Mục lục bài viết
1. Lịch sử hình thành Hội Cựu chiến binh
Năm 1989, Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện ở Campuchia về nước, ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng, hòa bình thực sự đã trở lại trên toàn cõi Đông Dương. Điều kiện để thành lập một tổ chức thống nhất theo nguyện vọng thiết tha, chính đáng của cựu chiến binh toàn quốc đã chín muồi.
Ngày 06/12/1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VI) đã quyết định thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam.
Ngày 03/02/1990, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 100-QĐ/TW cho thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Hội cựu chiến binh Việt Nam gồm 31 đồng chí, do đồng chí Thượng tướng Song Hào làm Chủ tịch, có nhiệm vụ giúp các tỉnh, thành phố hình thành tổ chức lâm thời, tiến hành kết nạp hội viên và chuẩn bị các văn kiện, nhân sự, dự thảo Điều lệ Hội cựu chiến binh....để trình Đại hội lần thứ nhất, đồng thời bầu Ban chấp hành Trung ương Hội cựu chiến binh chính thức.
Ngày 24/02/1990 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho phép thành lập Hội cựu chiến binh Việt Nam (giấy phép số 528/NC).
Ngày 14/04/1990, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) ra Quyết định số 51-QĐ/MMTQ. Công nhận Hội cựu chiến binh là thành viên của MTTQVN.
Ngày 7/10/2005, Thường vụ Quốc Hội thông qua Pháp lệnh Cựu chiến binh.
Ngày 06/12 là Ngày truyền thống của Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi khách quan của tình hình cách mạng nước ta trong giai đoạn cách mạng mới. Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, đáp ứng với sự mong mỏi, nguyện vọng thiết tha, chính đáng của Cựu chiến binh Việt Nam.
2. Chức năng của Hội cựu chiến binh
Hội cựu chiến binh Việt Nam có chức năng đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Cựu chiến binh. Hội làm tham mưu giúp cấp ủy Đảng và làm nòng cốt tập hợp, đoàn kết, vận động Cựu chiến binh thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội của cách mạng, của Hội; tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức Nhà nước.
3. Nhiệm vụ của Hội cựu chiến binh
Tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch; chống các quan điểm sai trái với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tệ nạn xã hội; giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.
Tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; kiến nghị với cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh.
Tập hợp, đoàn kết, động viên Cựu chiến binh rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
Tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ tiếp tục phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", tham gia tổ chức Câu lạc bộ, Ban liên lạc Cựu quân nhân, các phong trào cách mạng ở cơ sở.
Tổ chức chăm lo, giúp đỡ Cựu chiến binh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp; tổ chức hoạt động tình nghĩa để Cựu chiến binh tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cựu chiến binh; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho Cựu chiến binh.
Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan quân sự giúp dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ.
Tiến hành các hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
4. Hệ thống tổ chức Hội Cựu chiến binh
Hệ thống tổ chức Hội có 4 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp cơ sở.
Ở những cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập tổ chức Hội theo hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội.
Hội Cựu chiến binh mỗi cấp đặt dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam cùng cấp, sự chỉ đạo của Ban chấp hành Hội cấp trên, phối hợp chặt chẽ với cơ sở chính quyền, Quân đội, Mặt trện Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cấp đó và liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân.
Hội được tổ chức dựa theo hệ thống tổ chức của Đảng; tổ chức Đảng của đơn vị trực thuộc cấp ủy nào thì tổ chức Hội của đơn vị cũng trực thuộc tổ chức Hội cấp tương ứng.
5. Nguyên tắc của Hội Cựu chiến binh
Hội Cựu chiến binh Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ban chấp hành Hội các cấp do dân chủ bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín và làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; trường hợp đặc biệt do cấp trên chỉ định, thời gian hoạt động của Ban chấp hành chỉ định không quá một năm.
Số lượng Ban chấp hành cấp nào do Đại hội cấp đó quyết định theo hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội.
Ban chấp hành khóa mới nhận sự bàn giao từ Ban chấp hành khóa trước, điều hành công việc ngay sau khi được bầu; được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của Ban chấp hành cấp trên trực tiếp.
Việc bổ sung Uỷ viên Ban chấp hành thiếu, do Ban chấp hành đề nghị, Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp quyết định; số lượng Uỷ viên Ban chấp hành sau khi bổ sung không vượt quá tổng số Uỷ viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Khi cần thiết, Ban chấp hành Hội cấp trên trực tiếp được chỉ định tăng thêm một số Uỷ viên Ban chấp hành cấp dưới
Uỷ viên Ban chấp hành Hội từ cấp tỉnh trở xuống xin rút khỏi Ban chấp hành ở cấp nào do Ban chấp hành đó đề nghị, cấp trên trực tiếp quyết định. Đối với Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội, do Ban chấp hành Trung ương quyết định.
Uỷ viên Ban chấp hành Hội các cấp khi thôi giữ các chức vụ công tác Hội thì thôi không tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh các cấp.
>> Xem thêm: Mẫu Quyết định bổ nhiệm mới nhất áp dụng cho mọi chức vụ
6. Mẫu quyết định bổ nhiệm chi hội trưởng cựu chiến binh Việt Nam
Quý khách có thể tải mẫu quyết định bổ nhiệm chi hội trưởng hội CCCVN dưới đây hoặc có thể soạn thảo trực tuyến, in ra để sử dụng trong những trường hợp cần thiết:
HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM HỘI CCB THÀNH PHỐ HÀ NỘI Số: 13/QĐ-CCB |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà nội, ngày 17 tháng 07 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BỔ NHIỆM CHI HỘI TRƯỞNG
- Căn cứ Pháp lệnh cựu chiến binh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 07 tháng 10 năm 2005
- Căn cứ Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Bổ nhiệm ông Nguyễn Tuấn Đức giữ chức vụ Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký
Điều 3: Đồng chí Trưởng ban Tổ chức - chính sách Thành Hội, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh và các phòng ban có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: - Như điều 1; - Lưu VP; |
TM. BAN CHẤP HÀNH HỘI (Ký, ghi rõ họ tên) |
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Khuê về Mẫu quyết định bổ nhiệm chi hội trưởng cựu chiến binh. Mọi thắc mắc xin liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 1900.6162. Xin chân thành cảm ơn!