1. Người được hưởng án treo có được đi làm không?

Thưa luật sư, tôi có đứa cháu bị kết án 1 năm tù về tội đánh bạc. Tuy nhiên do trước giờ chưa từng có tiền án tiền sự gì và thành khẩn khai báo, cháu tôi được tòa cho hưởng án treo với thời gian thử thách 2 năm. Vậy cho tôi hỏi trong thời gian được cải tạo tại địa phương, cháu có được đi làm công ty như bình thường không? Xin cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 thì trong thời gian thử thách, tòa án giao người phạm tội được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục.

Hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định là một hình phạt bổ sung nếu tòa án xét thấy trường hợp người phạm tội tiếp tục làm công việc đó có thể sẽ lại một lần nữa gây hại cho xã hội và cho người khác.

Vì vậy, với trường hợp của cháu bạn, nếu tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì về nguyên tắc người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của mình...

 

2. Quy định về thời gian thử thách của án treo? 

Thưa luật sư, tôi muốn biết hiện nay pháp luật quy định như thế nào về thời gian thử thách của án treo? Nếu như ngày 3/4/2019 tôi được tòa sơ thẩm quyết định cho hưởng án treo và cho thời gian thử thách 5 năm thì bắt đầu tính thời gian thử thách là bắt đầu từ khi nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Thời gian thử thách của án treo là thời gian mà Tòa án ấn định để thử thách người bị kết án được hưởng án treo, nếu hết thời gian đó mà người bị kết án không phạm tội mới thì hình phạt tù mà Tòa án quyết định đối với người bị kết án sẽ không phải thi hành. Ngược lại, nếu trong thời gian đó người bị kết án lại phạm tội mới thì người bị kết án, ngoài việc phải chấp hành hình phạt đối với tội mới phạm, còn phải chấp hành hình phạt tù mà Tòa án đã cho họ hưởng án treo.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 thì thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo là từ một năm đến năm năm. Không được dưới một năm và không được quá năm năm. Nếu theo quy định này, thì người bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm, Tòa án có thể ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm mà không bị ràng buộc bởi tỷ lệ bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm tù thì bị thử thách bao nhiêu năm, mà có thể người phạm tội chỉ bị xử phạt 3 tháng tù nhưng có thể bị thử thách năm năm, ngược lại người phạm tội bị xử phạt 3 năm tù nhưng chỉ phải thử thách một năm. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, thông thường các Tòa án ấn định thời gian thử thách gấp đôi thời gian của hình phạt tù.

Theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được xác định như sau:

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Như vậy, với câu hỏi của bạn thì thời gian thử thách tính từ ngày tòa án tuyên án sơ thẩm, tức là ngày 03/04/2019.

 

3. Có được đi xuất khẩu lao động trong thời gian thử thách án treo?

Thưa luật sư, vừa rồi tôi có ăn trộm chiếc điện thoại của nhà hàng xóm và bị kiện ra tòa. Tòa xử tôi 8 tháng tù giam, nhưng tòa xem xét điều kiện của tôi và cho tôi hưởng án treo 8 tháng và 12 tháng thử thách kể từ ngày bị bắt 8/3/2018 cho đến nay liệu có thể đi xuất khẩu lao động được không ? Liệu đến nay là 2021 tôi đã được xoá án tích chưa? Tôi cảm ơn!

Trả lời

Căn cứ Điều 42 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

"Điều 42. Điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài

Người lao động được đi làm việc ở nước ngoài khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;

3. Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;

4. Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

5. Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động;

6. Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết;

7. Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Như vậy, theo như những thông tin mà bạn cung cấp thì bạn đã hưởng án treo từ ngày 08/03/2018, tính đến nay đã được 03 năm. Do vậy, nếu bạn đáp ứng đầy đủ những điều kiện để đi làm việc ở nước ngoài cũng như không thuộc các trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật thì bạn hoàn toàn có thể được đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo dự định của mình.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể như sau:

"2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo".

Như vậy, với trường hợp bị phạt án treo từ cách đây 03 năm của bạn, đến hiện tại bạn đã được xóa án tích, bởi thời hạn để xóa án tích trong trường hợp của bạn chỉ là 01 năm.

 

4. Công chức bị án treo có bị buộc thôi việc?

Thưa luật sư, tôi là công chức tư pháp - hộ tịch ở Xã, vừa rồi tôi có xô xát đánh nhau với đồng nghiệp nên bị khởi kiện ra tòa về tội cố ý gây thương tích và được hưởng án treo. Xin hỏi là nếu tôi bị án treo như vậy rồi thì tôi có bị kỷ luật thôi việc không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã phường thị trấn quy định các hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.

Tuy nhiên, hình thức lỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không giống nhau. Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức Văn phòng – thống kê gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc.

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

- Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;

- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng;

- Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan ý kiến có thẩm quyền;

- Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;

- Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.

Như vậy, theo Nghị định số 112/2011/NĐ-CP chỉ công chức bị phạt tù mà không được hưởng án treo mới bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.

Xét trường hợp cụ thể của bạn:

Theo thông tin bạn cung cấp, anh/chị bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, được Tòa án cho hưởng án treo. Đối chiếu với quy định pháp luật trên, bạn không thuộc trường hợp bị buộc thôi việc do “Bị phạt tù mà không được hưởng án treo“. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền sẽ không có quyền quyết định buộc thôi việc đối với bạn vì lý do đang hưởng án treo.

Thay vào đó, bạn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc cách chức, cụ thể:

- Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

- Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

 

5. Trong thời gian chấp hành án treo có bị đóng phí giám sát?

Thưa luật sư, con tôi được Tòa cho hưởng án treo 6 tháng với thời gian thử thách 1 năm. Xin hỏi thời gian xã giám sát quản lý thì con tôi có phải nộp lệ phí giám sát gì hay không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Tại Điều 87 Luật thi hành án hình sự năm 2019, có quy định về nghĩa vụ của người hưởng án treo như sau:

- Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này.

- Thực hiện nghiêm chỉnh cam kết trong việc tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc, học tập; chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp vì lý do khách quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

- Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

- Chấp hành quy định tại Điều 92 của Luật này.

- Phải có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

- Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình. Trường hợp vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 92 của Luật này thì khi hết thời hạn vắng mặt, người được hưởng án treo phải báo cáo về tình hình chấp hành nghĩa vụ của mình.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì không có quy định về việc trong thời gian chấp hành án treo, người thi hành án treo phải đóng phí cho cơ quan giám sát.