1. Khái niệm chứng cứ

Theo Điều 86 Bộ luật tố tụng hình sự 2015: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

2. Nguồn chứng cứ

Nguồn chứng cứ theo quy định của BLTTHS 2003: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Điều 87 Bộ luật tốt tụng hình sự 2015 quy định về nguồn chứng cứ như sau:

Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng; Lời khai, lời trình bày; Dữ liệu điện tử; Kết luận giám định, định giá tài sản; Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; Các tài liệu, đồ vật khác.

3. Vì sao cần bổ sung nguồn chứng cứ mới?

BLTTHS 2015 đã bổ sung 03 nguồn chứng cứ mới: dữ liệu điện tử; Kết luận định giá tài sản; Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác.

Thực tiễn hiện nay, các đối tượng đã triệt để lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ để thực hiện và che dấu tội phạm, nên để giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, việc thu thập các chứng cứ điện tử là rất quan trọng, thế nhưng dữ liệu điện tử chưa được BLTTHS 2003 ghi nhận với tư cách là nguồn chứng cứ. Ngày nay, BLTTHS 2015 ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tài sản như: trộm cắp tài sản, Cố ý làm hư hỏng tài sản…, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trưng cầu định giá tài sản làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án, nhưng kết luận định giá tài sản chưa được BLTTHS 2003 quy định là nguồn chứng cứ. Vậy nên, BLTTHS 2015 đã bổ sung kết luận định giá là nguồn chứng cứ mới.

Ủy thác tư pháp chính là việc yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật của nước có liên quan hoặc theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã tham gia như các trường hợp dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài. Vì vậy việc bổ sung thêm "kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác" vào nguồn chứng cứ là cần thiết.

4. Dữ liệu điện tử

Điều 87 BLTTHS 2015 quy định dữ liệu điện tử là một nguồn của chứng cứ.

Điều 99 BLTTHS 2015 quy định “dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

Trong thời gian qua cả nước đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông, lừa đảo qua mạng…Thông qua camera thu được nơi gần nhất xảy ra tội phạm, các mạng xã hội Facebook, zalo, rút list điện thoại… Cơ quan điều tra đã nhanh chóng xác định được đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật có thể viện dẫn một vụ án điển hình sau đây:

Chiều 25.6.2018, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 06 đối tượng người Đài Loan và 06 người Việt Nam trong đường dây lừa đảo qua điện thoại để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và không tố giác tội phạm. Theo thông tin ngày 6.6.2018 Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Quảng Nam nhận đơn trình báo của bà H.T.P ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam về việc bị một nhóm người lừa qua điện thoại chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng. Phòng PC45 phối hợp Công an tỉnh Tây Ninh, Công an Tp.Hồ Chí Minh thu thập tài liệu, chứng cứ và tiến hành bắt giữ các đối tượng. Thông qua mạng Internet, 12 bị can này tìm kiếm thông tin các cá nhân tại Việt Nam sau đó sử dụng mạng Internet gọi điện bằng VOIP tổng đài ảo, tự tạo ra một số điện thoại bất kỳ, khi gọi sẽ hiện trên máy người nghe), mạo danh là cán bộ cơ quan thực thi pháp luật đang điều tra các vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng của Cơ quan điều tra để phục vụ công tác điều tra.Thực tế đây là tài khoản Ngân hàng trong nước của nhóm người Việt. Từ đầu tháng 5 đến nay, nhóm người Đài Loan đã lừa đảo gần 7 tỷ đồng.

Để dữ liệu điện tử được sử dụng làm chứng cứ thì cần thiết phải đảm bảo những thuộc tính sau:

- Tính khách quan: Dữ liệu này có thật, tồn tại khách quan, có nguồn gốc rõ ràng, không bị làm cho sai lệch, biến dạng; đã được tìm thấy và đang lưu trên máy tính, điện thoại di động, email, USB, tài khoản trên mạng, trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), đang truyền trên mạng…

- Tính hợp pháp: Chứng cứ phải được thu thập đúng quy định của BLTTHS, sử dụng công nghệ được pháp luật công nhận, trong cả quá trình khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ vật chứng, sao lưu điện tử, chặn thu trên mạng, bảo quản, phục hồi, phân tích, tìm kiếm và giám định dữ liệu và khi sử dụng chứng cứ phải kiểm tra tính hợp pháp của biện pháp thu thập. Từng thiết bị điện tử như máy tính, máy điện thoại, máy chủ, máy tính bảng, USB, đĩa CD/DVD…phải được ghi cụ thể vào biên bản (không được ghi chung như: Một bao tải, hộp các tông đã niêm phong), niêm phong theo đúng quy định, để dữ liệu không thể bị can thiệp, tác động làm thay đổi kể từ khi thu giữ hợp pháp. Chuyên gia phục hồi dữ liệu sử dụng công nghệ và phần mềm phục hồi dữ liệu, như thiết bị chống ghi (Read Only ) sao chép dữ liệu điện tử và chỉ sử dụng bản sao này để phục hồi, phân tích, tìm kiếm dữ liệu, chuyển thành dạng đọc được, nghe được, nhìn thấy được. Bản gốc phải được bảo quản theo đúng quy định.

- Tính liên quan của chứng cứ: Dữ liệu thu được có liên quan đến hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, nạn nhân, hậu quả…, được sử dụng để xác định các tình tiết của vụ án. Tính liên quan thể hiện ở nguyên lý, công nghệ hình thành dấu vết điện tử, thông tin về không gian, thời gian hình thành dữ liệu (logfile, IP, siêu dữ liệu, hàm hash), địa chỉ lưu trữ, nội dung thông tin, thời gian phạm tội (nguồn gốc và nội dung thư điện tử, chat, tin nhắn, công nghệ tấn công, nạn nhân, thiệt hại, camera…), cookies truy cập…

5. Kết luận định giá tài sản

Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự lập để kết luận về giá trị tài sản được yêu cầu, nó có thể được dùng để quyết định việc xem xét trách nhiệm hình sự, khung hình phạt hoặc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Trong các vụ án xâm phạm sở hữu, việc định giá tài sản là yêu cầu bắt buộc để kết luận về giá trị của tài sản bị xâm hại. Đối với các vụ án khác, việc định giá tài sản được thực hiện khi giá trị tài sản đó có liên quan đến việc giải quyết vụ án.

Việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ: giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); giá trị thực tế của tài sản cần định giá; các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá. Việc định giá tài sản có thể vẫn được thực hiện trong trường hợp tài sản định giá không được thu hồi, trong trường hợp đó, ngoài hồ sơ, tài liệu về tài sản (nếu có), Hội đồng định giá tài sản tiến hành định giá căn cứ vào các tài liệu có liên quan như lời khai về giá trị tài sản khi mua, đánh giá của những nhà chuyên môn về tài sản tại thời điểm định giá… để kết luận về giá trị tài sản. Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó. Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận cảu mình vào bản kết luận. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do; nếu kết luận chưa rõ thì quyết định định giá lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc định giá tài sản được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và nghị định của Chính phủ về định giá tài sản. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.

6. Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác

Điều 103 BLTTHS 2015 quy định kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác như sau:

"Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án."

Ngoài việc ủy thác tư pháp, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có thể thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế khác bằng sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

Thực tiễn cho thấy rất nhiều vụ án về tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức thì kết quà thực hiện ủy thác tư pháp là nguồn chứng cứ quan trọng để giải quyết vụ án, do đó Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định quy định rõ tại Điều 103 về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác. Đây là một nguồn chứng cứ mới được bổ sung vào Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)