1. Khái niệm phiên toà sơ thẩm vụ án dân sự

Phiên toà sơ thẩm vụ án dân sự là phiên xét xử vụ án dân sự lần đầu của toà án.

Tất cả các vụ án dân sự nếu đã phải đưa ra xét xử thì đều phải trải qua việc xét xử tại phiên toà sơ thẩm. Phiên toà sơ thẩm dân sự được tiến hành trong một thời điểm, thời gian nhất định. Tại phiên toà sơ thẩm tập trung các hoạt động tố tụng của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng như thẩm phán, hội thẩm, thư kí toà án, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của đương sự ... Hội đồng xét xử thực hiện việc xét xử qua việc nghe các bên đương sự trình bày, tranh luận; kiểm tra, xác minh các tài liệu, chứng cứ của vụ án một cách toàn diện và khách quan; áp dụng đúng pháp luật quyết định giải quyết vụ án. Khác với việc hoà giải vụ án toà án chỉ tập trung vào những vấn đề cơ bản, ở phiên toà sơ thẩm, toà án phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án.

Theo Điều 15 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, việc xét xử của toà án được tiến hành kịp thời, công bằng vàcông khai. Vì vậy, mọi hoạt động tố tụng ở phiên toà của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phải được công khai hoá, mọi người đều có quyền tham dự phiên toà. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mĩ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì toà án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

2. Ý nghĩa của phiên toà sơ thẩm vụ án dân sự

Phiên toà sơ thẩm là phiên xử lần đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Tại phiên toà sơ thẩm, toà án sẽ quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm cơ sở cho việc thi hành án. Sau khi toà án tiến hành phiên toà sơ thẩm, việc giải quyết vụ án dân sự kết thúc, trừ trường hợp có kháng cáo, kháng nghị.

Phiên toà sơ thẩm cũng là nơi toà án thực hiện việc giáo dục pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử của toà án, những người tham dự phiên toà biết rõ hơn các quy định của pháp luật được toà án áp dụng giải quyết vụ án, từ đó nâng cao được ý thức pháp luật của họ.

Hoạt động xét xử của toà án ở tại phiên toà sơ thẩm là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan xét xử, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu hoạt động này được tiến hành tốt sẽ làm tăng thêm tác dụng của công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật. Ngược lại, nếu phiên toà sơ thẩm tiến hành không tốt, có nhiều sai sót thì kết quả của công tác giáo dục sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng xấu, làm cho mọi người thiếu tin tường vào hoạt động xét xử của toà án.

Mọi vướng mắc pháp lý về luật dân sự, tố tụng dân sự về phiên tòa dân sự sơ thẩm cũng như các vấn đề khác liên quan. Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế trực tuyến.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê