Mục lục bài viết
- 1. Thẩm quyền của Trọng tài và Toà án trong giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế
- 1.1. Thẩm quyền của Trọng tài
- 1.2. Thẩm quyền của Toà án
- 2. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế
- 2.1. Đối với phương thức Trọng tài
- 2.2. Đối với phương thức Toà án
- 3. Quy định của pháp luật về thi hành phán quyết của Trọng tài và Toà án
1. Thẩm quyền của Trọng tài và Toà án trong giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế
1.1. Thẩm quyền của Trọng tài
Thẩm quyền của Trọng tài là giới hạn những vụ việc được pháp luật quy định thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan trọng tài.
Thẩm quyền của Trọng tài xuất phát từ sự thỏa thuận của các bên tranh chấp: Nhìn chung, trọng tài các nước trên thế giới có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp phát sinh từ những quan hệ xã hội được thiết lập trên cơ sở bình đẳng và thỏa thuận giữa các bên. Sự thỏa thuận Trọng tài của các bên chính là điều kiện để Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Các bên sẽ thỏa thuận về việc đưa ra trọng tài tất cả hoặc những tranh chấp nhất định đã phát sinh, hoặc có thể phát sinh giữa các bên trong một quan hệ pháp lý nhất định, dù có hay không có quan hệ hợp đồng. Thỏa thuận này có thể nằm trong một điều ước quốc tế được ký kết từ trước giữa các quốc gia, quy định tranh chấp hoặc các tranh chấp phát sinh giữa họ sẽ được giải quyết bằng trọng tài. Thỏa thuận cũng có thể là một văn bản được ký kết riêng biệt giữa các bên về việc đem một tranh chấp cụ thể đã phát sinh ra giải quyết bằng trọng tài. Trong lĩnh vực hàng hải sẽ có một số hợp đồng hàng hải như hợp đồng thuê tàu, các thỏa thuận trọng tài thường được thể hiện dưới hợp đồng mẫu theo Luật Mẫu về Trọng tài TMQT của UBLHQ về LTMQT 1985.
Giá trị pháp lý của thỏa thuận trọng tài được xem xét giống như khi xem xét giá trị pháp lý của một điều ước quốc tế. Trong trường hợp có tranh chấp về giá trị pháp lý của thảo thuận trọng tài hay thẩm quyền của trọng tài thì chính trọng tài là người có quyền giải quyết.
Vì mục đích này, Điều khoản trọng tài trở thành bộ phận của hợp đồng sẽ được coi là thoả thuận độc lập với các Điều khoản khác của hợp đồng. Quyết định của ủy ban Trọng tài về hợp đồng bị vô hiệu không làm cho Điều khoản trọng tài bị vô hiệu theo. Bên cạnh đó, Ủy ban trọng tài có thể quyết định về đơn yêu cầu về việc ủy ban Trọng tài không có thẩm quyền như là vấn đề mở đầu hoặc giải quyết tại phán quyết về nội dung tranh chấp.
Ngoài ra, Uỷ ban trọng tài còn có thẩm quyền ra các biện pháp tạm thời. Trừ khi các bên có thoả thuận khác, ủy ban Trọng tài có thể theo yêu cầu của một bên buộc bất kỳ bên nào phải tiến hành biện pháp bảo vệ tạm thời khi ủy ban Trọng tài thấy cần thiết đối với nội dung tranh chấp. Ủy ban Trọng tài có thể yêu cầu bất kỳ phía nào đưa ra sự bảo đảm thích hợp về biện pháp trên.
1.2. Thẩm quyền của Toà án
Khác với thẩm quyền của Trọng tài là được xác lập trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng giữa các bên tranh chấp, thẩm quyền của Tòa án đối với các tranh chấp hàng hải được xác định rộng hơn. Theo đó, quyền tài phán của Tòa án được xác định dựa trên pháp luật quốc gia, trên cơ sở tự nguyện định đoạt của các bên trong hợp đồng, và trên các Công ước quốc tế có liên quan đến tranh chấp mà Quốc gia đó là thành viên của Công ước. Các Điều ước quốc tế đó phải đảm bảo các điều kiện: Đang có hiệu lực, có sự tham gia hoặc thừa nhận của quốc gia có tòa án do các đương sự lựa chọn, hoặc trên cơ sở tự thỏa thuận thống nhất giao tranh chấp cho tòa án giải quyết của các bên đương sự được quy định trong hợp đồng, một số Điều ước quốc tế có liên quan đến quyền tài phán của Tòa án trong tranh chấp hàng hải như: Công ước quốc tế về các quy tắc có liên quan đến quyền tài phán dân sự trong đâm va tàu biển được ký kết giữa các quốc gia năm 1952, dự thảo Công ước quốc tế về thống nhất các quy tắc chung liên quan đến quyền tài phán dân sự, chọn luật, công nhận và thi hành các bản án trong các vụ đâm va năm 1977, Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu năm 1992, Công ước quốc tế về bắt giữ tàu biển năm 1999
Theo quy định của các Công ước, Tòa án của một quốc gia chỉ có quyền xét xử đối với một vụ tranh chấp hàng hải cụ thể nếu quốc gia đó là thành viên của Công ước, trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác: Thỏa thuận khác ở đây ví dụ như các bên đương sự đã có thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết trước tòa án nước khác ngoài các tòa án quy định trong Công ước về vụ việc đó, hoặc các bên đã lựa chọn Trọng tài để giải quyết thì không thể áp dụng theo những quy định về quyền tài phán của Tòa án theo Công ước quốc tế có liên quan.
Như vậy, tóm gọn lại, muốn kiện tới tòa án (tòa thương mại nằm trong hệ thống tòa dân sự hoặc có nước có tòa hàng hải riêng) nước nào phải căn cứ vào luật quốc gia nếu quốc gia có quy định chẳng hạn như quy định về xung đột thẩm quyền của Tòa án; căn cứ vào hợp đồng hay văn bản thỏa thuận của các bên, vào Điều ước quốc tế có liên quan đang có hiệu lực tương ứng giữa các nước.
(Tuy nhiên luật pháp tố tụng của nhiều nước vẫn ưu tiên Tòa án nước mình có quyền xét xử các tranh chấp hàng hải và quyền áp dụng luật nước mình, mặc dù các bên đương sự đã lựa chọn một tòa án nước khác và áp dụng luật nước đó để giải quyết)
2. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp hàng hải quốc tế
2.1. Đối với phương thức Trọng tài
Thoả thuận trọng tài có thể dưới hình thức Điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Như vậy, điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là phải có thỏa thuận trọng tài (Điều 7 Luật mẫu về Trọng tài TMQT của UB LHQ 1985). Điều 8 Luật mẫu về Trọng tài TMQT của UB LHQ 1985: Trước khi việc kiện về vấn đề đối tượng của thỏa thuận được đưa ra, nếu một bên yêu cầu không muộn hơn thời gian khi nộp bản tường trình đầu tiên của mình về nội dung tranh chấp, toà án sẽ chuyển các bên cho trọng tài trừ khi toà án thấy rằng thoả thuận đó là vô hiệu và không có hiệu lực, không tiến hành được và không có khả năng thực hiện. Nếu việc đi kiện được nêu tại khoản 1 Điều này đã đưa ra, tố tụng trọng tài vẫn có thể được bắt đầu và tiếp tục và phán quyết có thể được tuyên trong khi vấn đề đó sẽ tạm đình chỉ trước toà.
Tranh chấp giữa các bên có thể được giải quyết tại Hội đồng trọng tài do trung tâm trọng tài tổ chức hoặc tại Hội đồng trọng tài do các bên thành lập. Giải quyết theo hình thức nào do các bên thỏa thuận. Điều 5 Công ước về Luật biển 1982 quy định về Thủ tục như sau: “Trừ khi các bên có thoả thuận khác, Toà trọng tài tự quy định thủ tục của mình bằng cách cho mỗi bên có khả năng bảo vệ các quyền của mình và trình bày căn cứ của mình.”
Đơn kiện và thụ lý đơn kiện: Nguyên đơn phải gửi đơn kiện đến trung tâm trọng tài mà các bên đã thỏa thuận lựa chọn (trong trường hợp giải quyết bằng trung tâm trọng tài). Trong quá trình tố tụng các bên có thể bổ sung, sửa đổi đơn kiện. Căn cứ theo Điều 30 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định về đơn kiện như sau: Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Đơn khởi kiện được quy định tại điều 7 Quy tắc tố tụng trọng tài:
Điều 7. Đơn khởi kiện:
“1. Một bên muốn khởi kiện ra Trung tâm phải gửi Đơn khởi kiện tới Trung tâm.
2. Đơn khởi kiện phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên;
c) Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
d) Cơ sở khởi kiện;
đ) Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khởi kiện khác của Nguyên đơn;
e) Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 hoặc Điều 13 của Quy tắc này;
g) Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân.
3. Kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan.
4. Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan phải được gửi đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy tắc này.”
Một trong những nội dung quan trọng của đơn kiện là nguyên đơn chỉ ra cụ thể thông tin về người được nguyên đơn chọn làm trọng tài viên. Cùng theo đơn kiện các bên cần gửi theo bản thỏa thuận trọng tài, đây là tài liệu quan trọng để trung tâm trọng tài đánh giá tranh chấp có được thụ lý hay không.” Điều 8 Quy tắc tố tụng trọng tài : Trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Trung tâm nhận được Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài theo quy định tại Điều 35 của Quy tắc này. Trung tâm gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan. Thời hiệu khởi kiện theo tố tụng trọng tài là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ. Bản tự bảo vệ phải có các nội dung được quy định tại điều 9 Quy tắc tố tụng trọng tài.
Còn trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan. Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên. Thành lập trọng tài vụ việc được quy định tại điều 41 Luật trọng tài thương mại và được hướng dẫn bởi điều 8 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán
2.2. Đối với phương thức Toà án
Khi so sánh với giải quyết tranh chấp của tòa án, thủ tục xét xử bao gồm 2 phần: thủ tục viết và thủ tục nói (Điều 43 Quy chế tòa án quốc tế 1945): Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa sơ thẩm gồm có khởi kiện, thụ lý vụ án, hòa giải và chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa. Thủ tục xét xử phúc thẩm nếu có kháng cáo. Thủ tục xét xử lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: bao gồm thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Còn đối với thủ tục giải quyết trọng tài thương mại theo quy định Luật trọng tài thương mại 2010 gồm 6 bước: Đơn kiện và thụ lý đơn kiện; tự bảo vệ của bị đơn; Thành lập hội đồng trọng tài; Chuẩn bị giải quyết vụ việc Sau khi hội đồng trọng tài được thành lập trành chấp thương mại sẽ chính thức được chuẩn bị giải quyết; Hòa giải; Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp và quyết định trọng tài.
3. Quy định của pháp luật về thi hành phán quyết của Trọng tài và Toà án
Phán quyết của Tòa trọng tài được thông qua theo đa số. Trong trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết được lập theo ý kiến của chủ tịch hội đồng trọng tài.
Về nội dung, phán quyết trọng tài chỉ giới hạn trong phạm vi nội dung của vụ tranh chấp và phải nêu rõ căn cứ mà trọng tài dựa vào để đưa ra phán quyết.
Về hình thức, phán quyết của Tòa trọng tài phải nêu tên các thành viên của Tòa đã tham gia giải quyết và thời gian ra quyết định. Bất kỳ thành viên nào của Tòa cũng có thể đính kèm vào phán quyết ý kiến riêng hoặc bất đồng của mình.
Về nguyên tắc, phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, không được kháng cáo, trừ khi các bên có thỏa thuận về thủ tục này. Điều này được thể hiện trong Quy tắc UNCITRAL : “ Quyết định của trọng tài phải được lập thành văn bản và là chung thẩm và ràng buộc các bên. Các bên cam kết thi hành quyết định trọng tài không chậm trễ”. Hay Quy tắc ICC ghi nhận “ mọi quyết định trọng tài sẽ ràng buộc các bên. khi đưa tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài theo Quy tắc này, các bên cam kết thi hành mọi quyết định trọng tài không chậm trễ và phải được xem như đã từ bỏ quyền kháng cáo của mình dưới bất kì hình thức nào trong phạm vi mà việc từ bỏ đó có giá trị pháp lý”. Từ những điều trên có thể thấy phán quyết của Trọng tài mang tính chung thẩm. Điều này là một ưu điểm so với việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án. Bởi lẽ, trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, quyết định cuối cùng của Hội đồng xét xử còn có thể bị kháng cáo, kháng nghị lên Tòa án cấp trên. Tòa án có nhiều cấp xét xử, từ sơ thẩm đến phúc thẩm, trong một số trường hợp còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc xét xử qua nhiều cấp như vậy trong phương thức Tòa án cũng tạo nên một hạn chế về việc kéo dài thời gian xét xử, thời gian thi hành án. Vì vậy việc lựa chọn Trọng tài để giải quyết tranh chấp sẽ giúp bớt gây căng thẳng về tinh thần và tốn kém về chi phí, thời gian cho các bên.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về các vấn đề pháp lý liên quan của phương thức Trọng tài và Toà án trong giải quyết tranh chấp hàng hải. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập