Để ràng buộc trách nhiệm và cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia vào quan hệ dân sự, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo đó bên có quyền được bồi thường là bên có thiệt hại thực tế phát sinh, và bên có trách nhiệm bồi thường là bên vi phạm nghĩa vụ và gây ra thiệt hại. Thực tế không chỉ các bên vi phạm nghĩa vụ trong các giao dịch dân sự mới phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mà ngay cả trong đời sống thường nhật, tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người cũng có nguy cơ cao bị thiệt hại do các hành vi cố ý hoặc vô ý của chủ thể khác. Do đó, quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra đời.

Vậy bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Căn cứ vào đâu để xác định thiệt hại? Nguyên tắc nào được áp dụng trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

 

1. Khái niệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Khi nghiên cứu về nội dung của Bộ luật dân sự, ta thấy cụm từ " bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng". Vậy "thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Tại sao không gọi chung là thiệt hại?

Trước hết cần hiểu thiệt hại ngoài hợp đồng là những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần, thậm chí là sức khỏe và tính mạng của một đối tượng bởi tác động của một đối tượng khác. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng (tức nằm ngoài những thỏa thuận sẵn có, thường là những thiệt hại phát sinh bất ngờ), có thể xảy ra ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào, có thể do lỗi cố ý hoặc vô ý từ người gây ra thiệt hại. Thiệt hại ngoài hợp đồng là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Ví dụ: A đang đi trên đường nhưng do không chú ý quan sát đã gây tai nạn cho B, khiến B bị gãy tay. Như vậy, thiệt hại của B là thiệt hại về sức khỏe, đây là một loại thiệt hại ngoài hợp đồng. Giữa A và B không có thỏa thuận nào trước về thiệt hại này. Tuy nhiên A là người gây ra thiệt hại cho B nên A vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

2. Căn cứ xác định thiệt hại

Pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành phân chia thiệt hại ngoài hợp đồng thành bốn loại thiệt hại chính bao gồm: thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sức khỏe, thiệt hại về tính mạng, và thiệt hại về tinh thần, danh dự, nhân phẩm.

 

2.1 Thiệt hại về tài sản

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

- Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2.2. Thiệt hại về sức khỏe

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

2.3. Thiệt hại về tính mạng

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

2.4. Thiệt hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm

Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Việc bồi thường thiệt hại phải tuân thủ các quy tắc sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ví dụ: A đánh B gãy tay, để lại di chứng khiến B không thể làm những công việc nặng nhọc sau này. Mặc dù tại thời điểm bị thương B vẫn chưa có công việc, nhưng B vẫn yêu cầu A phải bồi thường thu nhập bị mất cho mình. Trong trường hợp này, A có quyền từ chối chi trả khoản bồi thường trên. Vì khoản thu nhập bị mất mà B nói không có thực.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Ví dụ: Xe của A đỗ bên đường và tuân thủ quy định về an toàn giao thông đường bộ, B phóng nhanh vượt ẩu, không chú ý đã tự đâm vào xe của A với lực tác động mạnh, dẫn đến gãy chân. Trong trường hợp này, A không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho B do A không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Ví dụ: A đang vận chuyển một chiếc tủ kính lớn trên đường bằng xe máy nhưng không có biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản. Sau đó chiếc tủ vước vào tay lái của một chiếc xe máy để bên lề đường và rơi xuống đất vỡ toàn bộ. Trường hợp này A có thể không được chủ chiếc xe bồi thường vì lý do A không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

 

4. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi cá nhân được căn cứ vào năng lực hành vi dân sự, được xác định chủ yếu thông qua độ tuổi và khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của cá nhân đó. Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.