>> Luật sư tư vấn luật dân sự về mua hàng trả chậm, gọi:1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của các chủ thể về việc sử dụng các vật như: điện thoại, xe máy, nhà cửa, chung cư,.. mà nguồn kinh phí chưa có đủ; lúc này để thực hiện việc mua bán thì các chủ thể sẽ thường hướng tới nhiều hình thức mua hàng đơn giản, thủ tục nhanh chóng như mua trả góp, vay tiền tín dụng để mua tài sản, mua trả chậm, trả dần. Từ trước đến nay, nhu cầu mua bán trả góp càng trở nên phổ biến và tất yếu trong hoạt động kinh doanh, chính vì vậy rất dễ để bắt gặp các biển quảng cáo mua hàng trả góp từ chiếc điện thoại, xe máy, nhà đất,... và hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đều áp dụng hình thức mua hàng trả góp thông qua các đơn vị cho vay tín chấp để đảm bảo có thể thu hồi được nợ.

Tuy nhiên đây là một hình thức rất phổ biển hiện nay nhưng trên thực tế rất ít người dân có thể hiểu rõ về các loại hình mua trả góp và vay tiền tín dụng theo dạng tín chấp để mua tài sản hay gọi theo các đơn giản hơn là việc trả chậm, trả dần là như thế nào? Bài viết sau đây sẽ đi sâu vào phân tích vụ việc liên quan đến trả chậm, trả dần dựa theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu dưới đây:

 

1. Trả chậm là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khái niệm về trả chậm được xác định là hình thức mua bán trong đó người mua chỉ trả tiền mua sau thời gian nhất định tính từ khi nhận hàng. Bên cạnh đó thì tại Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rất rõ ràng và cụ thể về việc mua trả chậm, trả dần tại Điều 453 như sau:

"1. Các bên có thể thỏa thuận về việc mua trả chậm hoặc trả dần tiền trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác"

Như vậy, có thể thấy việc mua trả chậm là việc mà bên mua đã nhận tài sản mua bán và phải thanh toán tiền mua sau một thời gian nhất định mà thường được xác định trong khoảng thời gian cố định như 06 tháng, 12 tháng và có thể kéo dài hơn. Mặt khác thì quy định về việc mua trả dần được biết đến đối với trường hợp bên mua được nhận tài sản mua bán và phải thanh toán tiền mua tài sản thành nhiều lần trong một thời hạn nhất định. Khi mua bán trả chậm, trả dần thì bên bán có quyền bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản mua trả chậm, trả dần. Bên mua có quyền sở hữu đối với tài sản mua bán sau khi thanh toán đủ tiền mua.

Trả dần hay còn được gọi là trả góp được xem là một trong những phương thức mua bán mà các kỳ trả nợ gốc và lãi trùng nhau. Trong quá trình trả dân thì số tiền trả nợ của mỗi kỳ là bằng nhau theo thỏa thuận có giao kết trong hợp đồng và số lãi được tính dựa trên số dư nợ gốc và thời hạn thực tế của kỳ hạn trả nợ, tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng tài chính trả trước và khả năng tài chính trả định kỳ.

Thông thường những mặt hàng này tài sản có giá trị lớn thì áp dụng trong việc mua bán với hình thức trả chậm hoặc trả dần trong trường hợp bên mua gặp khó khăn về kinh tế nên không thể thanh toán tiền mua ngay khi nhận tài sản mà hai bên có thỏa thuận về thời hạn trả dần số tiền mua đối với phần tài sản đó. Thời hạn mà các bên thỏa thuận về việc trả dần, trả chậm đối với tài sản đã được thực hiện giao dịch mua bán có thể kéo dài trong vài năm hoặc vài tháng theo sự lựa chọn của các bên tùy thuộc vào phần tài sản được mua trả chậm, trả dần mà các bên đã giao kết trong hợp đồng. Để bảo đảm nghĩa vụ và quyền của các bên được thực hiện một cách nghiêm túc thì việc giao kết này phải được các bên thực hiện bằng việc giao kết hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần; theo đó thì trong hợp đồng này phải lập thành văn theo như quy định của pháp luật hiện hành và phải ghi rõ nội dung quy định về thời hạn và phương thức thanh toán.

 

 2. Quy định của pháp luật về mua trả chậm, trả dần

Pháp luật Việt Nam quy định về mua trả chậm, trả dần tại Điều 453 Bộ luật Dân sự năm 2015. Hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần là một dạng hợp đồng mua bán tài sản được giao kết với điều kiện bảo lưu, trì hoãn quyền sở hữu của bên bán đối với tài sản đã bán.

Quyền sở hữu của bên bán được bảo lưu cho đến khi bên mua thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ thanh toán. Sau khi hợp đồng được giao kết, bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Sự khác biệt giữa mua trả chậm và mua trả dần:

Cả hai hình thức mua bán trên là một dạng mua bán tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015, bên cạnh những đặc điểm của một hợp đồng mua bán tài sản, hai hình thức này có những điểm khác biệt sau:

+ Về mua trả chậm:

Trả chậm là hình thức mua bán trong đó người mua chỉ trả tiền mua sau thời hạn nhất định tính từ khi nhận hàng. Với phương thức thanh toán của mua trả chậm là thanh toán một lần nhưng không phải thanh toán ngay. Theo phương thức này, bên mua sẽ trả toàn bộ tiền cho bên bán một thời gian nhất định sau khi giao kết hợp đồng mua và nhận tài sản.

+ Về mua trả dần:

Mua trả dần là trường hợp bên mua được nhận tài sản và phải thanh toán tiền mua tài sản thành nhiều lần trong một thời hạn nhất định. Với hợp đồng này, bên mua không trả toàn bộ số tiền mua tài sản một lần mà trả thành nhiều lần với số lần trả và số tiền trả trong một lần theo sự thỏa thuận của các bên.

- Lãi suất của hợp đồng mua bán tài sản trả chậm hoặc trả dần:

Hiện nay, đối với hợp đồng mua bán tài sản trả chậm hoặc trả dần, pháp luật không quy định cụ thể về mức lãi suất được áp dụng, do đó các bên có thể tự thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời nếu trong hợp đồng không quy định mức lãi suất thì việc tính lãi suất áp dụng tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

- Những lưu ý khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản trả chậm hoặc trả dần:

Khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản hoặc chậm trả chủ thể cần lưu ý các vấn đề sau:

+ Về hình thức: Hợp đồng mua trả chậm, trả dần phải được lập thành văn bản. Quy định hình thức chặt chẽ cho hợp đồng mua bán tài sản trả chậm, trả dần để tránh trường hợp hợp đồng bị vô hiệu và xảy ra tranh chấp giữa các bên.

+ Về nội dung: Hợp đồng cần quy định rõ ràng về các nội dung của một hợp đồng cần có, trong đó chú trọng về phương thức thanh toán, thời hanh thanh toán, lãi suất, quyền và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, các bên cần phải thỏa thuận về hậu quả pháp lý khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán đối với bên bán, đây là một vấn đề cần chú ý trong hợp đồng.

 

3. Ví dụ về việc mua hàng trả chậm, trả dần

Trả góp là một phương thức tài trợ tiêu dùng được ưa chuộng với những mặt hàng có giá trị lớn như nhà cửa, ô tô và thiết bị gia dụng. Các bên cho vay cũng ưu tiên trả góp hơn vì nó cung cấp một dòng tiền ổn định cho họ.

Rất ít người đủ khả năng mua một ngôi nhà chỉ trong một lần thanh toán. Do đó, một khoản vay trả góp được phát hành sẽ là một giải pháp hữu hiệu. Các khoản cho vay mua nhà thường được cấu trúc với lịch thanh toán 15 hoặc 30 năm. Do đó, người đi vay có thể trả nợ ổn định trong suốt thời gian của khoản vay. Điều này giúp việc mua nhà trở nên dễ dàng và hợp lý hơn.

Ngược lại, một chiếc điện thoại có giá 15 triệu có thể được phần lớn mọi người trả hết trong một năm. Người mua có thể làm giảm các khoản thanh toán hàng tháng bằng cách trả trước 5 triệu. Trong trường hợp này, giả sử lãi suất là 8%, các khoản thanh toán hàng tháng bằng nhau trong một năm sẽ là khoảng 870 nghìn. Điều đó có nghĩa là tổng chi phí lãi trong một năm là khoảng 440 nghìn. Mặt khác, nếu người mua không có đủ nguồn lực để trả trước thì khoản thanh toán hàng tháng sẽ là 1,3 triệu. Tổng chi phí lãi trong trường hợp này sẽ cao hơn một chút ở mức 600 nghìn. Có nhiều hình thức trả góp trên thị trường nhưng nhìn chung ta sẽ bắt gặp 2 hình thức phổ biến nhất, đó là hình thức vay trả góp 0 đồng và vay trả góp 0% lãi suất.

Ví dụ: Công ty X chuyên kinh doanh điện thoại. Ngày 21/10/2021, Công ty X bán 1 chiếc điện thoại Iphone 8 theo hình thức trả góp cho ông N với giá trả góp là 25.000.000 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng 10%). Khách hàng trả ngay 10.000.000 đồng tiền mặt, số tiền còn lại sẽ trả định kỳ hàng tháng bằng TGNH trong thời gian 5 tháng. Giá bán trả ngay là 23.000.000 đồng, giá vốn của điện thoại Iphone 8 xuất bán là 17.000.000 đồng/chiếc.

Ví dụ: A mua một chiếc xe máy của Công ty B với hình thức là mua trả dần trong thời hạn 12 tháng. Chiếc xe có giá 50 triệu đồng, mỗi tháng A phải trả cho Công ty B số tiền là 4.166.000 đồng. Khi nào A hoàn tất việc thanh toán cho bên B thì bên B sẽ cung cấp giấy tờ cho Bên A làm thủ tục sang tên xe.

Nếu có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến của Công ty luật Minh Khuê qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!