1. Khái niệm về thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế

1.1 Khái niệm về thoả thuận quốc tế 

-Theo khoản 1 điều 2 Luật thỏa thuận quốc tế 2020 quy định: "Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế."

Thoả thuận quốc tế là thoả thuận được ghi nhận bằng văn bản, quy định về ký kết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Thỏa thuận quốc tế gồm những nội dung chủ yếu sau: Tên gọi của văn bản; tên các bên ký kết; lĩnh vực, nội dung, phương thức hợp tác; thời điểm bắt đầu có hiệu lực, thời hạn hiệu lực; ngày ký, địa điểm ký, ngôn ngữ ký; họ tên, chức danh của người đại diện ký.Thỏa thuận quốc tế có thể có các nội dung khác, như cơ chế trao đổi thông tin, bảo mật, chi phí, giải quyết tranh chấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận quốc tế. Nội dung của thỏa thuận quốc tế phải thể hiện thỏa thuận quốc tế đó không có giá trị ràng buộc về pháp lý.

- Nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế:

+ Phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.

+Việc ký kết thỏa thuận quốc tế sẽ không được làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế; không được ký kết thỏa thuận quốc tế về các vấn đề phải thực hiện thông qua việc ký kết điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.

+ Bảo đảm yêu cầu về đối ngoại và hiệu quả của thỏa thuận quốc tế được ký kết, trong phạm vi nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được giao hoặc tự chủ theo quy định của pháp luật.

+ Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức ký kết thỏa thuận quốc tế và tuân thủ trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Luật này.

+ Việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 2 của Luật này không được ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế đó.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới chỉ ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài là chính quyền địa phương cấp tương đương về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

+ Bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận quốc tế được ký kết, đồng thời có quyền yêu cầu bên ký kết nước ngoài cũng phải thực hiện thỏa thuận quốc tế đó trên tinh thần hữu nghị, hợp tác.

 

1.2 Khái niệm về điều ước quốc tế

Theo Công ước viên năm 1969, Thuật ngữ “điều ước” để nêu lên một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì.

Như vậy, Điều ước quốc tế là văn bản pháp lý quốc tế, do các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế điều chỉnh thỏa thuận nên, nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau, thông qua các quy phạm gọi là quy phạm điều ước. Điều ước quốc tế có thể được phổ cập hoặc không phổ cập, toàn cầu hoặc khu vực, đa phương hoặc song phương.

 

2. Phân biệt điều ước quốc tế và thoản thuận quốc tế

Điểm giống: Đều hướng đến một mục đích chung là xây dựng , hoàn thiện một pháp luật quốc tế công bằng văn minh bằng các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Điểm khác

Tiêu chí

Điều ước quốc tế

Thoả thuận quốc tế

Chủ thể

Một bên là quốc gia (nhân danh Nhà nước hoặc chính phủ), một bên là các chủ thể của luật quốc tế như quốc gia khác, tổ chức quốc tế liên chính phủ, dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết, chủ thể đặc biệt khác

=> Như vậy tất cả các chủ thể tham gia điều ước quốc tế đều là chủ thể của luật quôc tế

Một bên là cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan Trung ương của tổ chức. một bên là  Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao, bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc cơ quan tương đương; chính quyền địa phương; tổ chức nước ngoài

=> Như vậy không phải tất cả chủ thể đều là chủ thể của luật quôc tế

Nội dung

Được thỏa thuận về mọi lĩnh vực thuộc đời sống quốc tế

Như vậy nội dung thỏa thuận rộng hơn

Chỉ được thỏa thuận về những vấn đề nằm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trừ một số nội dung.

Như vậy nội dung thỏa thuận hẹp hơn

Ký kết

Khi ký kết cần phải phê chuẩn, phê duyệt những thỏa thuận giữa các bên phức tạp hơn

Không phải phê chuẩn, phê duyệt

dẫn tới kí kết sẽ đơn giản hơn

Gia nhập

Có thể gia nhập điều ước quốc tế mà mình không tham gia ký kết

Không được gia nhập những thỏa thuận mà mình không tham gia ký kết

Bảo lưu

Được áp dụng bảo lưu đối với điều ước quốc tế nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng

Không được bảo lưu thỏa thuận quốc tế

Tên gọi

hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác

Thỏa thuận, Bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác, Kế hoạch hợp tác hoặc tên gọi khác.

 

3. Vai trò của điều ước quốc tế 

– Được áp dụng điều chỉnh các mối quan hệ trong quốc tế: Thực tế thì điều ước quốc tế chỉ cần thỏa thuận sau đó được ký kết từ các chủ thể tham gia là được hình thành và được áp dụng nhanh, từ đó kịp thời áp dụng điều chỉnh các mối quan hệ trong quốc tế.

– Đóng vai trò quan trọng trong một số nước thuộc từ dòng họ Civil Law: Bởi khi có sự xung đột mâu thuẫn giữa pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước thì được ưu tiên áp dụng. Vì đối với nước có hệ thống nguồn luật Civil law đa số luật thành văn được soạn thảo do cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp,…theo đó hệ thống luật có tính khái quát hơn và được áp dụng trong thực tiễn.

Do đó, hiện nay hệ thống pháp luật hành văn được sử dụng phổ biến, chi tiết, rõ ràng nên được áp dụng trực tiếp

– Theo nguyên tắc của Điều ước quốc tế thì cần phải soạn thảo phù hợp với pháp luật của quốc tế. Cùng với đó,trước khi ký kết điều ước thì hầu hết điều ước này phù hợp với hiến pháp của quốc gia, nếu trái với quy định quốc gia thì có thể sửa đổi hiến pháp quốc gia. Theo đó,sau khi ký kết điều ước quốc tế thì thực tiễn có thể áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế mà không cần phải nghị định hướng dẫn nào khác.

– Theo một trong những nguyên tắc khi ký kết Điều ước quốc tế dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng và tận tâm. Nhưng thực tế vẫn có một số quốc gia không tham gia việc ký kết nhưng vẫn thực hiện theo những quy định về nghĩa vụ của Điều ước quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng Điều ước quốc tế được coi là cách xử sự chung được áp dụng phổ biến.

 

4. Một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Điều ước quốc tế song phương về sở hữu trí tuệ

Đối với các điều ước quốc tế song phương về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên; Việt Nam không chỉ là thành viên của các điều ước quốc tế đa phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Việt Nam còn kí kết nhiều điều ước quốc tế song phương quan trọng về sở hữu trí tuệ với nhiều quốc gia trên thế giới;

Ví dụ điển hình như một số Điều ước quốc tế song phương về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên như sau:

Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về thiết lập quyền tác giả (BCA)

 Với hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ về thiết lập quyền tác giả (BCA) này, hai bên cam kết bảo hộ các tác phẩm của công dân của nhau trên nguyên tắc áp dụng chế độ đãi ngộ quốc dân. Quyền bảo hộ ở đây bao gồm các quyền tối thiểu, quyền độc quyền sao chép, phân phối, trưng bày, phổ biến công cộng với những hạn chế và ngoại lệ theo tiêu chuẩn của Điều 9 Công ước Berne. Các nghĩa vụ được thực hiện theo quy định trên lãnh thổ quốc gia nào thì theo quy định của luật pháp quốc gia đó.

Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) 

Với Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) tuy là Hiệp định thương mại nhưng lại dành một chương với 18 điều quy định về sở hữu trí tuệ. Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) này quy định về nghĩa vụ của các bên kí kết áp dụng các biện pháp được thực thi tại biên giới, biện pháp dân sự và hình sự, bao gồm các biện pháp xử lí hình sự và ngăn chặn theo các chuẩn mực của Hiệp định TRIPS, thực hiện theo quy định của pháp luật quốc gia.

Hiệp định giữa Việt Nam – Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Theo Hiệp định giữa Việt Nam – Thụy Sỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ này, Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ kĩ thuật từ phía Liên bang Thụy Sỹ. Các đối tượng được bảo hộ trong Hiệp định bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, kể cả chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và thông tin không được công bố,…

Điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ

Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV)

Theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV), các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải công nhận và bảo hộ quyền của nhà tạo giống.

Nguyên tắc bảo hộ của Công ước là nguyên tắc đối xử quốc gia, thời gian bảo hộ là 15 năm. Việt Nam hiện đã là thành viên của Công ước.

=> Ngoài những Công ước ta vừa kể trên, Việt Nam còn là thành viên của một số Công ước như: Công ước toàn cầu về quyền tác giả 1952 (UCC), Công ước Roma 1961, Hiệp định TRIPS 1994, Hiệp ước quyền tác giả 1996(WCT),…

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng!