1. Giao, nhận sản phẩm gia công trong hợp đồng gia công

Theo quy định tại Điều 549 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 549. Giao, nhận sản phẩm gia công

Bên nhận gia công phải giao sản phẩm và bên đặt gia công phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận.

Giao, nhận sản phẩm gia công là hành vi thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng gia công của bên nhận gia công và bên đặt giao công. Đây là quy định thể hiện rõ nghĩa vụ luật định cho các bên trong hợp đồng gia công, cụ thể:

- Bên nhận gia công phải giao sản phẩm đủng theo thời hạn, tại địa điểm đã thỏa thuận;

- Bên gia công phải nhận sản phẩm đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận.

2. Nếu bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì sao?

Khoản 1 Điều 550 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm gia công như sau:

Điều 550. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công

1. Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

....

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều khoản chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công dựa theo sự kế thừa toàn bộ quy định của Bộ luật dân sự trước đây. Với sự thỏa thuận xác định thời hạn hoặc không thỏa thuận về thời hạn nhưng sau đó đã được một trong hai bên thông báo trước về khoảng thời hạn yêu cầu thực hiện nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng gia công, các bên sẽ phải thực hiện đúng với sự thỏa thuận hoặc thông báo trước về thời gian hợp lý đó của một bên. Tuy nhiên, việc thực hiện đúng nghĩa vụ của mình không phải lúc nào cũng diễn ra theo mong đợi của các bên. Do đó, trong hợp đồng gia công, Bộ luật dân sự vẫn phải ghi nhận nguyên tắc xác định trách nhiệm khi một trong các bên vi phạm thời hạn để bảo đảm quyền và lợi ích kịp thời cho bên kia, theo đó:

- Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm, bên đặt gia công có thể: Gia hạn; hết thời hạn gia hạn mà bên gia công vẫn không hoàn thành thì bên đặt gia công có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thực hiện nguyên tắc tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015: “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực". Nên, trước khi chấm dứt hợp đồng, luật định bên gia công có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian cho bên đặt gia công để bên này thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Khi hết khoảng thời gian gia hạn, bên gia công không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên đặt gia công mới có quyền chấm dứt hợp đồng bằng việc đơn phương và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

3. Bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm gia công

Khoản 2 Điều 550 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm như sau:

Điều 550. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công

....

2. Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.

- Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.

Thuật ngữ “có thể” xuất hiện trong quy định trên cần được hiểu theo hướng: Khi bên đặt gia công không nhận sản phẩm đúng hạn, bên gia công có quyền gửi hoặc không gửi sản phẩm đó tại nơi gửi giữ. Dù gửi hay không gửi thì nghĩa vụ của bên gia công vẫn chỉ được coi là hoàn tất khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận (ban đầu). Và:

+ Nếu bên gia công gửi vào nơi gửi giữ thì phải thông báo cho bên đặt gia công biết việc sản phẩm gia công đã được đưa vào nơi gửi giữ;

+ Nếu bên gia công không gửi vào nơi gửi giữ thì phải được xác định là bên nhận gia công tiếp tục trông giữ, bảo quản (tương tự như bên nhận gửi giữ) sản phẩm gia công trong thời hạn quá hạn.

Còn bên đặt gia công buộc phải thanh toán chi phí phát sinh từ việc gửi giữ cả trong hai trường hợp trên. Có như vậy, quy định về chậm nhận sản phẩm mới đảm bảo được tính răn đe cho sự vi phạm của bên đặt gia công.

4. Trách nhiệm chịu rủi ro trong hợp đồng gia công

Rủi ro về tài sản được hiểu là những tổn thất xảy đến với chính tài sản có thể xuất hiện do khách quan hoặc tiềm ẩn ngay trong nội tại của tài sản đó. Trong hợp đồng gia công, Bộ luật dân sự dự liệu điều luật quy định trách nhiệm chịu rủi ro. Ý nghĩa của quy định này nhằm xác định chủ thể nào phải chịu trách nhiệm khi những rủi ro xảy đến đối với tài sản - vật được gia công.

Điều 548 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 548. Trách nhiệm chịu rủi ro

Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

....

- Từ thời điểm giao kết hợp đồng, các bên đều thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình cho đến khi giao sản phẩm gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nguyên tắc xác định trách nhiệm chịu rủi ro trong giai đoạn này bắt nguồn từ nguyên tắc chung tại khoản 1 Điều 162 Bộ luật dân sự năm 2015: “Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình... ”.

Như vậy, tính chất của quy định thứ nhất về trách nhiệm chịu rủi ro này của Bộ luật dân sự 2015 cũng là phù hợp nhưng điều quan trọng nhất, người tham gia quan hệ hợp đồng gia công phải lưu tâm tới là “sự thỏa thuận chuyển trách nhiệm chịu rủi ro". Đặc biệt, khi bên thuê gia công đồng thời là bên chuyển giao nguyên vật liệu. Vì nếu không có thỏa thuận khác, nguyên tắc giúp xác định ai là chủ sở hữu nguyên vật liệu phải chịu trách nhiệm nếu có thiệt hại, tổn thất xảy ra đối với nguyên vật liệu và sản phẩm tạo thành. Và như vậy, trách nhiệm của bên giữ nguyên vật liệu, sản phẩm được tạo thành sẽ được loại trừ nếu không có thỏa thuận khác.

5. Trách nhiệm chịu rủi ro trong trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ giao, nhận sản phẩm gia công

Điều 548 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 548. Trách nhiệm chịu rủi ro

....

Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

Theo đó,

- Khi bên đặt gia công vi phạm quy định về thời hạn - chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Khoản 2 Điều 550 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thế gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải bảo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ". Như vậy, khi bên đặt gia công vi phạm nghĩa vụ về thời hạn thì bên nhận gia công ngoài việc tuân thủ đủ các điều kiện đã thỏa thuận khi đặt gia công còn phát sinh nghĩa vụ nữa là: gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ. Bên đặt gia công lúc này phải chịu trách nhiệm trả chi phí phát sinh từ việc gửi giữ cho bên thứ ba (nhận trông giữ). Nếu bên đặt gia công nhận tài sản đúng thời gian thì có thể rủi ro đã không xảy ra, do vậy bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm.

- Khi bên nhận gia công vi phạm quy định về thời hạn - chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

Ở đoạn này, điều luật dự liệu rằng khi bên gia công chậm giao mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

Ví dụ: A đặt gia công một bộ bàn ghế, B là bên nhận gia công, nguyên nhiên vật liệu là do bên A cung cấp. Hai bên thỏa thuận thời hạn gia công là 1 thàng từ ngày 20/10/2020 đến ngày 20/11/2020 là ngày giao nhận tài sản.

- Trường hợp 1: Ngày 30/10/2020 nhà B xảy ra hỏa hoạn, tất cả nguyên nhiên vật liệu bị cháy hết. Nguyên nhân do chập điện, sự cố ngoài ý muốn. Trong trường hợp này thì A là chủ sở hữu của số nguyê vật liệu này nên sẽ phải chịu rủi ro.

- Trường hợp hai: Đến ngày 20/11/2020, A đến nhà B để nhận bộ bàn ghế nhưng A đo vắng. Tối hôm 20/11/202, nhà B xảy ra hỏa hoạn. Trong trường hợp này B là người vi phạm nghĩa vụ giao sản phẩm nên rủi ro do bên B chịu.

- Trường hợp 3: Đến ngày 20/11/2020, A có việc nên không thể đến nhận sản phẩm tại nhà B. Đêm đó, nhà B xảy ra hỏa hoạn. Trong trường hợp này do A chậm nhận sản phẩm gia công nên A phải chịu rủi ro.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.