Đến ngày 30/08/2016 do việc gia đình nên chồng em viết đơn xin nghỉ luôn kể từ ngày 19/09/2016. Trong đơn có nêu lý do và xin Cty không trừ số ngày chưa báo trước đủ 45 ngày. Tuy nhiên kể từ ngày viết đơn đến nay ngày 15/9/16 cty chưa có thông báo chính thức về việc giải quyết theo đơn của chồng em mà chỉ gửi mail cho lãnh đạo Cty và cc cho Nông trường cao su (NTCS là nơi chồng em và em đang làm việc trực tiếp) về các khoản tiền phạt. Hiện tại sổ Bảo hiểm xã hội của chồng em, em đang giữ chưa gửi về Cty. Vậy anh tư vấn giúp em xem em có nên trả sổ Bảo hiểm xã hội này về Cty hay không? và có cách nào để không bị trừ tiền phạt HĐLĐ ạ?
2.vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp: Em vào làm Cty từ tháng 5/2012 đến tháng 7/2012 thì ký hợp đồng chính thức và làm đến hiện tại và được đóng BHYT, Bảo hiểm xã hội (không đóng bảo hiểm thất nghiệp). Năm 2015 cty mới đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho em. Vậy anh cho em hỏi nếu giờ em viết đơn xin nghỉ việc đúng luật (báo trước 45 ngày) thì có được Cty chi trả tiền trợ cấp thôi việc kể từ tháng 7/2012 -> tháng 12/2014 không ạ?
Kính mong các luật sư chút thời gian tư vấn giúp em ạ. em xin chân thành cảm ơn anh rất nhiều ạ!
>> Luật sư tư vấn pháp luật lao động, gọi: 1900.6162
Trả lời:
Thứ nhất, về vấn đề của chồng bạn. Hiện tại, pháp luật lao động chỉ quy định việc xử phạt lao động là do vi phạm kỷ luật và bị xử lý kỷ luật. Bạn cần đối chiếu với nội quy của công ty nơi chồng bạn làm việc để xác định hành vi vi phạm kỷ luật cũng như hình thức xử lý kỷ luật đối với chồng bạn. Theo thông tin mà bạn cung cấp, chồng bạn đã làm đơn xin nghỉ việc gửi đến người sử dụng lao động, tuy nhiên, chưa được sự đồng ý của người sử dụng lao động.
Việc xử lý kỷ luật đối với chồng bạn được thực hiện theo nguyên tắc về ký luật quy định tại 123 Bộ luật Lao động năm 2012 (thay thế bởi: Bộ luật lao động năm 2019):
"Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động
1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;
d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi."
Theo thông tin mà bạn cung cấp, trước khi làm đơn xin thôi việc (vào ngày 30/8/2016), chồng bạn đang được nghỉ không hưởng lương (có sự đồng ý của người sử dụng lao động) từ ngày 18/7 đến 18/9/2016. Do đó, nếu người sử dụng lao động không đồng ý với cho chồng bạn thôi việc theo đơn nghỉ việc thì đến ngày 15/9/2016, chồng bạn vẫn đang trong thời gian được phép nghỉ. Do đó, người sử dụng lao độngkhông được xử lý kỉ luật chồng bạn vào ngày 15/9/2016 (thuộc khoảng thời gian nghỉ không lương: từ 18/7 đến 18/9/2016) theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 123 Bộ luật lao động. Mặt khác, việc xử lý kỉ luật trên cũng không đảm bảo nguyên tắc sự có mặt của NLĐ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 123 Bộ luật lao động.
Về vấn đề bạn hỏi bạn có nên trả sổ Bảo hiểm xã hội của chồng bạn về công ty của chồng bạn hay không. Tuy nhiên, theo quy định Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì khi chồng bạn đang làm việc ở công ty thì công ty là người chịu trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội cho chồng bạn tức là công ty phải giữ sổ Bảo hiểm xã hội của chồng bạn. Chúng tôi không hiểu tại sao bạn lại đang giữ sổ Bảo hiểm xã hội của chồng bạn, tuy nhiên nếu chồng bạn có ý định thôi việc ở đó, bạn nộp lại sổ Bảo hiểm xã hội cho công ty này thì sau khi chồng bạn thôi việc họ cũng trả lại sổ này cho chồng bạn.
Thứ hai, công ty bạn không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bạn từ tháng 7/2012 đến năm 2015, do đó, khi bạn chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật, khoảng thời gian này sẽ không được tính bảo hiểm thất nghiệp mà bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc cho thời gian trên. Điều 48 Bộ luật lao động quy định:
"Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ phải trả cho bạn trợ cấp thôi việc trong thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 7/2012 đến hết tháng 12/ 2014). Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động:
"c) Thời gian làm việc để tính trợ cấpthôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc."
Như vậy, thời gian để tính hưởng trợ cấp thôi việc của bạn là 3 năm (từ 6 tháng trở lên được làm tròn thành 1 năm). Để tính tiền lương bình quân 6 tháng liền kề, bạn lấy tổng số tiền lương trong sáu tháng đó, chia cho 6. Nếu bính quân tiền lương 6 tháng liền kề trước khi nghie việc là X thì số tiền bảo hiểm thôi việc bạn nhận được là: 3/2 * X.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Xem thêm: Quy định về mức phạt vi phạm hợp đồng lao động mới nhất hiện nay?