Trả lời: 

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau: 

1. Khái niệm

1.1 Khái niệm về biện pháp ngăn chặn

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người bị truy nã hoặc đối với những người chưa bị khởi tố (trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang) nhằm ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động gây cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. 

1.2. Khái niệm về biện pháp ngăn chặn tạm giữ

Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định về tạm giữ như sau:

Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã. 

Biện pháp tạm giữ hạn chế tự do thân thể trong một thời hạn nhất định. Cũng như các biện pháp ngăn chặn khác, áp dụng biện pháp tạm giữ nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án. 

2. Quy định của tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành về biện pháp tạm giữ

2.1. Tạm giữ

Điều 117 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định Tạm giữ như sau: 

Điều 117. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.

3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

- Đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp.

Đối tượng bị bắt trong trường hợp này là người có căn cứ để thấy được người đó đâng chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Đối tượng mà người bị hại hoặc người có mặt tại nơ xảy ra tội phạm chứng kiến và xác nhận đối tượng đó thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc đối tượng bỏ trốn; hoặc khi thấy có dấu vết của tội phạm ở đối tượng hoặc tại chỗ ở của đối tượng bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. 

Không phải mọi trường hợp bị bắt trong trường hợp khẩn cấp đều áp dụng biện pháp tạm giữ. Biện pháp này chỉ áp dụng khi xét thấy cần thiết. 

- Đối với người phạm tội quả tang.

Đối tượng phạm tội quả tang là người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Việc phát hiện tội phạm đang thực hiện; ngay sau khi thực hiện tội phạm. 

- Đối với người phạm tội tự thú.

Tự thú là mình tự nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú đối với việc tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội của mình mà chưa bị phát hiện.

- Đối với người phạm tội đầu thú.

Đầu thú là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu có người đã biết hành vi phạm tội của người phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên người phạm tội đến cơ quan có thẩm quyền trình diện thì áp dụng khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Tuy nhiên, cần chú ý là, trong trường hợp này, nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc có những việc làm khác thuộc trường hợp được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 2015

- Đối với người phạm tội bị bắt theo quyết định truy nã 

Bắt người đang bị truy nã là bắt người có hành vi phạm tội đang trốn tránh việc điề tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định truy nã, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở của chín quyền xã, phường, thị trấn và các nơi công cộng để lùng bắt.

Người bị truy nã là người có hành vi phạm tội đã bị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định truy nã, các đối tượng bị truy nã bao gồm: bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu, người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; người bị kết án phạt tù bỏ trốn, người bị kết án tử hình bỏ trốn; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án phạt tù bỏ trốn.

2.2. Thời hạn tạm giữ 

Thời hạn tạm giữ được quy định ở Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: 

Điều 118. Thời hạn tạm giữ

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

3. Ý nghĩa của việc quy định và áp dụng biện pháp tạm giữ

Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ giúp kịp thời ngăn chặn và nhanh chóng làm rõ được tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội đó hoàn thành hoặc kết thúc hành vi phạm tội để đảm bảo cho các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền khác đạt hiệu quả, xử lý đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. 

Biện pháp ngăn chặn tạm giữ thể hiện sự chuyên chính của Nhà nước trong việc điều tra phòng chống tội phạm góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Việc quy định và áp dụng biện pháp tạm giữ cũng góp phần bảo đảm và tôn trọng quyền công dân được khi nhận trong Hiến pháp, thể hiện tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa. Biện pháp tạm giữ thể hiện tính cưỡng chế của Nhà nước đối với người có hành vi xâm hại đến quyền của công dân mà còn là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ các quyền đó khi có nguy cơ bị xâm phạm. Biện pháp này còn hạn chế một số quyền của công dân đối với người bị áp dụng nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các công dân khác bị các hành vi phạm tội xâm phạm.

4. Thực trạng những quy định của pháp luật Tố tụng Việt Nam về biện pháp ngăn chặn tạm giữ

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung và quy định chặt chẽ hơn về đối tượng có thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ. Bổ sung thẩm quyền bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ cho một số chủ thể. Thực tế hiện nay nhiều Tòa án nhân dân địa phương vẫn còn lúng túng trong việc ban hành “Bản án” có trừ vào thời gian tạm giữ người khi xét xử các vụ án hình sự nhất là các việc tạm giữ người trong tố tụng hình sự không có Lệnh, Quyết định tạm giữ nhưng trên thực tế là những bị can, bị cáo này đã bị các Cơ quan tố tụng hình sự giữ người hoặc các trường hợp các cơ quan tạm giữ người.
* * * * *

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

     Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900 6162 hoặc gửi qua email: luatsu@luatminhkhue.vn  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

     Rất mong nhận được sự hợp tác!

     Trân trọng./.

     Bộ phận Tư vấn Pháp luật Công ty Luật Minh Khuê.