1. Mức trợ cấp cho người chăm sóc người khuyết tật

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng.

Đồng thời, điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về mức trợ cấp cho người chăm sóc người khuyết tật như sau:

Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hằng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

- Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:

+ Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;

+ Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;

Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;

Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi mới được hỗ trợ khoản kinh phí này.

Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP). Cụ thể, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hằng tháng như sau:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi 01 con dưới 36 tháng tuổi: 540.000 đồng/tháng.

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi 01 con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi 02 con dưới 36 tháng tuổi trở lên: 720.000 đồng/tháng.

Như vậy, tùy trường hợp, mức trợ cấp cho người chăm sóc người khuyết tật có thể là 540.000 đồng/tháng hoặc 720.000 đồng/tháng.

Ngoài, kinh phí hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật, hộ gia đình, cá nhân chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi còn được:

- Hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

- Ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác.

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật

Theo Điều 25 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cơ sở chăm sóc người khuyết tật được cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.

- Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;

- Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc người khuyết tật đáp ứng quy định tại Điều 26 Nghị định 28/2012/NĐ-CP:

+ Có sức khỏe để thực hiện chăm sóc người khuyết tật.

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.

+ Có kỹ năng để chăm sóc người khuyết tật.

- Trường hợp cơ sở chăm sóc người khuyết tật có nuôi dưỡng người khuyết tật thì ngoài các điều kiện quy định này còn phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng quy định của Chính phủ đối với cơ sở bảo trợ xã hội.

3. Trách nhiệm của người chăm sóc người khuyết tật

Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi đủ điều kiện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội phải bảo đảm điều kiện và trách nhiệm sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự trọn vẹn và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Có sức khoẻ, kinh nghiệm và kỹ năng chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi;

- Có nơi ở ổn định và nơi ở cho người khuyết tật, người cao tuổi;

- Có điều kiện kinh tế;

- Đang sống cùng chồng hoặc vợ thì chồng hoặc vợ phải bảo đảm điều kiện quy định tại điểm a và b khoản này.

Trường hợp không được tiếp tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật:

- Có hành vi đối xử tệ bạc đối với người cao tuổi, người khuyết tật;

- Lợi dụng việc nhận việc chăm sóc, nuôi dưỡng để trục lợi;

- Có tình trạng kinh tế hoặc lý do khác dẫn đến không còn bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, người khuyết tật;

- Vi phạm nghiêm trọng quyền của người được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

4. Thủ tục đề nghị hỗ trợ đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Tờ khai thông tin hộ gia đình có người khuyết tật (mẫu số 02);

- Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;

- Bản sao Sổ hộ khẩu;

- Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.

- Số lượng hồ sơ: 01 (một) bộ.

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra tính pháp lý và nội dung của hồ sơ:

- Nếu hồ sơ hợp lệ thì nhận hồ sơ và ra phiếu hẹn ngày trả kết quả.

- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung đầy đủ theo quy định.

Bước 3: Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội cấp xã thực hiện xét duyệt và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 07 ngày (trừ những thông tin về HIV của đối tượng).

+ Nếu có khiếu nại thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt kết luận và công khai về vấn đề khiếu nại cho đối tượng biết.

+ Nếu không có khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt bổ sung biên bản họp kết luận của Hội đồng xét duyệt vào hồ sơ của đối tượng, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bước 4: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

Lưu ý:

+ Khi đến nhận kết quả nhớ mang theo phiếu hẹn trả kết quả.

+ Thời gian tiếp nhận và trả kết quả: Buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần (hoặc sáng thứ Bảy đối với những địa phương có tổ chức làm việc vào sáng thứ Bảy hàng tuần) (trừ các ngày nghỉ theo quy định).

Xem thêm: Hồ sơ chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng gồm những gì?

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Mức trợ cấp cho người chăm sóc người khuyết tật  mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!