1. Các ngạch Thẩm tra viên

Thẩm tra viên là một trong những người tiến hành tố tụng, là công chức chuyên môn của Tòa án đã làm Thư ký Tòa án từ 05 năm trở lên, được đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên và bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên.

Thẩm tra viên có các ngạch: Thẩm tra viên; Thẩm tra viên chính; Thẩm tra viên cao cấp. Tiêu chuẩn, điều kiện và việc thi nâng ngạch Thẩm tra viên do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.

Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương có các ngạch Thẩm tra viên: Thẩm tra viên; Thẩm tra viên chính; Thẩm tra viên cao cấp.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự khu vực có các ngạch Thẩm tra viên: Thẩm tra viên; Thẩm tra viên chính.

2. Thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm tra viên

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên tại Tòa án nhân dân tối cao và bổ nhiệm vào ngạch Thẩm tra viên cao cấp tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương.

Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương.

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính tại Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương bổ nhiệm vào các ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính tại Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.

3. Thẩm tra viên cao cấp

Căn cứ theo Quyết định 1718//QĐ-TANDTC ngày 22 tháng 11 năm 2017 quy định về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện và thủ tục thi nâng ngạch Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:

Thẩm tra viên cao cấp chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cao nhất về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự trung ương.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Thẩm tra viên cao cấp:

  • Nắm vững và am hiểu sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hệ thống chính trị; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển của Tòa án nhân dân;
  • Nắm vững và am hiểu hệ thống các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên; tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
  • Chủ trì xây dựng các quy trình nghiệp vụ thẩm tra viên gắn với yêu cầu nhiệm vụ của Tòa án nhân dân để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
  • Chủ trì nghiên cứu, xây dựng các đề án, đề tài, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
  • Thành thạo và làm chủ các kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn được giao;
  • Có năng lực phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các phương pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân;
  • Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực thi công vụ theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;
  • Có năng lực thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

  • Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên;
  • Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị;
  • Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

4. Thẩm tra viên chính

Là chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cao về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân các cấp.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

  • Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
  • Nắm vững hệ thống các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên;
  • Có kỹ năng soạn thảo, thuyết trình, bảo vệ và tổ chức thực hiện để xây dựng và triển khai các dự án, đề án, chương trình liên quan đến công tác nghiệp vụ chuyên môn được giao;
  • Có năng lực tổng hợp, hệ thống hóa và đề xuất được các giải pháp để hoàn thiện hoặc giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo sự phân công của Chánh án Tòa án;
  • Có năng lực tham gia nghiên cứu, xây dựng các đề án, đề tài, văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
  • Có năng lực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;
  • Có năng lực thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

  • Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên;
  • Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

5. Thẩm tra viên

Là chức danh tư pháp có yêu cầu chuyên môn cơ bản về nghiệp vụ Thẩm tra viên, được bố trí tại Tòa án nhân dân các cấp.

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:

  • Nắm vững các quy định của pháp luật về nghiệp vụ Thẩm tra viên, quy trình tố tụng; tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân;
  • Có kỹ năng soạn thảo văn bản tố tụng và các văn bản khác theo đúng thể thức, quy trình, thủ tục và thẩm quyền;
  • Có năng lực làm việc độc lập hoặc phối hợp theo nhóm để triển khai công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
  • Có năng lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ được giao.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

  • Có bằng tốt nghiệp Cử nhân luật trở lên;
  • Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
  • Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên theo BLTTHS 2015

Thẩm tra viên là chức danh tố tụng mới và được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Theo Điều 48 Bộ luật tố tụng hinh sự 2015 Những nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm tra viên là: Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án; kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm tra với Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án; giúp Chánh án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án.

Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chánh án, Phó Chánh án Tòa án về hành vi của mình.

7. Những trường hợp thay đổi Thẩm tra viên trong tố tụng hình sự

Do giữ vai trò là người tiến hành tố tụng nên các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 49; Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng được áp dụng đối với Thẩm tra viên; đối tượng mới được coi là người tiến hành tố tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo Điều 49, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Thẩm tra viên sẽ phải từ chối hoặc bị thay đổi trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, thẩm tra viên đồng thời là bị hại; đương sự; người đại diện; người thân thích của bị hại; đương sự; hoặc của bị can; bị cáo. Theo đó, Điểm e; Điều 4; Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về người thân thích như sau: Người thân thích là người có quan hệ với người tham gia tố tụng; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ; chồng; bố đẻ; mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.

Thứ hai, đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

Thứ ba, có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Các căn cứ đó có thể là trong các trường hợp (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế…) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định thẩm tra viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Bị can, bị cáo là anh em kết nghĩa với thẩm tra viên; Thẩm tra viên là con rể của bị cáo; người bị hại là Thủ trưởng cơ quan, nơi vợ của Thẩm tra viên làm việc… mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế.

LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)