số phận pháp lý của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, đồng thời là cơ sở để thực hiện việc thanh lý tài sản và phân chia tài sản cho các chủ nợ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả họp Hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

– Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

b) Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản;

c) Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

d) Sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, Chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.