Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Đây là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhiều năm qua, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tạo điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công. Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta. Pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng là công cụ quan trọng trong việc quản lý xã hội trong lĩnh vực này, pháp luật về ưu đãi người có công nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để người có công xây dựng cuộc sống, tiếp tục khẳng định vai trò trong cộng đồng xã hội.

 

1. Mẫu giấy xác nhận  của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp đại học:

MẪU GIẤY XÁC NHẬN: Mẫu số 02/ƯĐGD

 

(Ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY XÁC NHẬN

Phần I: Dùng cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông xác nhận

Trường: .....................................................................................................................

Xác nhận học sinh:.....................................................................................................

Hiện đang học tại lớp......................... Học kỳ:........................ Năm học:..................

Phần II: Dùng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học xác nhận

Trường:.......................................................................................................................

Xác nhận anh/chị:.......................................................................................................

Hiện là học sinh, sinh viên:

Năm thứ............... Học kỳ: .............. Năm học...............

Khoa ................ Khóa học ................. Thời gian khóa học ............(năm);

Hình thức đào tạo: ................................

Kỷ luật: ........................(ghi rõ mức độ kỷ luật nếu có).

Đề nghị Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo cho..................... theo quy định và chế độ hiện hành.

                                                                                                                                                                    

... ..., ngày... ... tháng... ...năm... ...

Thủ trưởng đơn vị

(Ký tên, đóng dấu)

>> Xem thêm: Cháu của người có công với cách mạng có được cộng điểm thi đại học? 

 

2. Quy định pháp luật về đối tượng xác lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B (sau đây gọi chung là thương binh).

- Con của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.

- Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

- Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

- Con của liệt sĩ.

- Con của thương binh.

- Con của bệnh binh.

- Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

 

3. Đối tượng áp dụng chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật:

Theo thông tư 36/2015/TT-BLĐTBXH quy định như sau:

- Chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo được áp dụng đối với học sinh, sinh viên là:

  • Con của người có công với cách mạng quy định tại Điều 1 của Thông tư này (sau đây gọi chung là học sinh) đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên (đối với các học viên học theo chương trình trung học cơ sở, trung học phổ thông), phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi chung là các cơ sở giáo dục phổ thông).
  • Người có công với cách mạng và con của họ quy định tại Điều 1 của Thông tư này (sau đây gọi chung là sinh viên) theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi chung là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học);

- Học sinh, sinh viên thuộc nhiều diện được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo thì chỉ hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất.

-  Sinh viên cùng một lúc học ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học.

-. Không áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với học sinh, sinh viên quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Đang hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học.
  • Đã hưởng chế độ ưu đãi tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học.
  • Người có công quy định tại Điều 1 của Thông tư này bị đình chỉ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

- Các chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo theo quy định tại Thông tư này không thay thế chế độ học bổng chính sách, chế độ học bổng khuyến khích học tập và rèn luyện theo quy định hiện hành.

 

4. Trình tự ,thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật:

4.1. Trình tự, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi:

- Người có công với cách mạng hoặc con của người có công quy định tại Điều 1 Thông tư này lập tờ khai kèm giấy xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người có công vào đầu mỗi năm học hoặc khóa học;

- Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản khai, có trách nhiệm xác nhận các yếu tố trong bản khai, lập danh sách kèm các giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản này gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trường hợp người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thuộc cơ quan, đơn vị quân đội, công an, trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng và người có công thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý thì các cơ quan này chịu trách nhiệm xác nhận (trong thời gian 03 ngày làm việc) và gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú của thân nhân người có công thuộc diện hưởng ưu đãi trong giáo dục đào tạo;

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập danh sách kèm giấy tờ quy định tại Điểm b Khoản này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

-  Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ có trách nhiệm kiểm tra danh sách, đối chiếu với hồ sơ người có công, ra Quyết định giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo (Mẫu số 03-ƯĐGD) đối với các trường hợp đủ điều kiện; chuyển Quyết định và 01 danh sách đã được phê duyệt về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

4.2. Trình tự, thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi :

- Người có công với cách mạng hoặc con của người có công quy định tại Điều 1 Thông tư này gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi giải quyết chế độ ưu đãi giấy xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học theo định kỳ chi trả trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo. Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự ý bỏ học thì cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học nơi học sinh, sinh viên đang học gửi thông báo để Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội dừng thực hiện chế độ ưu đãi.

Khi học sinh, sinh viên được nhập học lại thì cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học nơi học sinh, sinh viên theo học gửi thông báo để Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định.

Trường hợp học sinh, sinh viên không được thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo quy định tại Điểm c, Khoản 4 Điều 2 của Thông tư này thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo đến cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học nơi học sinh, sinh viên đang học;

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo trực tiếp hoặc qua tài khoản cá nhân theo yêu cầu của học sinh, sinh viên quy định tại Điều 1 Thông tư này.

 

4.3. Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật :

- Tờ khai đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo (Mẫu số 01-ƯĐGD).

-  Giấy xác nhận của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học (Mẫu số 02-ƯĐGD).

-  Quyết định thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo (Mẫu số 03-ƯĐGD).

 

5. Phương thức chi trả theo quy định pháp luật:

-  Cơ quan thực hiện chi trả: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, tổ chức chi trả trợ cấp cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi.

- Thời gian chi trả

+ Trợ cấp ưu đãi hàng năm: chi trả vào đầu năm học hoặc đầu khóa học

  • Chi trả vào tháng 10, tháng 11 đối với học sinh.
  • Chi trả vào tháng 11, tháng 12 đối với sinh viên.
  • Trường hợp học sinh, sinh viên chưa nhận trợ cấp ưu đãi hàng năm thì được truy lĩnh;

+ Trợ cấp ưu đãi hàng tháng: chi trả 02 lần trong năm

  • Lần 1 chi trả vào tháng 10, tháng 11 đối với học sinh hoặc tháng 11, tháng 12 đối với sinh viên.
  • Lần 2 chi trả vào tháng 3, tháng 4.
  • Trường hợp học sinh, sinh viên chưa nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng thì được truy lĩnh.

- Khung thời gian hoặc chương trình học

- Khung thời gian học hoặc chương trình học theo quy định tại quy chế đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông.

 

6. Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng:

Pháp lệnh quy định các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng:

- Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.

- Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

- Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.