Mục lục bài viết
- 1. Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh mới nhất
- 2. Những loại thuế phải nộp đối với Hộ kinh doanh?
- 2.1 Thủ tục thành lập hộ kinh doanh
- 2.2 Các loại thuế mà Hộ kinh doanh phải nộp
- 3. Những quy định cần lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh?
- 3.1. Tên gọi của hộ kinh doanh
- 3.2. Ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh
- 4. Quyền, nghĩa vụ khi thành lập hộ kinh doanh là gì?
- 5. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể theo luật?
- 5.1 Quy định chung về hộ kinh doanh
- 5.2 Thủ tục, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, thay đổi nội dung kinh doanh
- 5.3 Tạm ngừng, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
- 6. Mức thuế môn bài áp dụng với hộ kinh doanh?
- 7. Có thể chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp không?
1. Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh mới nhất
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
……, ngày ……tháng …… năm ……
GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH
Kính gửi: Phòng Tài chính - Kế hoạch ...............
Tôi là (ghi họ tên bằng chữ in hoa): .......................... Giới tính: …....
Sinh ngày: .... /..... /...... Dân tộc: ..................... Quốc tịch: .................
Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân số: .................................
Ngày cấp: ...... /..... /...... Nơi cấp: ..........................................................
Giấy tờ chứng thực cá nhân khác (nếu không có CMND/CCCD): ..........
Số giấy chứng thực cá nhân: ..................................................................
Ngày cấp: ...... /..... /........ Ngày hết hạn: ....... /...... /....... Nơi cấp: .........
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú:
Số nhà, đường phố/xóm/ấp/thôn: .................................................
Xã/Phường/Thị trấn: ....................................................................
Quận/Huyện/Thị xã/Thành phố thuộc tỉnh: ..................................
Tỉnh/Thành phố: ..........................................................................
Chỗ ở hiện tại:
Số nhà, đường phố/xóm/ấp/thôn: .................................................
Xã/Phường/Thị trấn: ....................................................................
Quận/Huyện/Thị xã/Thành phố thuộc tỉnh: ..................................
Tỉnh/Thành phố: ..........................................................................
Điện thoại: ................................................ Fax: ...........................
Email: ....................................................... Website: .....................
Đăng ký hộ kinh doanh với các nội dung sau:
1. Tên hộ kinh doanh (ghi bằng chữ in hoa): ...............................
2. Địa điểm kinh doanh:
Số nhà, ngách, hẻm, ngõ, đường phố/xóm/ấp/thôn: ........................
Xã/Phường/Thị trấn: ..........................................................................
Quận/Huyện/Thị xã/Thành phố thuộc tỉnh: ...........................................
Tỉnh/Thành phố: ...................................................................................
Điện thoại: ................................................ Fax: ...................................
Email: ....................................................... Website: .............................
3. Ngành, nghề kinh doanh : ...........................
4. Vốn kinh doanh:
Tổng số (bằng số; VNĐ): .....................................
Phần vốn góp của mỗi cá nhân (đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân góp vốn thành lập; kê khai theo mẫu): Gửi kèm
5. Số lượng lao động: ...........................................
Tôi và các cá nhân tham gia thành lập hộ kinh doanh cam kết:
- Bản thân không thuộc diện pháp luật cấm kinh doanh; không đồng thời là chủ hộ kinh doanh khác; không là chủ doanh nghiệp tư nhân; không là thành viên hợp danh của công ty hợp danh (trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại);
- Địa điểm kinh doanh thuộc quyền sở hữu/quyền sử dụng hợp pháp của tôi và được sử dụng đúng mục đích theo quy định của pháp luật;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của nội dung đăng ký trên.
Các giấy tờ gửi kèm: -.................................. | ĐẠI DIỆN HỘ KINH DOANH (Ký và ghi họ tên) |
Chú ý:
- Hộ kinh doanh có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm;
- Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư;
- Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, hộ kinh doanh chỉ được kinh doanh khi có đủ điều kiện theo quy định. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật Đầu tư.
>> Xem thêm: Đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể/ hộ kinh doanh gia đình như thế nào?
2. Những loại thuế phải nộp đối với Hộ kinh doanh?
Xin chào luật sư cho em hỏi: em có mở 1 tiệm dịch vụ cưới hỏi nhỏ, theo kinh doanh kiểu gia đình. cho em hỏi về hồ sơ và thủ tục thành lập hộ kinh doanh. Em không biết là e có phải khai thuế không và e phải đóng những loại thuế nào,và mức thuế là bao nhiêu?Em xin chân thành cảm ơn! .
Trả lời:
2.1 Thủ tục thành lập hộ kinh doanh
* Thành phần hồ sơ:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh (Theo mẫu);
-Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.
* Trình tự thực hiện:
Bước 1: Cá nhân hoặc nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
- Thời gian tiếp nhận và trả kết quả: Từ thứ hai đến thứ sáu và sáng thứ bảy (buổi sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ). -
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trao giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Bước 3: Xem xét, giải quyết hồ sơ Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân Quận, Huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Bước 4: Cá nhân hoặc nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy biên nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Ủy ban nhân dân Quận, Huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
2.2 Các loại thuế mà Hộ kinh doanh phải nộp
Bao gồm:
1. Thuế môn bài:
Bậc thuế | Thu nhập 1 tháng | Mức thuế cả năm |
1 | Trên 1.500.000 | 1.000.000 |
2 | Trên 1.000.000 đến 1.500.000 | 750.000 |
3 | Trên 750.000 đến 1.000.000 | 500.000 |
4 | Trên 500.000 đến 750.000 | 300.000 |
5 | Trên 300.000 đến 500.000 | 100.000 |
6 | Bằng hoặc thấp hơn 300.000 | 50.000 |
2. Thuế giá trị gia tăng (VAT): Căn cứ vào Luật Thuế Giá trị gia tăng thì tùy theo mặt hàng mà hộ kinh doanh của bạn kinh doanh để áp mức thuế suất phù hợp, với mức thuế suất là 0% (mặt hàng không chịu thuế VAT), 5% và tối đa là 10%. Cách tính Thuế VAT = Doanh thu hàng tháng x Tỷ lệ Giá trị gia tăng/doanh thu (quy định theo khu vực địa lý và loại hàng hóa, dịch vụ) x Thuế suất VAT.
3. Thuế thu nhập cá nhân: Cá nhân kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế thua nhập cá nhân; nếu doanh thu thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
>> Xem thêm: Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh cá thể?
3. Những quy định cần lưu ý khi thành lập hộ kinh doanh?
Khi quyết định thành lập hộ kinh doanh, các chủ thể cần lưu ý đến các quy định của pháp luật về cách đặt tên hộ kinh doanh cũng như lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp và không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật.
>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162
Trả lời:
3.1. Tên gọi của hộ kinh doanh
Theo điều 73, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp):
Khi đăng ký hoạt động hộ kinh doanh, đồng thời với đó là việc đăng ký tên cho hộ kinh doanh, việc lựa chọn một tên gọi cho cơ sở kinh doanh của mình là do các thành viên trong hộ kinh doanh quyết định, tuy nhiên việc lựa chọn tên gọi đó đồng thời cũng phải tuân theo quy định của pháp luật về tên gọi của hộ kinh doanh. Cụ thể:
- Mỗi hộ kinh doanh có một tên gọi riêng, tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố sau đây:
+ Loại hình “Hộ kinh doanh”;
+ Tên riêng của hộ kinh doanh.
- Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.
- Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
- Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi huyện.
Như vậy, về tên gọi hộ kinh doanh, cũng giống như tên gọi của các Công ty TNHH và Công ty cổ phần, nếu công ty trách nhiệm hữu hạn phải có cụm từ " Công ty TNHH", Công ty cổ phần phải có cụm từ " Công ty Cổ phần" thì tên gọi hộ kinh doanh cũng yêu cầu phải có cụm từ " Hộ kinh doanh" trong tên gọi. Đây là phần bắt buộc phải có, còn đối với phần tên riêng là phần các thành viên trong hộ kinh doanh thỏa thuận quyết định lựa chọn sao cho không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Và lưu ý quan trọng khi đặt tên cho hộ kinh doanh là tên lựa chọn đặt không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong phạm vi huyện, vì nếu đặt tên trùng, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ bị trả thông báo do trùng tên, khi đó chủ hộ kinh doanh phải mất thời gian lần hai để bàn bạc với các thành viên lựa chọn một tên gọi khác phù hợp. Vậy nên trước khi quyết định sử dụng tên gọi cho hộ kinh doanh của mình, các thành viên nên kiểm tra xem tên đó có bị trùng với bất kỳ hộ kinh doanh nào khác trong huyện hay chưa, và việc sử dụng các chữ cái, ký hiệu trong tên gọi đó có phù hợp với quy định của pháp luật về tên gọi hộ kinh doanh.
3.2. Ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh
Theo Điều 74 thì ngành, nghề kinh doanh được ghi trên Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh là các ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật được phép kinh doanh, không thuộc các trường hợp bị cấm kinh doanh.
- Danh mục ngành nghề kinh doanh được quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Hộ kinh doanh được phép kinh doanh các ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề theo quy định. Trường hợp hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
- Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành (Hệ thống ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cả Luật đầu tư).
- Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng cần lưu ý tới các trường hợp pháp luật quy định cấm đầu tư kinh doanh như sau ( Điều 6 Luật Đầu tư 2014):
+ Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật Đầu tư;
+ Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật Đầu tư;
+ Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật Đầu tư;
+ Kinh doanh mại dâm;
+ Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người;
+ Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
+ Kinh doanh pháo nổ.
Như vây, hộ kinh doanh được phép kinh doanh các ngành nghề theo quy định bao gồm cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và không thuộc các ngành nghề bị cấm kinh doanh.
4. Quyền, nghĩa vụ khi thành lập hộ kinh doanh là gì?
>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162
Trả lời:
Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký của hộ kinh doanh tại Điều 67 Nghị định số 78/2015NĐ-CP ngày 14/09/2015 về đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cụ thể như sau:
Điều 67. Quyền thành lập hộ kinh doanh và nghĩa vụ đăng ký của hộ kinh doanh
1. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Chương này.
2. Cá nhân, hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều này được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
3. Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Xem thêm: Dịch vụ luật sư riêng cho doanh nghiệp
5. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể theo luật?
Hộ kinh doanh cá thể là một trong những hình thức pháp lý kinh doanh phổ biến nhất hiện nay. Luật Minh Khuê trả lời một số vướng mắc của người dân trong quá trình đăng ký kinh doanh dưới hình thức này:
5.1 Quy định chung về hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợpkinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.
- Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
- Cá nhân, hộ kinh doanh chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Cá nhân, hộ gia đình được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
- Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
5.2 Thủ tục, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, thay đổi nội dung kinh doanh
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh: 1 bộ
+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
+ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
+ Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
- Cơ quan làm thủ tục : cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
- Thời gian giải quyết: 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ
- Khi thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh thông báo nội dung thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký theo trình tự, thủ tục như sau:
+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký.
+ thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
- Chuyển địa chỉ sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký phải thông báo về việc chuyển địa chỉ đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi dự định đặt địa chỉ mới. Hồ sơ gồm
+ Thông báo thay đổi địa chỉ kinh doanh
+ Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc đăng ký thay đổi địa chỉ đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập
+ Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
5.3 Tạm ngừng, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh
- Trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm
+ Thông báo bằng văn bản ít nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh
+ Thời hạn giải quyết: 3 ngày
- Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh phải gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động và nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký, đồng thời thanh toán đầy đủ các khoản nợ, gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện.
6. Mức thuế môn bài áp dụng với hộ kinh doanh?
Hỏi luật thuế môn bài: Luật sư cho tôi hỏi căn cứ vào đâu để xác định mức thuế môn bài của hộ kinh doanh. Hiện tại tôi đã đóng 1 năm rồi tuy nhiên các cửa hàng khác chỉ đóng 1/2 năm là 375.000 đồng còn tôi phải đóng 1.000.000 đồng/năm vậy nếu tôi đóng như các cửa hàng khách vậy tôi có được giảm không ?
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Luật sư tư vấn:
Theo hướng dẫn tại Văn bản hợp nhất 33/VBHN-BTC năm 2014 hợp nhất Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 75/2002/NĐ-CP điều chỉnh mức thuế Môn bài do Bộ Tài chính ban hành:
2. Các đối tượng khác, hộ kinh doanh cá thể nộp thuế Môn bài theo 6 mức bao gồm:
- Hộ sản xuất kinh doanh cá thể.
- Người lao động trong các Doanh nghiệp (Doanh nghiệp NQD, Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật ĐTNN...) nhận khoán tự trang trải mọi khoản chi phí, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh.
- Nhóm người lao động thuộc các Doanh nghiệp nhận khoán cùng kinh doanh chung thì nộp chung thuế Môn bài theo quy định tại điểm 1.d nêu trên. Trường hợp nhóm cán bộ công nhân viên, nhóm người lao động nhận khoán nhưng từng cá nhân trong nhóm nhận khoán lại kinh doanh riêng rẽ thì từng cá nhân trong nhóm còn phải nộp thuế môn bài riêng.
- Các cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa là Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật ĐTNN, các Công ty cổ phần, Công ty TNHH... nhưng từng thành viên của đơn vị vẫn kinh doanh độc lập, chỉ nộp một khoản tiền nhất định cho đơn vị để phục vụ yêu cầu quản lý chung thì thuế Môn bài thu theo từng thành viên.
Riêng xã viên, nhóm xã viên HTX (gọi chung là xã viên HTX) nhận nhiệm vụ HTX giao nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại tiết c điểm 1 phần II của Thông tư số 44/1999/TT-BTC ngày 26 tháng 4 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn về ưu đãi thuế đối với Hợp tác xã, thì không phải nộp thuế Môn bài riêng; nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định thì phải nộp thuế Môn bài riêng.
Biểu thuế Môn bài áp dụng đối với các đối tượng nêu trên như sau:
Đơn vị: đồng
Bậc thuế | Thu nhập 1 tháng | Mức thuế cả năm |
1 | Trên 1.500.000 | 1.000.000 |
2 | Trên 1.000.000 đến 1.500.000 | 750.000 |
3 | Trên 750.000 đến 1.000.000 | 500.000 |
4 | Trên 500.000 đến 750.000 | 300.000 |
5 | Trên 300.000 đến 500.000 | 100.000 |
6 | Bằng hoặc thấp hơn 300.000 | 50.000 |
Vậy đối với hộ kinh doanh cá thể có 6 mức nộp thuế môn bài dựa vào thu nhập của hộ/cá nhân kinh doanh. Theo quy định của pháp luật thì Cơ sở kinh doanh đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức Môn bài cả năm, nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế Môn bài cả năm. Cơ sở đang sản xuất kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay tháng đầu của năm dương lịch; cơ sở mới ra kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay trong tháng được cấp đăng ký thuế và cấp mã số thuế nên trường hợp các cửa hàng nộp 1/2 thuế môn bài có thể do tại thời điểm mới kinh doanh cơ sở mở cửa vào 6 tháng cuối năm. Tham khảo bài viết liên quan:Đối tượng phải nộp thuế môn bài ?
7. Có thể chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp không?
Do thủ tục cấp phép giữa hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp khác nhau, cụ thể hộ kinh doanh được Ủy ban nhân dân Quận/ huyện cấp phép, doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Tỉnh cấp phép. Vì vậy khi hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp phải làm thủ tục giải thể hộ kinh doanh, sau đó làm các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh thành lập doanh nghiệp nộp lên Sở KH&ĐT cấp tỉnh. Hoặc có thể hoạt động song song cả hai.
Thủ tục chấm dứt hộ kinh doanh:
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Mẫu thông báo chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Nơi nộp hồ sơ: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp
Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và hoạt động mà thành lập doanh nghiệp theo loại hình phù hợp.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.