Mục lục bài viết
- 1. Giấy ủy quyền giải quyết công việc là gì?
- 2. Những lưu ý khi soạn giấy ủy quyền giải quyết công việc
- 2.1 Những trường hợp không được ủy quyền
- 2.2. Giấy ủy quyền giải quyết công việc có hiệu lực khi nào?
- 2.3. Thủ tục chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền giải quyết công việc
- 3. Mẫu giấy ủy quyền giải quyết công việc mới nhất hiện nay
- 4. Giấy ủy quyền giải quyết công việc có thời hạn trong bao lâu?
1. Giấy ủy quyền giải quyết công việc là gì?
Ủy quyền là một thuật ngữ pháp lý được nhiều người dân nhắc đến hiện nay khi tiến hành một công việc, hay một hành động cụ thể nào đó. Dưới góc độ pháp luật, ủy quyền được Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa là một hình thức, một căn cứ để xác lập quyền đại diện của cá nhân, pháp nhân trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Khi đó bên được ủy quyền sẽ được gọi là bên nhận ủy quyền hoặc bên được ủy quyền. Bên đi ủy quyền sẽ gọi là bên ủy quyền
Và từ định nghĩa trên có thể hiểu một cách đơn giản rằng giấy ủy quyền giải quyết công việc là một văn bản được lập ra giữa cá nhân với nhau hoặc giữa pháp nhân với cá nhân, tổ chức khác để thay mình tiến hành thực hiện một công việc nào đó. Hiện nay thì các văn bản pháp luật chưa có một định nghĩa cụ thể nào về Giấy ủy quyền là gì? Cũng chưa có văn bản nào điều chỉnh riêng về vấn đề liên quan đến Giấy ủy quyền. Mà chỉ có nhắc đến giấy ủy quyền trong những trường hợp nhất định ví dụ như trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 có điều luật quy định "Việc ủy quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy ủy quyền". Giấy ủy quyền trong trường hợp này được lập ra để một cá nhân đại diện theo ủy quyền của một cá nhân hoặc pháp nhân để thay họ tiến hành các thủ tục liên quan đến van bằng bảo hộ. Một trường hợp ủy quyền giải quyết công việc khác cũng phải được lập thành giấy ủy quyền được quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA chính là việc bán xe thay người khác phải được lập bằng giấy ủy quyền bán thay của các đồng sở hữu xe.
Nói tóm lại, giấy ủy quyền giải quyết công việc được hiểu là một văn bản pháp lý được sử dụng khi một cá nhân, pháp nhân không thể tự mình giải quyết một công việc nào đó vì bất kỳ một lý do nào, họ sẽ sử dụng giấy ủy quyền này để ủy quyền cho một cá nhân, tổ chức khác thay mình tiến hành công việc của họ theo quy định của pháp luật. Thông thường giấy ủy quyền giải quyết công việc sẽ được sử dụng cho những công việc đơn giản như tiến hành nộp hồ sơ hành chính, nộp phạt, nhận thay hồ sơ, văn bản nào đó,...
2. Những lưu ý khi soạn giấy ủy quyền giải quyết công việc
2.1 Những trường hợp không được ủy quyền
Mặc dù giấy ủy quyền được đặt ra khi cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức không thể tự mình tiến hành công việc vì một lý do bất kỳ nào đó, nhưng theo quy định của pháp luật vẫn sẽ có những trường hợp bị cấm ủy quyền. Tức là chỉ người đó mới có thể tiến hành công việc đó mà không thể nhờ ai khác thay mặt mình tiến hành được. Cụ thể:
- Đăng ký kết hôn; Ly hôn (nộp hồ sơ ly hôn thì được)
- Công chứng di chúc (Khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng 2014)
- Yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 (khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp 2009)
- Đăng ký nhận cha, mẹ, con (Điều 25 Luật Hộ tịch 2014)
- Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng ...
Ngoài những công việc trên thì các công việc đơn giản khác sẽ được sử dụng giấy ủy quyền nếu nội dung ủy quyền không trái quy định của pháp luật. Những trường hợp phức tạp, pháp luật có quy định phải lập hợp đồng ủy quyền thì phải tiến hành lập hợp đồng ủy quyền có công chứng.
2.2. Giấy ủy quyền giải quyết công việc có hiệu lực khi nào?
Như đã nêu ở mục 1 của bài viết thì hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh cụ thể các vấn đề pháp lý liên quan đến giấy ủy quyền. Do vậy để biết được giấy ủy quyền giải quyết công việc có hiệu lực khi nào thì chúng ta cần quay trở lại vấn đề bản chất của giấy ủy quyền. Theo đó ủy quyền được xem là một giao dịch dân sự bởi nó đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các ủy quyền và nhận ủy quyền. Và hình thức của giao dịch dân sự dưới dạng ủy quyền được thể hiện bằng văn bản chính là giấy ủy quyền. Do vậy giấy ủy uyền giải quyết công việc sẽ có hiệu lực khi giao dịch dân sự (việc ủy quyền) có hiệu lực, tức là nó phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
- Chủ thế tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Mọi sự ép buộc dưới nhiều hình thức đều vi phạm điều kiện có hiệu lực của giấy ủy quyền đối với điều kiện này
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội. Nội dung của giấy ủy quyền giải quyết công việc sẽ không được trái với quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể ví dụ như không được nằm ngoài phạm vi ủy quyền, không thuộc một trong các trường hợp không được ủy quyền hoặc việc ủy quyền không thuộc các hạng mục cấm của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Phân tích một chút, ở đây ủy quyền được tiến hành dưới dạng giấy ủy quyền giải quyết công việc, tức là được lập dưới dạng văn bản và theo quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 thì có một số trường hợp giao dịch dân sự được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì mới có hiệu lực pháp luật. Vậy một dấu hỏi rất lớn mà hầu như người dân đều quan tâm tới ở đây là giấy ủy quyền giải quyết công việc có cần phải công chứng hay không? Luật Minh Khuê xin trả lời các quý độc giả rằng, pháp luật không bắt buộc việc ủy quyền bằng giấy ủy quyền phải được công chứng. Chỉ có một số công việc, trường hợp cụ thể mới bắt buộc công chứng mới có hiệu lực pháp luật (như vấn đề liên quan đến ủy quyền thỏa thuận mang thai hộ tại khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình sẽ bắt buộc phải công chứng). Việc công chứng thường được tiến hành với Hợp đồng ủy quyền theo quy định của Luật Công chứng. Bên cạnh đó điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị dịnh số 23/2015/ND-CP quy định về những trường hợp chứng thực chữ ký trong đó có nhắc đến giấy ủy quyền. Theo đó chỉ được chứng thực chữ ký tại giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản. Nếu có liên quan thì sẽ chuyển sang lập hợp đồng ủy quyền và công chứng hợp đồng này theo quy định của pháp luật. Phù hợp với quy định tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23 nêu trên, Thông tư 01/2020 quy định các trường hợp chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền bao gồm:
+ Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ. Trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền
+ Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp
+ Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa
+ Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội
Ngoài những trường hợp nêu trên thì không được phép yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền. Lúc này người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch đó
Như vậy tóm gọn lại, giấy ủy quyền giải quyết công việc sẽ có hiệu lực pháp lý khi các bên trong giao dịch dân sự đảm bảo các điều kiện về mặt chủ thể, nội dung và mục đích ủy quyền không được trái với quy định của pháp luật, trái với đạo đức xã hội. Và giấy ủy quyền không cần phải công chứng vẫn có hiệu lực pháp lý và cũng không bắt buộc phải chứng thực chữ ký. Một đặc điểm nữa cần lưu ý là giấy ủy quyền giải quyết công việc sẽ có hai dạng là ủy quyền đơn phương, không có sự tham gia của bên nhận ủy quyền (tức là không có chữ ký của bên nhận ủy quyền, trong trường hợp này bên nhận ủy quyền hoàn toàn có thể đồng ý hoặc không đồng ý nhận ủy quyền). Hoặc dạng thứ hai là ủy quyền có sự tham gia của bên nhận ủy quyền (tức là có chữ ký của bên nhận ủy quyền, cũng xác định rằng bên nhận ủy quyền đồng ý tiến hành những công việc được nêu trong giấy ủy quyền)
2.3. Thủ tục chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền giải quyết công việc
Để tiến hành việc chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền thì người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu có giá trị sử dụng
- Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký
Sau đó đến một trong những cơ quan có thẩm quyền bao gồm Chế độ một cửa, một cửa liên thông; Văn phòng công chứng; Ủy ban nhân dân cấp xã; Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài để yêu cầu chứng thực chữ ký. Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực phải minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc một trong các trường hợp không được chứng thực quy định tại Điều 25 Nghị định 23/2015/ND-CP thì sẽ yêu cầu người yêu cầu chứng thực chữ ký trước mặt và thực hiện chứng thực theo từng bước như sau:
+ Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định
+ Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sôt chứng thực
Đối với giấy tờ, văn bản có từ 02 trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
Đối với trường hợp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông thì khi tiếp nhận hồ sơ chứng thực chữ ký, người tiếp nhận hồ sơ (công chức của Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực. Người tiếp nhận hồ sơ phải bảo đảm người yêu cầu chứng thực chữ ký minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; các bên tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, tự nguyện giao kết giao dịch ủy quyền đó.
3. Mẫu giấy ủy quyền giải quyết công việc mới nhất hiện nay
Hiện nay pháp luật không có quy định mẫu giấy ủy quyền giải quyết công việc nào cụ thể. Chỉ có mẫu chung nhất là Mẫu số 1.4 trong phần Phụ lục tại Nghị định 30/2020/ND-CP về công tác văn thư. Theo đó một giấy ủy quyền phải đảm bảo các hình thức của văn bản hành chính là phải có Quốc hiệu và Tiêu ngữ, có tên văn bản, mọi thông tin khác phải được trình bày dưới dạng một văn bản hành chính. Luật Minh Khuê sẽ cung cấp một số mẫu giấy ủy quyền giải quyết công việc cụ thể dưới đây nhằm giúp quý khách có thể hiểu rõ được về hình thức của một Giấy ủy quyền giải quyết công việc được trình bày như nào:
Mẫu giấy ủy quyền nhận lương (Mẫu số 13-HSB mục C tại Phụ lục kèm theo Quyết định 166/QD-BHXH ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp)
Nếu giấy ủy quyền bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo một bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật
Mẫu Giấy ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông:
Lưu ý: dưới đây là mẫu giấy ủy quyền trong việc nộp phạt hộ vi phạm giao thông mà Luật Minh Khuê biên soạn theo hình thức của một mẫu giấy ủy quyền chung nhất. Những nội dung trong mẫu giấy chỉ là ví dụ mang tính chất tham khảo giúp quý khách dễ dàng hình dung về một giấy ủy quyền giải quyết việc nộp phạt vi phạm giao thông nói riêng và ủy quyền để giải quyết công việc nói chung. Quý khách có thể tải về mẫu Giấy ủy quyền này và chỉnh sửa nội dung sao cho phù hợp với trường hợp cụ thể của quý khách:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hải Phòng, ngày 12 tháng 11 năm 2022 GIẤY ỦY QUYỀN (Về việc: Nộp phạt vi phạm giao thông) Người ủy quyền: Bà: Trần Linh Chi Sinh ngày: 15 tháng 5 năm 1992 Căn cước công dân số: 03136259XX Cấp ngày: 01 tháng 01 năm 2019 do Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Nơi cư trú: Số XX Ngõ XY đường Nguyễn Đức Cảnh, phường An Biên, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng Người ủy quyền là người bị lập Biên bản vi phạm hành chính số XYZ/BB-VPHC, quyển số: XZ do Công an phường lập ngày 09 tháng 11 năm 2022 Người được ủy quyền: Chị: Phạm Ngọc Hà Sinh ngày: 25 tháng 8 năm 2000 Căn cước công dân số: 03134843XX Cấp ngày: 19 tháng 2 năm 2019 do Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Nơi cư trú: Số XX Ngõ XY đường Nguyễn Đức Cảnh, phường An Biên, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng Người được ủy quyền là con gái ruột của người ủy quyền Nội dung ủy quyền: Người ủy quyền giao cho người được ủy quyền đại diện người ủy quyền liên hệ với Phòng cảnh sát giao thông - Trạm cảnh sát giao thông số 05, Thành phố Hải Phòng, các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nêu trên, nhận bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe, nhận lại xe, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác có liên quan, nộp phạt, lệ phí theo Biên bản vi phạm hành chính số XYZ nêu trên. Phạm vi ủy quyền: Người được ủy quyền có quyền đại diện người ủy quyền thực hiện việc nộp hồ sơ, lập văn bản, ký tên vào các giấy tờ có liên quan đến nội dung được ủy quyền, nộp phí, lệ phí, nhận bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe, nhận lại xe, giấy phép lái xe và các giấy tờ khác có liên quan Thù lao ủy quyền: Không có thù lao Thời hạn ủy quyền: 01 tháng kể từ thời điểm giấy ủy quyền này được công chứng Giấy ủy quyền được lập thành 03 bản, người ủy quyền giữ 02 bản, 01 bản lưu lại cơ quan công chứng NGƯỜI ỦY QUYỀN (Ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên) |
4. Giấy ủy quyền giải quyết công việc có thời hạn trong bao lâu?
Về thời hạn ủy quyền thì pháp luật cho phép các bên thỏa thuận được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch đó. Nếu như các bên không thỏa thuận được thì thời hạn của giấy ủy quyền giải quyết một công việc cụ thể là 01 năm kể từ thời điểm xác lập giấy ủy quyền hoặc từ thời điểm chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Mẫu giấy ủy quyền giải quyết công việc File Word mới nhất do Công ty Luật Minh Khuê biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Để soạn một giấy ủy quyền giải quyết công việc đảm bảo tính hợp pháp và quyền lợi cho chính mình thì nội dung và phạm vi ủy quyền quý khách cần phải được nêu cụ thể để tránh trường hợp bên nhận ủy quyền lợi dụng việc ủy quyền để làm những công việc quá giới hạn ủy quyền. Xem thêm: Mẫu giấy ủy quyền của doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!