Mục lục bài viết
- Khái quát về nguyên tắc phân cấp quản lý trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
- Hoạt động quản lý hành chính nhà nước là gì?
- Khái niệm và hệ thống các nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính nhà nước.
- Phân cấp quản lý – một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Hạn chế của hoạt động phân cấp quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Khái quát về nguyên tắc phân cấp quản lý trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước là gì?
Quản lý là việc tổ chức chỉ đạo một hệ thống hay quá trình dựa trên những quy luật, định luật hay những nguyên tắc tương ứng, làm cho hệ thống hay quá trình đó vận động theo ý muốn của người quản lý và nhằm đạt được những kết quả đã định trước.
Quản lý hành chính nhà nước là một hình thức hoạt động của Nhà nước được thể hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa – xã hội, hành chính – chính trị.
Khái niệm và hệ thống các nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính nhà nước.
Nguyên tắc của quản lý hành chính nhà nước là tổng thể các quy phạm pháp luật hành chính có nội dung là những tư tưởng chủ đạo làm cơ sở để tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Các nguyên tắc của quản lý hành chính nhà nước có đặc điểm đó là được ghi nhận trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, từ hiến pháp, luật đến các văn bản dưới luật. Tính chất pháp lý này còn xác định cơ sở để buộc các chủ thể phải tuân thủ một cách thống nhất và chính xác các nguyên tắc của quản lý hành chính nhà nước. Các nguyên tắc này còn mang tính khách quan, khoa học và ổn định. Các nguyên tắc này phải được xây dựng, tổng kết và rút ra từ thực tiễn quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên, chúng lại được ghi nhận thông qua nhận thức chủ quan của con người. Mỗi nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước đều có nội dung riêng, phản ánh những quy luật khách quan khác nhau trong quản lý hành chính nhà nước. Những nguyên tắc này có mỗi liên hệ chặt chẽ với nhau và tạo thành một hệ thống thống nhất.
Có hai nhóm nguyên tắc của quản lý hành chính nhà nước, đó là: nhóm các nguyên tắc chính trị - xã hội (gồm: nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước, nguyên tắc nhân dân lao động tham gia đông đảo vào quản lí hành chính nhà nước, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa) và nhóm các nguyên tắc
Phân cấp quản lý – một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng được thực hiện trên cơ sở tuân thủ nội dung của nguyên tắc này. Nguyên tắc này là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ việc bảo đảm cả hai yếu tố tập trung và dân chủ trong quản lý hành chính nhà nước.
Thuật ngữ “phân cấp quản lí” dùng để chỉ sự phi tập trung hóa trong quản lý nhằm phát huy dân chủ, tự chủ, sáng tạo,… của địa phương, cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và quản lý hành chính nhà nước. Phân cấp, phân cấp quản lý, phân cấp quản lý hành chính nhà nước là những thuật ngữ đối lập với tập trung, tập quyền[1].
Phân cấp quản lý là sự chuyển giao thẩm quyền từ cấp trên xuống cấp dưới nhằm đạt được một cách có hiệu quả mục tiêu chung của hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Khi tiến hành phân cấp quản lý, đã có sự phân định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp trong bộ máy hành chính nhà nước. Mỗi cấp quản lý có những mục tiêu, nhiệm vụ, thẩm quyền và những phương tiện cần thiết để thực hiên tốt những mục tiêu, nhiệm vụ của cấp mình. Trong phạm vi thẩm quyền đươc giao mỗi cấp quản lý được phép tiến hành những hoạt động nhất định nhằm phát huy tính năng động sáng tạo của mình.
Phân cấp quản lý là những biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Tuy nhiên, điều này chỉ thực sự được thực hiện khi việc phân cấp quản lý đảm bảo được những yêu cầu sau đây:
Việc phân cấp quản lý phải đảm bảo cho trung ương có quyền quyết định trong những lĩnh vực then chốt, những vấn đề có ý nghĩa chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển cân đối và hài hòa của toàn xã hội, bảo đảm sự quản lý tập trung và thống nhất của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc. Mạnh dạn giao quyền cho các địa phương, các đơn vị cơ sở để phát huy tính chủ động tích cực phát huy sức người, sức của,đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống, trên cơ sở đó hoàn thành mọi nhiệm vụ được trung ương và cấp trên giao phó. Mạnh dạn phân cấp cho địa phương và cơ sở là biện pháp đảm bảo tập trung, tránh cho trung ương và cấp trên phải ôm đồm các công việc mang tính sự vụ thuộc về chức trách của địa phương và cơ sở. Việc phân câp quản lý phải thật cụ thể, hợp lý trên cơ sở những quy định của pháp luật.
Phân cấp quản lý giữa các cấp trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước là công việc hết sức phức tạp đòi hỏi phải xem xét từ nhiều yếu tố và góc độ khác nhau như: cơ sở kinh tế, xã hội, trình độ phát triển đồng đều về kinh tế, kết cấu hạ tầng, giao thông, thông tin, liên lạc, các yếu tố về dân tộc, trình độ dân trí, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý ở địa phương và cơ sở,… Do đó, việc ban hành các quyết định về phân cấp quản lý cần phải có sự cân nhắc, tính toán kĩ lưỡng, hợp lý, tránh đưa ra những quyết định mang tính chung chung, tùy tiện. Tất cả nội dung của việc phân cấp quản lý bao giờ cũng phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật của các cấp có thẩm quyền.
[1] Phạm Thanh Huyền (2014), “Một số vấn đề về phân cấp quản lý hành chính nhà nước”, Tạp chí tổ chức Nhà nước, Nxb. Bộ Nội vụ, (02), tr. 16.
Hạn chế của hoạt động phân cấp quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc chia chức năng, nhiệm vụ cho các cấp quản lí, sử dụng vỉa hè trong Nghị định số 55/2007/QĐ-UBND còn chưa thực sự rõ ràng triệt để, vẫn còn sự mập mờ về thẩm quyền quản lý giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện. Tại Nghị định chỉ quy định một điều chung chung rằng thống nhất chung và hướng dẫn về công tác quản lý hè phố, còn cấp quận, phường có thẩm quyền quản lý đầu tư xây dựng, cấp phép sử dụng hè phố,… Chẳng phải trong quy định về thẩm quyền của cấp thành phố cũng bao hàm thẩm quyền của cấp quận, phường luôn đó sao?
Sự phân cấp không rõ ràng làm cho hệ thống văn bản giữa các cơ quan thiếu sự thống nhất; sai phạm trong việc tổ chức thực hiện của từng cơ quan đơn vị trong quy hoạch sử dụng lòng đường, hè phố, cấp phép các điểm trông giữ phương tiện, mức thu phí và lệ phí trông xe, các công trình xây dựng nhà cao tầng thiếu điểm đỗ và sai quy hoạch, một số lực lượng được giao nhiệm vụ, chức năng xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ… Dẫn đến tình trạng trên một quận, tuyến này sở quản lý đường, tuyến kia quận quản lý hè… rất chồng chéo. Một hè đường phố nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được phép cấp phép…
Thêm vào đó, cần lưu ý rằng thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội) cũng như tỉnh gồm ba cấp: Thành phố (tương đương tỉnh), quận (tương đương huyện) và phường (tương đương xã). Vậy mà tại Quyết định số 55/2007/QĐ – UBND của UBND Thành phố Hà Nội chỉ chia làm hai cấp quản lý đó là cấp thành phố và cấp quận, phường. Trong khi địa bàn của các quận là rất lớn và phức tạp. Nhiệm vụ cụ thể của quản lý đô thị chưa đủ cụ thể và xác định rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền (cụ thể là ba cấp: thành phố, quận, phường) dẫn đến cùng một công việc cụ thể về một vấn đề của quản lý, sử dụng vỉa hè (như cấp phép sử dụng tạm thời hè phố để trông giữ xe, đăng ký kinh doanh,…) lại có rất nhiều cấp, nhiều cơ quan cùng tham gia, cùng chỉ đạo nhưng lại chưa quy rõ trách nhiệm chính trong việc giải quyết dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một vấn đề đặt ra là: khi người dân đi xin cấp phép giấy sử dụng tạm thời hè phố thì nên đến UBND cấp quận hay đến UBND cấp phường (Ví dụ như: UBND quận Thanh Xuân hay UBND phường Nhân Chính)?
Do tổ chức chính quyền đô thị thành nhiều cấp nên đời sống đô thị bị chia cắt khó bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý vỉa hè, đặc biệt là việc quy hoạch, sửa chữa vỉa hè. Cho dù phân cấp quản lý vỉa hè, tuy nhiên đều thuộc thẩm quyền của UBND, dẫn đến thiết chế Hội đồng nhân dân ở các quận, phường trở nên hình thức, không có nội dung hoạt động.
Mỗi đô thị là một chỉnh thể kinh tế - xã hội thống nhất, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc trực tiếp vào nhau, không thể chia cắt[1]. Các hoạt động như cho kinh doanh vỉa hè, dịch vụ gửi xe, mỹ quan đô thị,… không bị ràng buộc bởi những ranh giới hành chính trong nội bộ đô thị (quận, phường) mà có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ với nhau trong phạm vi toàn đô thị (thành phố Hà Nội). Điều đó đòi hỏi bộ máy hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội phải mang tính tập trung, thống nhất và thông suốt, nhanh nhạy mà không thể bị cắt khúc.
Phân cấp đôi khi còn khiến cho sự phối hợp các chính sách quốc gia trở nên phức tạp hơn và có thể dẫn đến tình trạng cán bộ địa phương trục lợi. Phân cấp nếu không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng các nhóm lợi ích ở địa phương tranh giành quyền lực và quyền kiểm soát các nguồn lực đã được phân cấp. Do đó, tham nhũng cũng có thể được phân cấp theo. Đơn cử như vấn đề được nêu ra ở đề bài, Năm 2017, một số quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm triển khai việc lát đá tự nhiên có độ bền từ 50 – 70 năm trên vỉa hè nhưng mới sử dụng vài tháng đã xuất hiện hiện tượng nứt, vỡ, ở nhiều vị trí đá còn bị bật khỏi nền. Điều này dẫn đến lo ngại liệu có phải cá nhân có thẩm quyền đã nhằm vào sơ hở của pháp luật để cắt xén bớt tiền mua vật liệu và đổi thành những vật liệu rẻ tiền, chất lượng kém nhằm qua mắt các cấp chính quyền, thu lợi nhuận riêng cho bản thân hay không mới dẫn đến tình trạng đá mới lát nhưng chỉ một năm sử dụng đã hỏng, vỡ, xuống cấp?
Việc phân cấp quản lý phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể của các công chức, viên chức thực hiện hoạt động quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều khi khó để cùng nhau giải quyết một vấn đề chung khi mà thẩm quyền thuộc về cả hai bên bởi ai cũng muốn mình có lượng công việc ít mà vẫn được hưởng lương như những người khác hay tranh chấp nảy ra khi hai bên cùng chung thẩm quyền quản lý nhưng đều muốn tự giải quyết để công lao thuộc về mình.
Việc quy trách nhiệm cho từng cấp không rõ ràng dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm, kiểm tra hời hợt và không giám sát liên tục các hoạt động quản lý làm cho xuất hiện tình trạng: khi người dân thấy người có thẩm quyền đi kiểm tra thì thu dọn đồ, hàng hóa của mình vào nó, nhưng đến lúc người có thảm quyền không đi kiểm tra thì lại bày ra bán như thường; dẫn đến việc quản lý vỉa hè không liên tục làm hiệu quả của ciệc phân cấp quản lý bị giảm đi và không hiệu quả.
[1] Trần Thị Diệu Oanh (2011), “Một số vấn đề về phân cấp quản lý cho chính quyền đô thị”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Nxb. Bộ Tư pháp, (12), tr. 15.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị cần đảm bảo thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, quán triệt quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất, bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; đồng thời phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. Hai là, phân cấp, phân quyền phải thực hiện theo hướng việc gì thành phố làm được thì nên giao cho thành phố đảm nhận; cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, có điều kiện thực hiện và thực hiện có hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó và cấp đó phải tự quyết, tự quản và đặc biệt là tự chịu trách nhiệm. Ba là, về triển khai phân cấp tại chính quyền đô thị, cần phải xác định và tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình triển khai phân cấp đảm bảo tính đồng bộ, tính liên tục: đồng bộ giữa nhiệm vụ với nguồn lực thực hiện phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ phận; phân cấp phải phù hợp với năng lực của đơn vị tiếp nhận.
Đối với hoạt động quản lý sử dụng vỉa hè, UBND Thành phố Hà Nội cần phân định cụ thể cho các quận, các phường quản lý vỉa hè tại địa bàn của mình. Cấp phường giải quyết sát thực tế hơn, do đó cần phân quyền cho cấp phường một cách cụ thể hơn để tránh chồng chéo với cấp quận để cấp phường tiện quản lý vỉa hè. Cần phải mạnh dạn phân quyền cho từng cấp để các cấp phát huy khả năng, nguồn nhân lực của mình trong hoạt động quản lý, đồng thời nâng cao khả năng sáng tạo, tự quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình mà không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào cấp chính quyền cao hơn.
Trên cơ sở đó, cần xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất từ cấp trung ương đến địa phương, đảm bảo các văn bản luật không chồng chéo lên nhau, giúp cho chủ thể quản lý áp dụng pháp luật đúng cách đồng thời khó tạo ra kẽ hở để kẻ gian đầu cơ trục lợi. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan thuộc các cấp để đảm bảo việc thực hiện hoạt động quản lý vỉa hè đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, không lơ là và thiếu trách nhiệm.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cần được các ngành chức năng quận thực hiện hiệu quả, nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ngành luôn phải điều tiết cách thức kiểm tra, xử lý hài hòa giữa việc mưu sinh của người dân với quy định của Nhà nước trên lĩnh vực quản lý, sử dụng vỉa hè. Đặc biệt, cần phải đặt ra chế tài nặng đối với những người làm sai chức trách, lợi dụng thẩm quyền của mình nhằm trục lợi. Từ đó mới giảm thiểu được các tiêu cực phát sinh trong quản lý của cơ quan nhà nước, khiến người dân không mất lòng tin vào chính quyền.
Mặc dù là phân cấp quản lý, sử dụng vỉa hè, nhưng những quyết định, chính sách quan trọng phải được thể hiện trong các văn bản pháp luật của các cấp có thẩm quyền để chủ thể quản lý có thể nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện hoạt động quản lý, nởi có nhiều cấp (cấp quận, cấp phương) không đủ thẩm quyền để ban hành một quyết định nào đó về quản lý vỉa hè, tuy nhiên đó lại là một vấn đề cần phải thực hiện. Vì thế, để đảm bảo hoạt động quản lý được thực hiện và đối tượng quản lý nghe theo, cần có cấp có thẩm quyền ban hành quyết định để thực hiện.
Cần tuyên truyền, giáo dục, phổ cập, vận động nhằm nâng cao ý thức nhân dân, các chủ hộ kinh doanh dịch vụ trong việc đảm bảo trật tự vỉa hè, không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, bán hàng, giữ phần đường dành cho người đi bộ; giữ vệ sinh chung khu vực quanh vỉa hè, tuân thủ đúng pháp luật, người có thẩm quyền khi được yêu cầu thực hiện đảm bảo trật tự vỉa hè.