1. Quy định chung về phiên họp Chính phủ

Tại các phiên họp, Chính phủ thảo luận tập thể và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng do luật định thuộc thẩm quyền của mình. Các quyết định của Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Thủ tướng.

Chính phủ họp thường kì một tháng một lần do Thủ tướng triệu tập và chủ toạ. Thủ tướng có quyền triệu tập phiên họp bất thường của Chính phủ theo quyết định của mình hoặc theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, nếu vắng mặt phải được Thủ tướng đồng ý. Thủ tướng có thể cho phép thành viên của Chính phủ vắng mặt khi có lí do chính đáng và được cử cấp phó đến dự phiên họp của Chính phủ. Khi cần thiết, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ. Những người dự họp mà không phải là thành viên Chính phủ chỉ có quyền phát biểu ý kiến mà không có quyền biếu quyết. Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận

tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch tổng liên đoàn lao động Việt Nam và người đứng đầu các đoàn thể nhân dân được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ khi bàn về vấn đề liên quan. Chủ tịch Hội đồng dân tộc được mời tham dự các phiên họp của Chính phủ khi bàn về việc thực hiện chính sách dân tộc. Chủ tịch nước có quyền tham dự các Phiên họp của Chính phủ khi xét thấy cần thiết.

2. Phiên họp Chính phủ theo quy định hiến pháp

Theo quy định tại Điều 95 Hiến pháp năm 2013:

“Chỉnh phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”;

Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 cũng quy định rõ:

“Chế độ làm việc của Chính phủ và từng thành viên Chính phủ được thực hiện kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể Chỉnh phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân từng thành viên Chính phủ. Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa sổ” (Điều 43).

Hình thức hoạt động của tập thể Chính phủ là phiên họp của Chính phủ. Chính phủ họp thường kì mỗi tháng một phiên. Ngoài ra có thể họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc ít nhất 1/3 tổng số thành viên Chính phủ. Chính phủ họp theo yêu cầu của Chủ tịch nước để bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Thành viên Chính phủ có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp, nếu vắng mặt trong phiên họp hoặc vắng một số thời gian của phiên họp thì phải được Thủ tướng đồng ý. Thủ tướng có thể cho phép thành viên vắng mặt được cử cấp phó tham dự phiên họp Chính phủ. Ngoài các thành viên Chính phủ, Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ và Chính phủ có thể mời Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

Khi cần thiết, Chính phủ có thể mời thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự phiên họp của Chính phủ. Các đại biểu được mời dự họp không phải là thành viên Chính phủ có thể được phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết. Thủ tướng Chính phủ chủ tọa các phiên họp Chính phủ khi được Thủ tướng uỷ quyền, một Phó Thủ tướng có thể chủ tọa phiên họp.

Phiên họp là nơi tập trung trí tuệ của tập thể Chính phủ, những người trực tiếp nắm quyền quản lý hành chính trên phạm vi một ngành hoặc lĩnh vực nhất định, đồng thời có sự đóng góp ý kiến của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể khi tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng thuộc nhiệm vụ, quyền hạn như: chương trình hoạt động hàng năm của Chính phủ, các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và dài hạn, các công trình quan trọng, dự toán ngân sách nhà nước; các chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các đề án trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh, quyết định cơ cấu các cơ quan thuộc Chính phủ, các báo cáo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Nội dung phiên họp Chính phủ do Thủ tướng đề nghị và thông báo đến các thành viên Chính phủ.

Các quyết định của phiên họp Chính phủ phải được quá nửa tổng số thành viên Chính phủ biểu quyết tán thành, trong trường hợp biểu quyết ngang nhau, thực hiện theo ý kiến mà Thủ tướng đã biểu quyết (Điều 46 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015). Quy định này thể hiện sự kết hợp chặt chẽ chế độ hách nhiệm cá nhân và tập thể, vừa đề cao vai trò của tập thể Chính phủ trong việc quyết định những vấn đề quan trọng, vừa đề cao vai trò của Thủ tướng.

Trong hoạt động của Chính phủ nước ta, phiên họp luôn được xác định là một hình thức hoạt động quan trọng. Điều này được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật như: Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ năm 1960 (Điều 5), Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng năm 1981 (Điều 17), Luật tổ chức Chính phủ năm 1992 (Điều 33), Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 (Điều 33), Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 (Điều 43).

Để đảm bảo hiệu quả phiên họp Chính phủ, ngoài việc hoàn thiện các quy định pháp luật, sự cần thiết phải mở rộng thành phần phiên họp, làm tốt công tác chuẩn bị (đặc biệt là đề xuất, xây dựng chính sách, chuẩn bị dự án và các nội dung đưa ra phiên họp), phiên họp cần tập trung giải quyết tốt những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)