Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:

- Hiệp định thương mại giữa chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào

( Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào).

 

1. Mục tiêu và nguyên tắc Hiệp định 

Mục tiêu Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào

Hiệp định thương mại này giúp tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, thúc đẩy tiếp cận thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và tạo sự kết nối phát triển ổn định, bền vững và lâu dài giữa hai nước.

Nguyên tắc Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào

- Hiệp định Thương mại này tạo hành lang pháp lý cho quan hệ thương mại hai nước phù hợp với các luật, quy định và chính sách tương ứng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi, phát huy hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào.

- Hiệp định Thương mại này hướng tới việc tạo thuận lợi tối đa trong việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa hai Bên và là Hiệp định khung đặt ra định hướng cho các hoạt động thương mại dịch vụ có liên quan.

- Với Hiệp định này, hai Bên ký kết cam kết dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ.

2. Nội dung tiếp cận thị trường của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Làoa

Thương mại hàng hóa

- Hai Bên ký kết sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa có xuất xứ từ mỗi nước đáp ứng các điều kiện quy định tại Form S phù hợp với Thỏa thuận về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào, ngoại trừ các mặt hàng được nêu tại các Phụ lục của Hiệp định. Các Phụ lục này được tự động gia nạn trừ khi có thông báo của một Bên ký kết.

- Danh mục hàng hóa thuộc các Phụ lục (1a, 2a, 1b, 2b và 3) của Hiệp định này sẽ được phân loại theo Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN AHTN 2012.

- Các Bên ký kết sẽ không áp dụng các biện pháp phi thuế quan không phù hợp với quy định của WTO đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ phía Bên kia.

- Mỗi Bên dành quy chế đối xử quốc gia đối với hàng hóa của Bên kia phù hợp với Điều III của GATT 1994.

- Các Bên ký kết sẽ không ban hành hoặc duy trì bất kỳ hình thức trợ cấp xuất khẩu nào trừ khi phù hợp với các nghĩa vụ WTO.

Thương mại dịch vụ

- Nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của thương mại dịch vụ đối với sự tăng trưởng và phát triển của cả hai nước và có tính đến các mức độ khác nhau của sự phát triển kinh tế của hai nước, mỗi Bên sẽ giảm dần hoặc loại bỏ các biện pháp hạn chế hiện có đối với các dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của Bên ký kết kia phù hợp với các nhu cầu tài chính và thương mại của mình.

- Theo yêu cầu cụ thể của một trong hai bên, các Bên ký kết có thể, thông qua tham vấn, thúc đẩy tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các Bên.

3.  Tạo thuận lợi hóa thương mại theo Hiệp định 

Thủ tục hải quan

- Hai Bên ký kết đảm bảo rằng thủ tục hải quan có thể dự báo được, ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại thông qua việc đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của mỗi nước.

- Cơ quan hải quan của cả hai Bên định kỳ rà soát để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm thúc đẩy thương mại song phương.

- Nhằm mục đích quản lý rủi ro, việc thông quan nhanh chóng sẽ được áp dụng đối với hàng hóa có rủi ro thấp và kiểm tra hải quan sẽ được tập trung vào các mặt hàng có rủi ro cao.

- Hai Bên ký kết nhất trí tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hải quan và kiểm tra sau thông quan và phối hợp trong việc thu thập số liệu thống kê hải quan.

- Hai Bên ký kết thống nhất thực hiện mô hình “một cửa, một lần dừng” cho thông quan hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen Sa Vẳn và xem xét nhân rộng mô hình tại tất cả các cặp cửa khẩu quốc tế có đủ điều kiện trong thời gian sớm nhất.

Thanh toán và chuyển khoản

- Mọi khoản thanh toán liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa hai nước được thực hiện bằng đồng nội tệ của mỗi nước hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi, phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối hiện hành của mỗi nước và các thỏa thuận về thanh toán giữa hai nước.

- Mọi giao dịch thanh toán phải tuân thủ các quy định pháp luật và quy chế liên quan của mỗi nước.

- Hai Bên ký kết thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại của Việt Nam và Lào ở hai nước hoạt động nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

4. Nội dung thương mại biên giới của Hiệp định 

Hiệp định Thưong mại biên giới

- Nhằm tăng cường hoạt động thương mại biên giới và cải thiện mức sống của người dân của cả hai nước và góp phần tăng cường thương mại song phương, hai Bên ký kết sẽ thảo luận, thống nhất và ký một Hiệp định trong năm 2015 để tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại biên giới và trao đổi hàng hóa trong khu vực biên giới.

- Ưu đãi thuế nhập khẩu cho đường và các mặt hàng khác phía Lào yêu cầu sẽ được xem xét, thể hiện trong Hiệp định Thương mại biên giới.

Hợp tác phòng chống buôn lậu

Hai Bên ký kết phối hợp trong việc chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch công tác chung và hợp tác trong công tác chống buôn lậu, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới hai nước.

5. Nội dung xúc tiến thương mại của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào

Hợp tác xúc tiến thương mại

- Hai Bên ký kết sẽ tăng cường hợp tác trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như các hội chợ, triển lãm, hội thảo, kết nối kinh doanh va trao đổi kinh nghiệm xúc tiến thương mại.

- Hai Bên ký kết sẽ thường xuyên trao đổi thông tin kinh tế và thương mại, tham vấn lẫn nhau về các biện pháp và chính sách để thúc đẩy thương mại phù hợp với pháp luật, lợi ích chung của cả hai nước và các quy định pháp lý quốc tế.

Ứng dụng thương mại điện tử

Hai Bên ký kết tăng cường công bố thông tin và hướng dẫn sử dụng, phát triển thương mại điện tử và có những nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

6. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Lào

Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào

Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2021/NĐ-CP về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào từ ngày 4/10/2020 đến ngày 4/10/2023.

Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào ban hành kèm theo Nghị định này gồm:

Phụ lục I - Danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào.

Phụ lục II - Danh mục hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào.

Phụ lục III - Danh mục hàng hóa được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hằng năm theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào.

Hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%

Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào, trừ hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% nếu đáp ứng các điều kiện sau:

1. Được nhập khẩu từ CHDCND Lào vào Việt Nam;

2. Đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam-Lào và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của nước CHDCND Lào cấp theo quy định.

Hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA

Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu từ CHDCND Lào thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 50% thuế suất ATIGA quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 156/2017/NĐ-CP về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2018-2022 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) nếu đáp ứng các điều kiện quy định.

Trong trường hợp thuế suất ATIGA cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP  ngày 1/9/2016 của Chính phủ về bBiểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế suất tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (Biểu thuế MFN) và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có), thì áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 50% thuế suất quy định tại Biểu thuế MFN.

Nghị định cũng nêu rõ, hàng hóa thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này sẽ không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).