- 1. Trong hợp đồng gia công ai là người cung cấp nguyên liệu?
- 2. Bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không?
- 3. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
- 4. Bên nhận gia công có cần thiết phải giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra không?
- 5. Bên nhận gia công có quyền từ chối chỉ dẫn của bên đặt gia công không?
1. Trong hợp đồng gia công ai là người cung cấp nguyên liệu?
Điều 544 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 544. Nghĩa vụ của bên đặt gia công
1. Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
2. Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
3. Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.
Để bên nhận gia công có thể thực hiện công việc theo đúng yêu cầu, bên đặt gia công có cá nghĩa vụ cụ thể như sau:
Thứ nhất, phải cung cấp nguyên vật liệu để bên nhận gia công thực hiện được nhiệm vụ của mình. Trong trường hợp này pháp luật đòi hỏi việc cung cấp phải đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Trong một số trường hợp có những sản phẩm mà nguyên liệu đầu vào cần phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì bên đặt gia công phải cung cấp.
Ví dụ: bên đặt gia công đồ gỗ như các bức tượng phải cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu gỗ. Tuy nhiên, điều luật nên bổ sung thêm nghĩa vụ bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguyên vật liệu đã cung cấp cho bên nhận gia công.
Thứ hai, do sản phẩm được bên nhận gia công tạo ra theo yêu cầu của bên đặt gia công do đó nếu bên đặt gia công có những chỉ dẫn cụ thể thì sản phẩm được tạo ra sẽ đúng theo ý muốn của bên đặt gia công, đặc biệt là các sản phẩm mang tính kỹ thuật hoặc nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bên nhận gia công cũng cần phải có sự chỉ dẫn của bên đặt gia công nhất là các sản phẩm đã được tạo ra theo khuôn mẫu hoặc theo kỹ năng nghề nghiệp của bên nhận gia công và bên đặt gia công không có yêu cầu quá chi tiết về sản phẩm phải theo ý mình.
Thứ ba, do hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ và có tính chất đền bù vì vậy nghĩa vụ trả tiền công cho bên nhận gia công là nghĩa vụ buộc phải thực hiện theo đúng thỏa thuận.
==> Như vậy, việc cung cấp guyên liệu sẽ thuộc về nghĩa vụ của bên đặt gia công.
2. Bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không?
Hợp đồng gia công xuất phát từ nhu cầu muốn có được sản phẩm như ý của bên đặt gia công. Do đó bên đặt gia công có các quyền sau: Theo Bộ luật dân sự 2015
Điều 545. Quyền của bên đặt gia công
1. Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
3. Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Thứ nhất, được nhận sản phẩm theo đúng những gì đã thỏa thuận. Các bên không thỏa thuận về thời hạn và địa điểm nhận sản phẩm gia công thì áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết.
Thứ hai, được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Sự vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của bên nhận gia công là những vi phạm khiến cho bên đặt gia công không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
Thứ ba, được hủy hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận.
==> Như vậy, trong trường hợp bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng khiến cho bên đặt gia công không đặt được mục đích của việc giao kết hợp đồng thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
3. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
Lợi ích lớn nhất mà bên nhận gia công hướng tới trong quan hệ hợp đồng gia công đó là “tiền công”, để đạt được lợi ích này pháp luật đòi hỏi bên nhận gia công phải có các nghĩa vụ được quy định tại Điều 546 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 546. Nghĩa vụ của bên nhận gia công
1. Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp.
2. Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
3. Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
4. Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
5. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
6. Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
Thứ nhất, phải bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp. Do bên nhận gia công thực hiện hợp đồng trên cơ sở nguyên vật liệu của bên đặt gia công do đó, nếu nguyên vật liệu hỏng thì mục đích của hợp đồng sẽ không đạt được và bên đặt gia công sẽ bị thiệt hại về vật chất dẫn đến nghĩa vụ bồi thường của bên nhận gia công. Vì vậy, bên nhận gia công bảo quản nguyên vật liệu là việc làm phù hợp với đạo lý và thỏa thuận của các bên.
Thứ hai, nguyên vật liệu không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến không thể thực hiện được công việc được giao do đó bên nhận gia công có trách nhiệm báo cho bên đặt gia công để thay thế bằng nguyên vật liệu khác.
Trong một số trường hợp bên đặt gia công yêu cầu tạo ra những sản phẩm gây bất lợi và nguy hại cho xã hội thì việc bên nhận gia công tạo ra sản phẩm cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Vì vậy, bên nhận gia công phải có nghĩa vụ từ chối việc thực hiện. Ví dụ: Bên đặt gia công yêu cầu bên nhận gia công thực hiện tác phẩm điêu khắc có tính đồi trụy, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam hoặc xuyên tạc lịch sử của Việt Nam...
Thứ ba, bên nhận gia công có nghĩa vụ giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng theo thỏa thuận. Theo lẽ thường quyền và lợi ích của bên này sẽ là lợi ích của bên kia, do đó việc bên nhận gia công giao sản phẩm là để thỏa mãn quyền của bên đặt gia công.
Thứ tư, bên nhận gia công có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
Thứ năm, bên nhận gia công có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì bên nhận gia công là bên tạo ra sản phẩm.
Thứ sáu, nguyên vật liệu là tài sản của bên đặt gia công vì vậy nếu còn thừa thì bên nhận gia công có trách nhiệm hoàn trả là phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế bên nhận gia công thường là bên làm việc có tính chuyên nghiệp do đó họ có thể tận dụng nguyên liệu gia công để tạo ra sản phẩm cho mục đích khác. Mặt khác, không chỉ có trường hợp hoàn thành hợp đồng, một số trường hợp khác chấm dứt hợp đồng thì bên nhận gia công cũng có nghĩa vụ hoàn trả nguyên vật liệu.
4. Bên nhận gia công có cần thiết phải giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra không?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 546 Bộ luật dân sự 2015 thì nghĩa vụ của bên đặt gia công là "Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra."
Tuy nhiên, đa số các trường hợp gia công là trên cơ sở kinh nghiệm, bí quyết nghề nghiệp và công nghệ của bên nhận gia công. Do đó trừ trường hợp bên đặt gia công có yêu cầu phải giữ bí mật về thông tin, mẫu mã, kiểu dáng... của sản phẩm để đảm bảo bí mật kinh doanh thì bên đặt gia công mới phải tuân theo. Các trường hợp còn lại thì bên nhận gia công có quyền công bố và giới thiệu sản phẩm gia công của mình. Ví dụ: Người thợ cắt may hay đóng giày có quyền giới thiệu và trưng bày sản phẩm của mình.
5. Bên nhận gia công có quyền từ chối chỉ dẫn của bên đặt gia công không?
Bên nhận gia công có trách nhiệm tạo ra sản phẩm đúng theo yêu cầu của bên đặt gia công vì vậy bên nhận gia công sẽ có các quyền nhất định. Quyền của bên nhận gia công được quy định tại Điều 547 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 547. Quyền của bên nhận gia công
1. Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
2. Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
3. Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.
Thứ nhất, yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu theo đúng thỏa thuận. Việc khoản 1 của Điều luật quy định liệt kê số lượng, chất lượng, thời hạn, địa điểm giao nguyên vật liệu là không cần thiết vì việc giao như thế nào nên để các bên thỏa thuận.
Thứ hai, được quyền từ chối chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công. Điều này là hợp lý vì việc gia công phụ thuộc vào tay nghề, dây chuyền công nghệ của bên nhận gia công, do đó các chỉ dẫn không hợp lý có thể dẫn đến tạo ra sản phẩm không như ý.
Thứ ba, yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận. Bên nhận gia công đã bỏ công sức để tạo ra sản phẩm vì vậy họ được quyền nhận đủ tiền công. Điều này là phù hợp với đạo lý thông thường trong cuộc sống. Tiền công thường được xác định dựa trên các yếu tố: độ phức tạp của công việc gia công; thời gian thực hiện công việc gia công; công sức bỏ ra để tạo ra sản phẩm; uy tín, tay nghề, danh tiếng của bên gia công...
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.
Trân trọng./.