Mục lục bài viết
1. Ai là người đại diện theo pháp luật của cá nhân?
- Để bảo đảm quyền lợi cho các cá nhân không có hoặc chưa đủ năng lực hành vi dân sự cũng như bảo đảm sự ổn định trong giao dịch dân sự, pháp luật xác định người đại diện theo pháp luật cho cá nhân chưa thành niên và cá nhân mất năng lực hành vi dân sự. Theo đó, người đại diện theo pháp luật của cá nhân mất năng lực hành vi dân sự (là người giám hộ của cá nhân đó) có quyền nhân danh người được giám hộ xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ.
Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015:
Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, người đại diện theo pháp luật của cá nhân có thể là:
+ Cha, mẹ đổi với con chưa thành niên: Cha, mẹ chỉ có thể là người giám hộ của con nếu con mất năng lực hành vi dân sự (khoản 3 Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015) còn đối với con chưa thành niên thì cha, mẹ là đồng đại diện theo pháp luật của con.
+ Người giảm hộ đổi với người được giám hộ:
Người giám hộ của cá nhân chưa thành niên theo Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định theo thứ tự sau đây:
Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:
1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015 được xác định:
Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Ngoài ra, người được cử, chỉ định làm người giám hộ cho cá nhân chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự còn được xác định theo Điều 54 BLDS năm 2015.
+ Người do tòa án chỉ định: Trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định của pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật của các cá nhân đó.
2. Xác định người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
Theo Điều 137 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 137. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
2. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể là người được chỉ định theo điều lệ của pháp nhân (đối với pháp nhân thương mại), có thể là người được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể là người được Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Chẳng hạn, trong một vụ tranh chấp dân sự, Tòa án có thể chỉ định người đại diện cho công ty bị đơn là Giám đốc chi nhánh của công ty đó vì chi nhánh đó là đơn vị trực tiếp xác lập và thực hiện giao dịch dân sự đang có tranh chấp.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của pháp nhân, đặc biệt là pháp nhân thương mại với nhiều lĩnh vực và ngành nghề hoạt động khác nhau nên Bộ luật dân sự năm 2015 đã cho phép pháp nhân có thể chỉ định nhiều người đại diện theo pháp luật với từng mảng công việc, lĩnh vực nhất định. Theo đó, người đại diện có quyền nhân danh pháp nhân xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của pháp nhân trongh phạm vi mảng công việc, lĩnh vực được đại diện.
3. Đại diện theo ủy quyền là gì?
Đại diện theo ủy quyền là ý chí của cá nhân, pháp nhân (người ủy quyền) ủy quyền cho bên kia là bên được ủy quyền (đồng thời là bên đại diện) nhân danh và vì lợi ích của bên ủy quyền để xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trong phạm vi đã ủy quyền.
Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 138. Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Nếu bên ủy quyền là cá nhân thì cá nhân đó phải là có năng lực hành vi dân sự phù hợp với nội dung ủy quyền mà pháp luật quy định, nếu bên ủy quyền là pháp nhân thì việc ủy quyền phải thông qua hành vi của người đại diện theo pháp luật của mình. Bên được ủy quyền (trở thành bên đại diện) có thể là cá nhân chưa thành niên nhưng phải từ đủ mười lăm tuổi nếu giao dịch mà người này đại diện để xác lập, thực hiện là giao dịch mà pháp luật cho phép người chưa thành niên xác lập, thực hiện.
Như vậy, quan hệ đại diện này là hệ quả của quan hệ ủy quyền, quan hệ ủy quyền có thể xác lập thông qua một họp đồng mang tính dân sự (hợp đồng ủy quyền), có thể thông qua thông qua hành vi ủy quyền mang tính hành chính (văn bản ủy quyền).
4. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt khi nào?
Theo khoản 3 Điều 140 Bộ luật dân sự 2015:
Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận;
b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;
g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
- Đại diện theo ủy quyền chấm dứt theo thỏa thuận của các bên: Có thể trong hợp đồng ủy quyền các bên chưa xác định hoặc đã xác định về thời hạn ủy quyền thì việc ủy quyền cũng chấm dứt nếu các bên đã đạt được sự thỏa thuận về chấm dứt đại diện.
- Thời hạn ủy quyền đã hết: Trong các trường hợp các bên đã xác định cụ thể về thời hạn ủy quyền và không có một sự kiện nào khác làm ảnh hưởng đển hiệu lực của ủy quyền thì đại diện chỉ chấm dứt khi hết thời hạn ủy quyền.
- Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành: Trong trường hợp việc ủy quyền có mục đích là thực hiện một công việc nhất định thì việc ủy quyền đã đạt được mục đích khi bên được ủy quyền đã hoàn thạnh công việc. Vì vậy, dù chưa hết thời hạn ủy quyền mà các bên đã thỏa thuận nhưng quyền đại diện vẫn chấm dứt khi công việc được ủy quyền đã hoàn thành. Chẳng hạn, quyền đại diện đòi nợ chấm dứt khi đòi xong nợ.
- Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền: Đại diện theo ủy quyền có thể hình thành từ một hợp đồng ủy quyền (hợp đồng dân sự), có thể hình thành từ hành vi ủy quyền hành chính. (Chẳng hạn, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của một công ty ra văn bản ủy quyền cho các giám đốc chi nhánh thuộc công ty mình nhân danh công ty xác lập các giao dịch dân sự). Vì vậy, nếu đại diện theo ủy quyền được hình thành từ một hợp đồng dân sự thì mỗi bên chỉ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền (đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền) nếu bên kia “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. ” Trong trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền với đủ điều kiện trên thì đại diện theo ủy quyền chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt.
- Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại: Trong đại diện theo ủy quyền, người được đại diện là người đã ủy quyền cho người khác thực hiện một công việc nhất định vì lợi ích của mình, vì thế, nếu bên được đại diện đã chết (cá nhân), đã chấm dứt tồn tại (pháp nhân) thì đại diện theo ủy quyền chấm dứt. Tuy nhiên, đại diện theo ủy quyền chỉ chấm dứt nếu pháp nhân chấm dứt tồn tại do giải thể hoặc phá sản. Trong trường hợp pháp nhân chấm dứt do hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì pháp nhân mới là người kế quyền về đại diện nếu đại diện theo ủy quyền chưa hết thời hạn.
- Người đại diện là người không còn đủ điều kiện theo quy định tại Khoản Điều 134 Bộ luật dân sự 2015:
Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
5. Khi nào thì đại diện theo pháp luật chấm dứt?
Theo khoản 4 Điều 140 Bộ luật dân sự 2015:
Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;
b) Người được đại diện là cá nhân chết;
c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
- Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục. Trong trường hợp này, người được đại diện đã có thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự, không cần người khác thực hiện thay.
- Người được đại diện là cá nhân chết. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, nếu người được đại diện chết thì việc đại diện chấm dứt.
- Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại:
Pháp nhân chấm dứt tồn tại theo Điều 96 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 96. Chấm dứt tồn tại pháp nhân
1. Pháp nhân chấm dứt tồn tại trong trường hợp sau đây:
a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 88, 89, 90, 92 và 93 của Bộ luật này;
b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
2. Pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xóa tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khi pháp nhân chấm dứt tồn tại thì đại diện chấm dứt.
- Đại diện theo pháp luật chấm dứt theo các quy định khác của pháp luật.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Trân trọng./.