1. Định nghĩa về ngoại giao

Ngoại giao được hiểu là hoạt động chính thức cua các cơ quan quan hệ đối ngoại của nhà nước, bằng các biện pháp hoà bình, nhằm thực hiện những mục đích và nhiệm vụ đối ngoại cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước và công dân mình ở nước ngoài.

Sự xuất hiện nhà nước ở các khu vực khác nhau trên thế giới đã từng bước dẫn đến việc hình thành các mối quan hệ bang giao trong lịch sử phát triển của các quốc gia. Sự xuất hiện các mối quan hê ngoại giao dẫn đến nhu cầu phải có pháp luật để điéu chỉnh. Các chế định đầu tiên của luật ngoại giao là các chế định về sứ giả, hình thành từ thời cổ đại, được coi là manh nha của luật ngoại giao. Một trong những chế định cổ điển nhất của luật ngoại giao là chế định về bất khả xâm phạm đối với sứ giả nước ngoài, xuất hiện đầu tiên trong luật Manu của Ấn Độ cổ đại, luật của các dân tộc La Mã cổ đại, Hy Lạp cổ đại.

Về mặt lịch sử, quan hệ lãnh sự và chế định lãnh sự còn xuất hiện sớm hơn quan hệ ngoại giao. Quan hệ lãnh sự ngày nay là sản phẩm của sự phát triển lịch sử dài lâu mà cội nguổn của nó là những nhu cầu về quan hệ thương mại và hàng hải trọng các nhà nước cổ đại. Quan hệ lãnh sự và chế định lãnh sự mà tiền thân là chế định Paetor Peregrinus, xuất hiện vào thế kỷ thứ III TCN ở Hy Lạp cổ đại. Trải qua nhiều thời gian, với những tên gọi khác nhau chế định lãnh sự dần dần xuất hiện.

Cùng với sự phát triển và hoàn thiện chế định lãnh sự là sự hình thành và phát triển của pháp luật điều chỉnh các quan hệ lãnh sự: hình thành các tập quán quốc tế; xuất hiện pháp luật quốc gia về lãnh sự; các điều ước quốc tế đa phương và song phương được ký kết.

Vào thế kỷ XI - XVI, hầu như tất cả các nước châu Âu đều có lãnh sự thường trực của mình ở nước ngoài. Từ thế kỷ XV - XVIII bắt đầu xuất hiên các cơ quan đại diên ngoại giao thường trực ở nước ngoài. Kể từ đó, luật ngoại giao và lãnh sự bắt đầu có bước phát triển mới.

Luật ngoại giao và lãnh sự là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế nhằm điều chỉnh trình tự thiết lập quan hệ chính thức giữa các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế với nhau, trên cơ sở đó duy trì hoạt động chức năng của các cơ quan quan hệ đối ngoại của nhà nước để phục vụ sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của các nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế liên chính phủ.

2. Nguồn của luật ngoại giao và lãnh sự

Quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa các chủ thể luật quốc tế được duy tri và phát triển trên cơ sở các tập quán quốc tế và các văn kiện pháp lý quốc tế sau:

- Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao;

- Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự;

- Công ước Viên năm 1969 về phái đoàn đặc biệt;

- Công ước Viên năm 1975 về cơ quan đại diện của quốc gia tại các tổ chức quốc tế phổ cập;

- Công ước Viên năm 1973 về ngăn ngừa và trừng trị tội phạm chống những cá nhân được hưởng sự bảo hộ quốc tế;

- Công ước năm 1980 về quy chế pháp lý, các quyền ưu đãi và miễn trừ của các tổ chức liên chính phủ.

Trong quan hệ của Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, có 2 công ước chính:

- Công ước năm 1946 về quyền ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc;

- Công ước năm 1947 về quyền ưu đãi và miễn trừ của các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.

Ngoài các điều ước quốc tế đa phương phổ cập về quan hệ ngoại giao còn có các điều ước quốc tế song phương được ký kết giữa Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc với các quốc gia - nơi có trụ sở của các tổ chức này. Trong lĩnh vực lãnh sự có hàng trăm hiệp định song phương về lãnh sự được ký kết giữa các quốc gia.

Về phương diện quốc gia, hầu như các nước đều cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự. Nhà nước Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm về lĩnh vực này. Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh lãnh sự nằm 1990; Luật hải quan năm 2014; Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miền trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, Luật cơ quan đại diện nước Cộng hoà XHCN việt Nam ở nước ngoài năm 2009, sửa đổi năm 2017... Ngoài ra, còn có gần 20 hiệp định lãnh sự được ký kết giữa Việt Nam với các nước hữu quan.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)