>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900 6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Căn cứ pháp lý xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án hình sự.

Căn cứ pháp lý xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án hình sự có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Điều 106 Hiến pháp năm 2015 quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Ngoài ra, Điều 28, Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, theo đó:

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, căn cứ cụ thể để xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án hình sự là Điều Điều 2 Luật Thi hành án hình sự 2019.

 

2. Những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án hình sự

Trên cơ sở kế thừa nội dung còn phù hợp, đồng thời để bảo đảm phù hợp với quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 2 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định bản án, quyết định được thi hành như sau:

- Bản án, quyết định của Tồa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.

- Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

- Quyết định của Tòa án tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành; quyết định của Tòa án chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài.

- Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại trường giáo dưỡng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra đôì với pháp nhân thương mại thuộc thẩm quyền của Cơ quan thi hành án hình sự.

 

3. Bản án hình sự có hiệu lực pháp luật khi nào?

Bản án có hiệu lực pháp luật hay án có hiệu lực pháp luật là cách nói trong thực tiễn áp dụng pháp luật về vụ án hình sự đã được Tòa án xét xử và quyết định bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Trong tố tụng hình sự, các trường hợp sau, bản án được coi là có hiệu lực pháp luật:

Thứ nhất: Theo Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm

Trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nhưng trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Thứ hai: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực từ thời điểm ra quyết định. (Khoản 2 Điều 355, Khoản 2 Điều 361 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Thứ ba, Theo khoản 1 Điều 395 thì quyết định của hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định

Như vậy, nếu là án sơ thẩm thì bản án có hiệu lực khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có ai kháng cáo, kháng nghị bản án đã ban hành. Đối với án phúc thẩm thì bản án sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Và đối với bản án, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật tại thời điểm ra quyết định.

Ví dụ: Tại phiên tòa sơ thẩm số 09/2021/HS-ST ngày 23 tháng 2 năm 2021, Tòa án nhân dân Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu tuyên bị cáo Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản theo Khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ông Nguyễn Văn A được quyền kháng cáo trong 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án.

Do đó, hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án, Ông A không kháng cáo thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và được thi hành.

 

4. Bản án, quyết định của toà án chưa có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay

Theo Điều 363 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015:

Điều 363. Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay

Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.

Hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên tòa.

Về nguyên tắc, việc thi hành án chỉ được thực hiện đối với bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để bảo đảm quyền lợi cho bị cáo, bản án, quyết định của toà án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay, cho dù sau đó vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Đó là trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam. Trong trường hợp này, hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định trả tự do ngay cho bị cáo tại phiên toà sau khi tuyên án.

Hình phạt cảnh cáo cũng được thi hành ngay tại phiên toà. 

>> Tham khảo: Quy định về tái hoà nhập cộng đồng trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019

 

5. Quyết định của Tòa án Việt Nam tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Theo quy định tại Điều 6, chương 2 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC quy định về điều kiện tiếp nhận người đang thi hành án phạt tù:

Điều 6. Điều kiện tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù

Người đang chấp hành án phạt tù ở nước chuyển giao chỉ có thể được tiếp nhận về Việt Nam để tiếp tục chấp hành phần hình phạt tù còn lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Là công dân Việt Nam;

2. Có nơi thường trú cuối cùng ở Việt Nam;

3. Hành vi phạm tội mà người đó bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam;

4. Vào thời điểm tiếp nhận yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là 01 (một) năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này còn ít nhất là 06 (sáu) tháng;

5. Bản án đối với người được đề nghị chuyển giao về Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó tại nước chuyển giao;

6. Nước chuyển giao và người bị kết án đều đồng ý với việc chuyển giao. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó;

7. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam có quyết định đồng ý tiếp nhận đã có hiệu lực pháp luật.

Quyết định tiếp nhận, từ chối tiếp nhận có hiệu lực pháp luật bao gồm : Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm. Trường hợp quyết định đồng ý tiếp nhận, trong thời hạn năm (05) ngày, kể từ ngày nhận được quyết định tiếp nhận có hiệu lực pháp luật, Chánh án Tòa án đã ra quyết định sơ thẩm ra các quyết định sau đây: Quyết định thi hành quyết định tiếp nhận; Quyết định tiếp tục thi hành án phạt tù tại Việt Nam;

Về việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho người nước ngoài, Theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật tương trợ tư pháp 2007, người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam có thể được chuyển giao cho nước ngoài để thi hành hình phạt tù khi có các điều kiện sau đây:

a) Là công dân của nước tiếp nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn hoặc có người thân thích tại nước tiếp nhận chuyển giao;

b) Có đủ các điều kiện quy định tại các điểm c, d, đ, e, g khoản 1 Điều này và đã thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự, hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu tài sản và các trách nhiệm pháp lý khác trong bản án;

c) Có sự đồng ý của nước tiếp nhận chuyển giao.

Quyết định chuyển giao có hiệu lực pháp luật bao gồm: Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.

Nhằm đề cao tinh thần Hiến pháp và pháp Luật và mục đích nhân đạo, tạo thuận lợi cho người đang chấp hành án phạt tù cơ hội được tiếp tục chấp hành phần hình phạt tù còn lại tại nước mà họ mang quốc tịch hoặc nước khác đồng ý tiếp nhận. Việc tiếp nhận, chuyển giao ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” nhưng không được trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

5. Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự 2019 thì bản án, quyết định được thi hành bao gồm:

“Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại trường giáo dưỡng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra đối với pháp nhân thương mại thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự”.

Theo đó, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này buộc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc người đang chấp hành án mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình phải điều trị tại cơ sở chữa bệnh bắt buộc theo quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát. Thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng để giáo dục theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Buộc khôi phục lại trình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra đối với pháp nhân thương mại là điểm mới của Luật tố tụng hình sự 2019 so với luật Tố tụng hình sự 2010. Phù hợp với quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định các biện pháp tư pháp đôì với pháp nhân thương mại phạm tội, do đó Luật Thi hành án hình sự 2019 đã quy định thêm các biện pháp này.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.