Điều đáng nói là, nếu chính quyền và người dân không đạt được sự đồng thuận thì doanh nghiệp lại là đối tượng chịu thiệt hại.
>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số: 1900.6162
Liệu có... cảm tính ?
Bà Nguyễn Thị Gắng - người dân xóm 3, thôn Cổ Phục khăng khăng khẳng định:“Người dân yêu cầu nhà máy thép Thái Hưng dừng hoạt động. Mấy bữa nay chúng tôi ốm đau bệnh tật chỉ vì cái nhà máy thép đó. Có người còn phải đi bệnh viện cấp cứu vì hít khói bụi. Nhà máy này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến đời sống của chúng tôi...”. Đồng tình với ý kiến của bà Gắng, ông Phạm Văn Hường cũng ở xóm 3 nói: “Nhà máy thép Thái Hưng trước đây sản xuất da giày, nhưng sau đó chuyển đổi thành nhà máy sản xuất phôi thép vuông. Đây là việc làm nhân dân chúng tôi không đồng tình, vì nhà máy thép trong tương lai sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”.
Tuy nhiên, theo một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Hải Dương, thì: Việc người dân thôn Cổ Phục khiếu nại đến các cơ quan chức năng chúng tôi ủng hộ. Nhưng về trình tự thì người dân cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người dân có quyền làm đơn kèm nhưng theo đó là các chứng cứ chứng minh được nhà máy này gây ô nhiễm. Sau đó gửi tới các cơ quan chức năng (căn cứ Điều 126 Luật bảo vệ môi trường năm 2005). Mặt khác, cơ quan chức năng đã hai lần đo quan trắc tại nhà máy. Kết luận các lần quan trắc này đã chỉ rõ “đa phần các thông số đối với môi trường không khí xung quanh vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Hơn nữa, nhà máy mới vận hành chạy thử trong thời gian quá ngắn, vì thế kiến nghị của một số bà có thể vẫn là nhận định theo cảm tính”.
Còn đại diện cho chính quyền xã Kim Lương thì phân trần: “Việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương trước hết là trách nhiệm của xã, sau là trách nhiệm của tất cả các cơ quan có liên quan. Để xảy ra tình trạng người dân tụ tập trước cổng nhà máy vừa qua là vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương. Vì từ trước tới giờ người dân nơi đây cũng thật thà chất phác, họ chỉ biết làm ăn thôi, chẳng qua họ bị kích động nhất thời nên mới như vậy”.
Nếu cứ theo những phát biểu trên, thì có thể thấy giữa quan điểm của người dân và cơ quan chính quyền vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Và đó thực sự là thách thức với khả năng hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng.
Cần gì để nhà máy hoạt động ?
Về nội dung kiến nghị của một số người dân xóm 3, thôn Cổ Phục, xã Kim Lương rằng, họ chỉ “ủng hộ nhà máy trước đây hoạt động trong lĩnh vực da giày, không ủng hộ Nhà máy sản xuất phôi thép vuông hiện tại”, ngày 20/7/2009, Sở KH-ĐT đã có Báo cáo số 1318/BC - KHĐT - TĐĐT trả lời những thắc mắc người dân theo yêu cầu của UBND tỉnh. Nội dung báo cáo thể hiện: “Căn cứ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ trương của tỉnh lúc này là hạn chế thu hút các DA đầu tư về may mặc, da giày vào một số huyện. Do đã bão hoà về tuyển dụng công nhân ngành da giày, và trên cơ sở hồ sơ DA đã chỉnh sửa của nhà máy thép Thái Hưng thuộc Cty CP B.C.H. UBND tỉnh hoàn toàn chấp thuận nhà máy sản xuất phôi thép Thái Hưng được hoạt động theo đúng trình tự và các quy định của Nhà nước”. Như vậy, các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, đến môi trường đều được nhà máy thép Thái Hưng tiến hành đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - GĐ nhà máy thép Thái Hưng cho biết: “Sau suốt 6 tháng bị dừng hoạt động nhà máy rơi vào cảnh dở khó, dở cười. Lãi suất ngân hàng vẫn phải trả, rồi tính lương cho công nhân và nhiều chi phí khác. Trung bình, một ngày ước tính thiệt hại của nhà máy lên tới 300 triệu VND. Trước đây, nhà máy thu hút lực lượng lao động khá lớn tại địa phương. Nhưng giờ, sau những gì đã xảy ra, chúng tôi cần cân nhắc kỹ việc tuyển chọn công nhân do phải tính đến sự an toàn của nhà máy. Điều này DN không muốn nhưng thật không còn cách nào khác. Bản thân DN vẫn còn chưa hết lo lắng về sự hoạt động trở lại này”.
Hiện nay, DN đang rất lo ngại về an toàn khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động vì vẫn còn hiện tượng một số nhóm người thỉnh thoảng tụ tập ném đá vào cổng của nhà máy. Thiết nghĩ cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sát sao với việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ DN tối đa về vấn đề an ninh nhằm sớm đưa DN đi vào ổn định để sản xuất.
Quan điểm của người dân và cơ quan chính quyền vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Đó thực sự là thách thức với khả năng hoạt động của nhà máy thép Thái Hưng. Thiết nghĩ cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sát sao với việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nhằm sớm đưa DN đi vào ổn định để sản xuất.
Hoàng Xuân - Nguồn DDDN