Khách hàng: Em xin chào luật sư ạ, mong luật sư có thể giải đáp câu hỏi này cho em ạ, xin hỏi:  phạm vi áp dụng của hình phạt tiền theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổi sung năm 2017) so sánh, đánh giá cũng như Luật sư có nhận xét như thế nào về phạm vi áp dụng hình phạt, trình tự thủ tục của hình phạt tiền của Bộ luật hình sự của năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổi sung năm 2017)? Bộ luật hình sự hiện nay còn có những vướng mắc, khó khăn nào khi áp dụng hình phạt này không?

Em kính mong nhận được sự phản hồi của luật sư ạ.

Người gửi : Nguyễn Thị Phương Anh!

 

Trả lời:

Cơ sở pháp lý cần được sử dụng trong bài viết:

Bộ luật hình sự (năm 1999)

Bộ luật hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổi sung năm 2017))

 

 

1. Phạm vi áp dụng 

Phạm vi áp dụng hình phạt tiền chung được quy định tại điều 35 của bộ luật hình sự 2015 (Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổi sung năm 2017))

"Điều 35: Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định;

b) Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

3. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

4. Hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định tại Điều 77 của Bộ luật này."

Và tại điều 77 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổi sung năm 2017)

"Điều 77: Phạt tiền

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

2. Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng."

 

2. Sự khác nhau về hình phạt tiền giữa hai Bộ luật

Như vậy, hình phạt tiền được coi là một hình phạt chính trong bộ luật hình sự 2015 và phạm vi áp dụng hình phạt tiền là đối với người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuối nếu người đó có tiền hoặc có tài sản riêng; người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng trong một số trường hợp được nêu trong bộ luật hình sự 2015 và người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng,…, ngoài ra phạt tiền còn là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hay với pháp nhân thương mại phạm tội.

Và tại bộ luật hình sự 2015 đã mở rộng nêu rõ phạm vi áp dụng hình phạt tiền hơn so với bộ luật hình sự của năm 1999. Chẳng hạn như bổ sung thêm người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng trong một số trường hợp được bộ luật quy định và trường hợp phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

 

3. Nhận xet về điều kiện áp dụng hình phạt tiền theo pháp luật hình sự hiện hành

Thứ nhất, về loại tội phạm có thể được áp dụng hình phạt tiền

Khi áp dụng là hình phạt chính: hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng thuộc các nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội khác do BLHS quy định. Do đó, khi xét xử Tòa án có thể quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tất cả các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng mà trong điều luật có quy định hình phạt chính là hình phạt tiền; đồng thời có thể áp dụng đối với một số nhóm tội rất nghiêm trọng thuộc nhóm danh về kinh tế, môi trường, trật tự an toàn công cộng... Tòa án không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (nhóm tội có mức án trên 15 năm tù, chung thân hoặc tử hình).

Khi áp dụng là hình phạt bổ sung: hình phạt tiền chỉ được áp dụng đối với nhóm tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Bộ luật hình sự quy định.

Theo quy định của Bộ luật hình sự (Điều 32) thì chủ thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ bị áp dụng một loại hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số loại hình phạt bổ sung. Như vậy, khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính thì không áp dụng là hình phạt bổ sung, còn khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung thì có thể áp dụng kèm với hình phạt chính và các hình phạt bổ sung khác như quản chế; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; trục xuất; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản...

Thứ hai, về khả năng tài chính và điều kiện kinh tế của chủ thể thực hiện tội phạm.

Đối với cá nhân thực hiện tội phạm: khả năng tài chính của cá nhân chính là các tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người phạm tội, các giấy tờ chứng minh quyền tài sản của họ mà chứng minh được với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về khả năng thi hành án được nếu bị áp dụng hình phạt tiền. Việc chứng minh khả năng tài chính của cá nhân thực hiện hành vi phạm tội phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, khách quan trong quá trình thực hiện chính sách quản lý tài sản của công dân của Nhà nước ta. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn vấn đề này ở phần trình tự thủ tục chứng minh điều kiện áp dụng hình phạt tiền ở dưới đây.

Đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm thì việc chứng minh khả năng tài chính dễ dàng hơn nhiều so với chủ thể thực hiện tội phạm là cá nhân. Thông qua toàn bộ hóa đơn chứng từ đầu vào đầu ra, sổ sách kế toán, tài sản của doanh nghiệp, dư nợ chưa thu hồi được... các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ chứng mình được điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Một trong những yếu tố các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải lưu tâm trong quá trình áp dụng hình phạt tiền đó chính là “yếu tố biến động giá cả thị trường”, đây có thể nói là một căn cứ linh hoạt để những người tiến hành tố tụng có thể vận dụng linh hoạt, hợp tình, hợp lý đối với việc ấn định mức hình phạt tiền cụ thể đối với những người phạm tội.

 

4. Nhận xét trình tự thủ tục thu thập chứng cứ chứng minh áp dụng hình phạt tiền

Theo Bộ luật hình sự quy định khi quyết định hình phạt áp dụng hình phạt là hình phạt tiền thì Tòa án phải căn cứ vào điều kiện, khả năng tài chính của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, làm rõ các vấn đề liên quan trong vụ án hình sự (Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự). Theo đó, các vấn đề về điều kiện áp dụng hình phạt tiền cũng cần được các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Ngay từ giai đoạn điều tra việc chứng minh các điều kiện, khả năng tài chính của người phạm tội đã được Điều tra viên quan tâm thu thập chứng cứ bằng cách hỏi người phạm tội, người thân thích của họ để xác định họ có tài sản riêng không; xác minh chính quyền địa phương về nghề nghiệp, nguồn thu nhập hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, việc chứng minh khả năng tài chính của người phạm tội thường gặp nhiều khó khăn và chỉ mang tính chất tương đối. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: từ phía người phạm tội họ luôn có tâm  lý né tránh việc mình có tài sản để tránh việc phải thi hành án, chỉ khi nào họ biết chắc chắn mình có khả năng được áp dụng hình phạt nhẹ (hình phạt tiền) thì họ mới khai báo với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng việc mình có tài sản, có khả năng thi hành án thì lúc đó những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xem xét áp dụng hình phạt tiền đối với họ. Bên cạnh đó, việc quản lý tài sản của công dân ở nước ta còn mang tính thủ công, chưa có hệ thống quản lý toàn bộ nguồn thu nhập hợp pháp của công dân, vẫn còn tình trạng “tiền trong dân”, việc giao dịch qua hệ thống ngân hàng còn chưa được phổ biến nên nhà nước khó có thể kiểm soát được nguồn tài sản, các biến động về tài sản của công dân. Do đó, việc xem xét căn cứ chắc chắn để đảm bảo người thực hiện hành vi phạm tội có đủ khả năng tài chính để đảm bảo thi hành án đối với hình phạt tiền được chủ yếu dựa trên lời khai của người phạm tội hoặc một số giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của họ. Thực tế khi điều tra, chứng minh về khả năng tài chính của người phạm tội chủ yếu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dựa trên các nguồn như: lời khai của chính người phạm tội, các giấy tờ chứng minh được tài sản hợp pháp của họ, lời khai của những người thân thích trong gia đình họ, xác minh tại chính quyền địa phương, nơi làm việc để làm rõ nghề nghiệp và nguồn thu nhập hợp pháp từ họ... Những căn cứ này chỉ mang tính chất tương đối.

Khi xác định các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có tài sản riêng, có đủ điều kiện để đảm bảo thi hành án đối với hình phạt tiền thì ngay từ giai đoạn điều tra các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã tiến hành kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản... để đảm bảo thi hành án. Đây là một trong những biện pháp cưỡng chế tố tụng để đảm bảo người phạm tội không tẩu tán tài sản và cũng là điều kiện để xem xét áp dụng hình phạt, mức phạt tiền cụ thể đối với cá nhân, pháp nhân thương mại phạm tội trong những trường hợp nhất định.

Việc Tòa án ấn định mức tiền cụ thể trong từng trường hợp phạm tội cụ thể hoàn toàn tùy thuộc vào sự tùy nghi của Hội đồng xét xử quyết định mà không có căn cứ pháp lý quy định việc lượng hình thế nào là phù hợp, các điều kiện đảm bảo việc áp dụng hình phạt tiền như thế nào cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác minh, điều tra làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Thực tiễn áp dụng pháp luật tại thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác cho thấy: các cơ quan tố tụng rất hạn chế áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính. Đa số các địa phương đều rất thận trọng trong việc lựa chọn, quyết định áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính với người phạm tội. Theo thống kê từ các vụ án trên thực tiễn tại địa phương cho thấy, hiện nay Tòa án nhân dân hai cấp tại Hải Phòng chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính với một số tội danh, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng chủ yếu là nhóm tội Đánh bạc và mức hình phạt tiền được áp dụng không lớn (chưa quá 200.000.000đồng). Hình phạt tiền được áp dụng với tư cách là hình phạt bổ sung thì được áp dụng với hầu hết các nhóm tội phạm như giao thông, ma túy, sở hữu...

 

5. Hạn chế, vướng mắc về hình phạt tiền theo pháp luật hình sự hiện hành

Thông qua việc áp dụng hình phạt tiền tại địa phương chúng tôi thấy có một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như sau:

- Ở giai đoạn điều tra, truy tố Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã tiến hành điều tra về nguồn tài sản, khả năng tài chính của người phạm tội nhưng họ khai không có tài sản hoặc không khai báo việc mình có tài sản. Sang giai đoạn chuẩn bị xét xử, chính người phạm tội lại có đơn đề nghị với Hội đồng xét xử cho phép họ tự nguyện nộp tạm ứng trước một khoản tiền tương đương với khoản tiền phạt sẽ được áp dụng; hoặc họ có đơn trình bày và xuất trình một số giấy tờ chứng minh khả năng tài chính của mình chứng minh họ có đủ khả năng thi hành án để có thể được áp dụng hình phạt tiền. Thông qua quan hệ phối hợp công tác tại địa phương, cơ quan thi hành án dân sự cũng chấp nhận sự tự nguyện nộp tạm ứng tiền thi hành án trước này của người phạm tội mà không có căn cứ pháp luật nào quy định. Tại phiên tòa, người phạm tội thay đổi lời khai tại giai đoạn điều tra, truy tố và khẳng định bản thân có tài sản, có khả năng tài chính để có thể được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đồng thời họ xuất trình những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình hoặc xuất trình biên lai thu tiền tự nguyện nộp phạt trước của cơ quan thì hành án dân sự đã cấp cho họ. Hội đồng xét xử xem xét và chấp nhận các tài liệu chứng cứ này và quyết định áp dụng hình phạt tiền với người phạm tội. Ngược lại với hình phạt bổ sung thì người phạm tội kiên quyết không khai báo mình có tài sản, họ cũng không tự nguyện việc nộp trước tiền hình phạt bổ sung nếu họ không có khả năng được giảm nhẹ hình phạt. Như vậy, cần xem xét tính khách quan trong việc cung cấp chứng cứ của người phạm tội ở giai đoạn này để cân nhắc quyết định hình phạt chính xác.

- Trong các vụ án xâm phạm sở hữu, tính mạng, sức khỏe… khi người phạm tội và người bị hại không thể thỏa thuận được với nhau mức bồi thường hoặc trường hợp chưa xác định được chính xác người bị hại thì người phạm tội tự nguyện đến các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự nguyện nộp một khoản tiền bồi thường cho người bị hại để được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Ở giai đoạn điều tra, truy tố khi người phạm tội tự nguyện nộp tiền bồi thường thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập biên bản thu giữ và chuyển vào kho bạc nhà nước sau đó chuyển kèm biên lai trong hồ sơ vụ án. Ở giai đoạn xét xử thì Cơ quan Thi hành án dân sự sẽ thu khoản tiền này trên cơ sở các tài liệu kèm theo như bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm có ghi nhận giá trị tài sản chiếm đoạt, mức người bị hại yêu cầu bồi thường… người phạm tội có thể tự nguyện nộp đủ khoản tiền bồi thường này có thể ít hơn hoặc nhiều hơn số tiền được ghi nhận trên các văn bản kết luận của các cơ quan tố tụng.

Từ đó, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào đó để xem xét chấp nhận thái độ thành khẩn, ăn năn của người phạm tội giảm nhẹ cho họ một phần hình phạt. Nhưng khi áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền thì việc Cơ quan Thi hành án dân sự thu tiền bị cáo tự nguyện nộp trước một phần để đảm bảo thi hành án hình phạt tiền có đảm bảo căn cứ pháp luật hay không? Nếu người phạm tội không được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền mà áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, hoặc áp dụng khấu trừ thu nhập, án phí, bồi thường thiệt hại thì khoản tiền này sẽ được xử lý như thế nào? Trả lại người tự nguyện thi hành án hay có được đối trừ với các khoản tiền phải thi hành án dân sự khác hay không? Theo trình tự, thủ tục nào?

- Khi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung, Tòa án cũng cần xem xét đến khả năng thi hành án của người phạm tội để tránh tình trạng tồn đọng, tăng số lượng các trường hợp không có điều kiện thi hành án lên cao gây khó khăn cho Cơ quan Thi hành án dân sự. Chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung khi có tài liệu chứng minh người phạm tội có khả năng tài chính, đảm bảo thi hành án được.

- Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội ở nhiều địa bàn khác nhau, trong cùng một lúc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng điều tiến hành điều tra, truy tố xét xử nhưng chưa thể tổng hợp hình phạt được do chưa đủ điều kiện về hiệu lực thi hành của bản án, quyết định. Nếu người phạm tội thực hiện các tội phạm đều là ít nghiêm trọng có đủ điều kiện để áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính nhưng điều luật cụ thể vừa quy định việc áp dụng hình phạt tiền vừa quy định hình phạt tù thì trong trường hợp này người phạm tội có được áp dụng hình phạt tiền hay không?

- Pháp nhân thương mại là chủ thể tội phạm hình sự mới, hình phạt tiền là hình phạt chủ yếu được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội, nhưng hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng và thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân thương mại như vậy sẽ gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng pháp luật.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê