1. Chứng cứ là gì?

Theo Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

2. Nguồn của chứng cứ

Nguồn chứng cứ là những sự vật chứa đựng chứng cứ, tức chứa đựng các thông tin, tư liệu tồn tại trong thực tế khách quan, liên quan đến vụ án và được thu thập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Điều 87 BLTTHS 2015 về nguồn chứng cứ gồm: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.

3. Nguồn chứng cứ là kết luận định giá tài sản

Đối với nguồn chứng cứ là kết luận định giá tài sản, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định những vấn đề liên quan đến định giá tài sản và đưa ra kết luận định giá tài sản. Tương tự như nguồn chứng cứ kết luận giám định, Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có nêu khái niệm thế nào là kết luận định giá tài sản (“Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu” (khoản 1); trách nhiệm của Hội đồng định giá tài sản (“Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó”), đồng thời nêu rõ: “Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án” (khoản 4). Kết luận định giá tài sản là chứng cứ vụ án hình sự khi: “Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận” (khoản 2). Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền đồng ý hay không đồng ý với kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản. Tuy nhiên, “trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận chưa rõ thì quyết định định giá lại theo thủ tục chung” (khoản 3).

Cho đến nay, Nhà nước ta chưa có văn bản luật về định giá tài sản. Tuy nhiên, ngày 02-3-2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự và những năm vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã vận dụng văn bản pháp lý này để tiến hành định giá tài sản, làm chứng cứ cho việc giải quyết vụ án hình sự. Trong thời gian tới đây, những vấn đề liên quan đến kết luận định giá tài sản sẽ được một văn bản luật điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của việc giải quyết vụ án hình sự.

4. Nguồn chứng cứ là kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác

Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác là một trong những nguồn chứng cứ mới trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định: “Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án”. Ngay tại Điều 494 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định rõ giá trị pháp lý tài liệu, đồ vật thu thập được qua hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự: “Tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thu thập theo ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến Việt Nam để ủy thác truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 của Bộ luật này thì có thể được coi là vật chứng”.

Tuy nhiên, để sử dụng kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và kết quả hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cần tuân thủ những quy định tại Chương XXXV Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Ngay tại Điều 492 quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự: “Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế”. Đây là nội dung hết sức chú ý khi sử dụng nguồn chứng cứ là kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và kết quả hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp.

5. Nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử

BLTTHS đã ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ tại điểm c khoản 1 Điều 87. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử (Khoản 1 Điều 99 BLTTHS). Về bản chất, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử, có thể phục hồi, phân tích, tìm được dữ liệu, kể cả trong trường hợp dữ liệu đó đã bị xóa, bị ghi đè, dưới dạng ẩn, đã mã hóa và làm cho có thể đọc được, nhìn thấy được, ghi lại, sử dụng làm chứng cứ.

Chứng cứ trong vụ án hình sự là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Việc công nhận dữ liệu điện tử có giá trị làm chứng cứ trong hoạt động tố tụng nhưng chúng không phải hoàn toàn đáng tin cậy. Để xem xét dữ liệu điện tử có giá trị làm chứng cứ hay không, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải xem xét rất nhiều các yếu tố khác nhau như: Cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác (Khoản 3 Điều 99 BLTTHS). Bên cạnh đó, dữ liệu điện tử cũng như các loại nguồn chứng cứ khác, giá trị của chứng cứ ở mức độ nào là do cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Thời gian gần đây, các đối tượng phạm tội thường sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện hành vi phạm tội. Hầu hết các đối tượng này có kiến thức về dữ liệu điện tử và am hiểu pháp luật nên có những thủ đoạn tinh vi để che giấu thông tin phạm tội như xóa dữ liệu, phá sập trang Web đã tạo ra… nên đã gây ra không ít khó khăn cho công tác thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án. Do vậy, để giải quyết các vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải nhanh chóng thu thập đầy đủ và kịp thời dữ liệu liên quan, đồng thời, trường hợp cần thiết còn phải tiến hành các biện pháp khôi phục để làm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.

BLTTHS đã cụ thể hóa hoạt động thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử tại Điều 107, cụ thể như sau: (1) Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong, mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. (2) Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. (3) Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử. (4) Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được. (5) Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.

Đây là quy định mới, tiến bộ bởi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, nên phương tiện, dữ liệu điện tử cần thu giữ ngày càng đa dạng; Dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ mới được quy định trong tố tụng hình sự và là tài liệu chứng cứ khoa học có giá trị cao trong chứng minh tội phạm, nên phải được thu giữ, niêm phong chặt chẽ, tránh tiêu cực xảy ra.

Hiện nay, trình độ hiểu biết về phương tiện điện tử và dữ liệu điện tử của người tiến hành tố tụng có mặt còn hạn chế nên việc thu thập, thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử chưa được thống nhất về phương tiện và cách thức tiến hành. Điều này ảnh hưởng đến các thuộc tính của nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử.

Khoản 4 Điều 107 BLTTHS quy định: …“kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được”. Các cơ quan tố tụng đang gặp nhiều khó khăn khi chuyển hóa những đoạn video clip thành chứng cứ dưới dạng có thể đọc được. Đối với dữ liệu điện tử được thu từ các thiết bị, phương tiện điện tử có thể ghi hình và lưu dữ liệu điện tử dưới dạng file video, hiện nay thường sử dụng phương pháp cho người tham gia tố tụng xem trực tiếp để xác định người, vật và các hoạt động diễn ra trong đoạn video thu được, sau đó tiến hành lập biên bản ghi nhận. Biên bản cho người tham gia tố tụng trực tiếp xem hình ảnh, video là hoạt động gì trong các hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS. Trường hợp người xem có sự xác nhận khác, ảnh hưởng đến tính xác thực của hình ảnh thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận định, đánh giá của người tiến hành tố tụng.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)