Mục lục bài viết
Căn cứ vào khoản 1 Điều 134 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Như vậy, việc quy định nêu trên nhằm bảo đảm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa việc xảy ra tai nạn lao động.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết hơn quy định pháp luật về vấn đề này như sau:
Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc là trách nhiệm của ai và được quy định như thế nào?
1. Quy định về đảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 thì An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động; Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động. Như vậy an toàn, vệ sinh lao động là tổng thể các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố gây nguy hiểm, bệnh tật nhằm bảo đảm không xảy ra tai nạn lao động, suy giảm sức khỏe của người lao động trong quá trình lao động.
- Trước hết phải khẳng định bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động được ghi nhận trong nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động của pháp luật về lao động. Tại Điều 132 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất, kinh doanh phải thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Ngoài ra đây cũng là một quyền của người lao động theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Lao động năm 2019. Pháp luật về lao động cũng quy định rất rõ về việc người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao đồng với người lao động trong đó có thông tin về an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2019.
- An toàn, vệ sinh lao động còn được thể hiện trong nội quy lao động của doanh nghiệp và là một nội dung chủ yếu trong nội quy lao động. Cụ thể việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc được quy định cho các chủ thể như sau:
+ Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
+ Người lao động có trách nhiệm chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Các nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động:
+ Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
+ Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động;
+ Tham vấn ý kiến của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.
2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Theo các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 thì người sử dụng lao động có các trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như sau:
- Các trách nhiệm chung của người sử dụng lao động về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động:
+ Người sử dụng lao động phải thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động; hướng dẫn quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người đến thăm, làm việc tại cơ sở của mình.
+ Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này. Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng theo quy định kể cả người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.
Lưu ý: Việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định.
+ Người sử dụng lao động có trách nhiệm căn cứ vào pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
- Các trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc:
+ Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là trách nhiệm đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh theo quy chuẩn tối thiểu theo quy định của pháp luật có liên quan.
Yếu tố không gian phải thông thoáng do không gian kín có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng chịu đựng áp lực của người lao động. Bụi, hơi, khí, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung là các yếu tố xuất phát từ môi trường hoặc xuất hiện do hoạt động sản xuất của người sử dụng lao động, việc đảm bảo tỷ lệ an toàn cho các yếu tố này có thể dẫn đến hậu quả đối với sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc.
Ví dụ: Người lao động làm việc tại các mỏ đá có thể mắc các bệnh về đường hô hấp nếu không được bảo đảm các điều kiện an toàn khi làm việc, ...
Yếu tố có hại, nguy hiểm khác là các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Trong đó mỗi một ngành nghề lại có một yếu tố có hại, nguy hiểm riêng nên pháp luật sẽ có quy định khác nhau để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động
Bảo đảm buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp và có sự phân chia nam nữ, vị trí phù hợp, đảm bảo an toàn theo quy định do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
+ Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động phải thực hiện bảo hành, kiểm tra thường xuyên về tiêu chuẩn trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, y tế đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên máy, thiết bị tại nơi làm việc nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Nếu vi phạm thì người sử dụng có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm
+ Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Ngoài các thiết bị thông thường để phục vụ cho hoạt động thực hiện công việc, người sử dụng lao động còn phải cung cấp cho người lao động các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện các công việc có yếu tố nguy hiểm, có hại và đảm bảo chất lượng các trang thiết bị này.
+ Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Việc tổ chức đánh giá các yếu tố nguy hiểm, quan trắc môi trường có sự tham gia của người sử dụng lao động, đại diện công đoàn tại cơ sở và một số cơ quan, tổ chức chuyên ngành. Hoạt động này nhằm phát hiện ra các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc để người sử dụng lao động trực tiếp khắc phục cũng như đánh gia khả năng đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động đối với nơi làm việc. Việc thực hiện này phải công khai, minh bạch và phải thông báo đến người lao động, do đây không phải hoạt động thanh tra mà chỉ là một biện pháp mang tính chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động.
+ Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đảm bảo các yếu tố cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Việc kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, nhà xưởng, nhà kho là một việc làm không thể thiếu. Do đây là những vật chất mà người lao động tiếp xúc liên tục tại nơi làm việc và các loại máy móc, thiết bị này thực chất đều có hạn sử dụng và có tính hao mòn theo thời gian. Nên việc định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, ... một mặt không chỉ để đảm bảo an toàn cho người lao động mà mặt khác cũng giúp cho tuổi thọ, hạn sử dụng của các thiết bị, máy móc này được kéo dài nên về lâu dài sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho người sử dụng lao động vì không phải thường xuyên chi tiêu mua sắm máy móc, thiết bị.
+ Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
Trong trường hợp này người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Do đó, chủ thể này cũng có trách nhiệm chỉ dẫn người lao động của mình và người có mặt tại nơi làm việc thực hiện đúng các quy định, cũng như đảm bảo họ biết được, hiểu đúng các quy định mà mình xây dựng dựa trên các quy định của pháp luật để từ đó sẽ có trách nhiệm thực hiện đúng những quy định đó. Các biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn phải được viết bằng tiếng Việt, ngôn từ mạch lạc không gây hiểu nhầm và phải đặt ở các vị trí phù hợp.
Ví dụ khi đi đường ta thấy các công trình xây dựng có các biển quy định về an toàn, vệ sinh lao động hay các biển cấm lửa tại nơi làm việc làm cây xăng, ...
+ Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động là các thông tin mang tính chất cảnh báo đối với người lao động.
Hướng dẫn quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người đến thăm, làm việc tại cơ sở của mình là các thông tin mang tính chất phát triển khả năng phòng tránh các nguy hiểm tại nơi làm việc.
+ Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.
Khi xảy ra sự cố, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xử lý sự có bao gồm các nội dung như ứng cứu người lao động, lực lượng ứng cứu, phương án ứng cứu, thời gian dự kiến ứng cứu tại nơi làm việc. Đồng thời người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo ngay đến cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý khi các nguy cơ này vượt quá khả năng của người sử dụng lao động.
Trên đây là bài tư vấn của Luật Minh Khuê, mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!