Mục lục bài viết
1. Thế nào là trợ giúp pháp lý?
Tại kỳ họp lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá VIII vào ngày 18/6/1997, lần đầu tiên trong Nghị quyết đã có chỉ đạo về việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý theo hướng: "tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí". Đây là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc đảm bảo quyền được tiếp cận pháp luật của người nghèo. Để cụ thể hóa chủ trương này, vào ngày 06/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Hiện hành, theo quy định tại Điều 2 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 định nghĩa về trợ giúp pháp lý như sau: "Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong việc tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật."
2. Các loại giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP, người thuộc diện trợ giúp pháp lý phải đưa ra các giấy tờ sau đây để chứng minh thuộc các trường hợp tại mục 1, cụ thể như sau:
Đối với người có công với cách mạng
Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng gồm một trong các giấy tờ sau:
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền công nhận là người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến, Bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Bằng Anh hùng, Bằng Có công với nước;
- Quyết định trợ cấp, phụ cấp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định là người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
- Quyết định hoặc giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công đối với người có công giúp đỡ cách mạng, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945, Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Huân chương Chiến thắng, Huy chương Chiến thắng.
Đối với người thuộc hộ nghèo
Giấy tờ chứng minh người thuộc hộ nghèo là giấy chứng nhận hộ nghèo.
Đối với trẻ em
Giấy tờ chứng minh là trẻ em gồm một trong các giấy tờ sau:
- Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu;
- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em;
- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xử phạt vi phạm hành chính xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là trẻ em.
Đối với người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Giấy tờ chứng minh là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm một trong các giấy tờ sau:
- Giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó;
- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số và nơi cư trú của người đó.
Đối với người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
Giấy tờ chứng minh người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Đối với người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo
Giấy tờ chứng minh là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo gồm các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo;
- Văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng xác định người có yêu cầu trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội.
Đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo hoặc quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng hoặc quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về trợ cấp ưu đãi, trợ cấp tiền tuất đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ hoặc Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ, Bằng tổ quốc ghi công có tên liệt sỹ kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân với liệt sỹ.
Đối với người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính gồm các giấy tờ sau:
- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 7 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP;
- Quyết định về việc trợ cấp ưu đãi đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hoặc Giấy chứng nhận bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học.
Đối với người cao tuổi có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người cao tuổi có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:
- Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.
Đối với người khuyết tật có khó khăn về tài chính
Giấy tờ chứng minh là người khuyết tật có khó khăn về tài chính gồm một trong các loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo Giấy chứng nhận khuyết tật do cơ quan có thẩm quyền cấp;
- Giấy tờ quy định tại điểm a khoản 9 Điều 33 Thông tư 08/2017/TT-BTP.
3. Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong Tố tụng dân sự
Nguyên tắc của Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được ghi nhận và được đảm bảo trong nguyên tắc của Tố tụng dân sự. Khoản 3 của Điều 9 trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc: "Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án". Có thể nói rằng đây là nguyên tắc quan trọng đối với chế định về Trợ giúp pháp lý.
Để bảo đảm nguyên tắc này, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã đưa ra một số quy định như: ghi nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75), và quy định rằng Thẩm phán có trách nhiệm "giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu Trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về Trợ giúp pháp lý" (Điều 48).
Như vậy, cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bảo đảm cho những đối tượng thuộc diện được Trợ giúp pháp lý có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa án. Vai trò của Thẩm phán được nhấn mạnh trong việc đảm bảo quyền Trợ giúp pháp lý của người dân, góp phần đảm bảo quyền cơ bản của con người, quyền bình đẳng trước pháp luật, và quyền tiếp cận công lý.
Xem thêm: Trợ giúp pháp lý là gì ? Đăng ký trợ giúp pháp lý như thế nào ? Mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Một số loại giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!