Đây là những tội phạm độc lập, không có dấu hiệu cố ý cùng thực hiện một tội phạm, những tội này tuy được thực hiện với hình thức lỗi cố ý nhưng người phạm tội không hứa hẹn trước về việc che giấu, không tố giác hoặc chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tội che giấu tội phạm quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự: "Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định."
Tội che giấu tội phạm xâm phạm hoạt động đúng đắn bình thường của hoạt động tư pháp, gây cản trở công tác điều tra khám phá, xử lý tội phạm đồng thời còn gây thiệt hại cho ổn định xã hội.
>> Luật sư tư vấn pháp Luật Hình sự gọi:1900.6162
Mặt khách quan, tội che giấu tội phạm được thực hiện bằng các hành vi: che giấu người phạm tội, che giấu các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc hành vi khác cản trở việc điều tra, xử lý người phạm tội. Những hành vi này được thực hiện một cách độc lập, sau khi người khác đã thực hiện tội phạm mà không hứa hẹn trước, vì vậy không đồng phạm, mà là tội phạm độc lập. Tội che giấu tội phạm được thực hiện bằng phương pháp hành động, bằng sự chủ động tích cực làm những việc mà Bộ luật Hình sự cấm.
Mặt chủ quan, tội che giấu tội phạm được thực hiện do cố ý trực tiếp. Người che giấu tội phạm biết rõ tội phạm đã được thực hiện, biết rõ che giấu tội phạm là cản trở hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, gây khó khăn cho hoạt động này, tuy nhiên họ mong muốn che giấu trót lọt tội phạm.
Chủ thể tội che giấu tội phạm là bất kỳ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Điều 313 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội che giấu tội phạm là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Đây là tội nghiêm trọng nên chủ thể tội phạm phải là người có độ tuổi từ 16 trở lên.
Tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 2 Bộ luật Hình sự: "Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 Bộ luật này".
Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị, em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này".
Điều 314 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với tội không tố giác tội phạm là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tội không tố giác tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn bình thường của hoạt động tư phám, xâm phạm trật tự an toàn xã hội.
Tội này được thực hiện bằng phương pháp không hành động. Lẽ ra người phạm tội khi biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện phải tố giác với cơ quan có thẩm quyền, nhưng họ đã không thực hiện trách nhiệm của mình. Khác với tội che giấu tội phạm, tội không tố giác tội phạm được thực hiện khi tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác. Tội che giấu tội phạm áp dụng khi tội phạm đã được thực hiện, biết rõ điều ấy mà cố tình che giấu. Tội che giấu tội phạm được thực hiện bằng phương pháp hành động, còn tội không tố giác tội phạm được thực hiện bằng phương pháp không hành động.
Mặt chủ quan, tội không tố giác tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý.
Chủ thể tội không tố giác tội phạm không phải là bất kỳ người nào vì những người thân thích ruột thịt chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng. Tội không tố giác tội phạm là tội ít nghiêm trọng nên chủ thể tội phạm phải là người đủ 16 tuổi trở lên.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại khoản 1, Điều 250 Bộ luật Hình sự: "Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm". Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đến 30 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản theo khoản 5 Điều 250 Bộ luật Hình sự.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xâm phạm trật tự an toàn công cộng, gây khó khăn cho việc điều tra khám phá tội xâm phạm tài sản.
Mặt khách quan, tội này được thực hiện bằng một trong các hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Chứa chấp là cất giữ tài sản ấy ở bất kỳ nơi nào, như nơi ở, nơi làm việc, trong kho, vườn, bếp hoặc trong người..v.v Tiêu thụ là trao đổi, dịch chuyển vị trí tài sản như mua bán, đổi..v.v Tội phạm được thực hiện bằng phương pháp hành động, người phạm tội đã thực hiện hành vi mà Luật Hình sự cấm.
Mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội tuy không hứa hẹn trước với người có hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng biết tõ tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khách phạm tội mà có, họ mong muốn làm được việc đó.
Chủ thể tội phạm quy định tại khoản 1 và 2 Điều 250 là người đủ từ 16 tuổi trở lên; khoản 3 Điều này phải là người từ 14 tuổi trở lên. Chủ thể tội phạm phải là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
>> Xem thêm: Phân biệt đồng phạm với che dấu tội phạm, không tố giác tội phạm?