Mục lục bài viết
- 1. Các điều ước quốc tế làm cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS
- 2. Các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo BLTTHS 2003
- 3. Các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo BLTTHS 2015
- 4. Những sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
- 5. Bình luận về các nguyên tắc
1. Các điều ước quốc tế làm cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS
Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là việc các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện hoạt động phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Các điều ước quốc tế làm cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS gồm:
- Trong các điều ước quốc tế đa phương thì các điều ước sau đây là cơ sở pháp để cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thực hiện hợp tác với các cơ quan tố tụng nước ngoài trong hoạt động TTHS, ba công ước quốc tế của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; chín điều ước quốc tế và khu vực ASEAN về chống khủng bố; Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các Nghị định thư bổ sung; Hiệp định TTTP về hình sự giữa các nước ASEAN. Hiện nay, Nhà nước ta trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phê chuẩn việc gia nhập Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam là thành viên chính thức của Interpol tháng 11 năm 1991 và Aseanapol 1996 nên điều lệ và những quy định chung của Interpol, Aseanapol đã điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể là thành viên, trong đó có cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam.
- Các hiệp định song phương về TTTP, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù là cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong TTHS. Cho đến nay, Nhà nước ta đã ký kết 24 hiệp định TTTP và dẫn độ với các nước như: Liên bang Cộng hoà XHCN Xô viết (10/12/1981); Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc (ngày 12/10/1982); Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri (ngày 18/01/1985); Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri (ký ngày 03/10/1986 và phê chuẩn ngày 05/6/1987); Cộng hòa Ba Lan (ký ngày 22/3/1993) [8] ; Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (ký ngày 06/7/1998); Liên bang Nga (ngày 25/8/1998); Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ký ngày 19/10/1998); Cộng hoà U-crai-na (ký ngày 06/4/2000); Mông Cổ (ngày 17/4/2000); Cộng hòa Bê-la-rut (năm 2000); Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên về TTTP và pháp lý trong các vấn đề dân sự và hình sự (ký ngày 3/5/2002); Hàn Quốc (Nhà nước ta đã ký hai hiệp định: TTTP về hình sự; hiệp định về dẫn độ), Ấn Độ, Angiêri; ký các hiệp định về chuyển giao người bị kết án với Ôx-trây-lia, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Angiêri.
Hệ thống văn bản nói trên là cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam thực hiện hợp tác quốc tế trong TTHS.
- Cùng đó, Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ các nước liên quan đến hợp tác quốc tế trong TTHS, như các hiệp định về lãnh sự, các hiệp định, văn bản thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước trong hợp tác phòng, chống ma tuý và tội phạm với Chính phủ các nước láng giềng, các nước có đông người Việt Nam đang sinh sống, làm việc như Cộng hoà Liên bang Nga, Hung-ga-ry; Vương quốc Cam-pu-chia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; Chính phủ Vương quốc Thái Lan, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa..
2. Các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo BLTTHS 2003
Điều 340 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định:
Điều 340. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự
Hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.
Hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
3. Các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo BLTTHS 2015
Các nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được quy định tại Điều 492 như sau:
Điều 492. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
4. Những sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa Điều 340 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 ghi nhận về các “Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự” nhưng có sửa đổi, bổ sung theo hướng súc tích hơn, tránh trùng lặp, bảo đảm sự phù hợp với quy định tại Điều 4 Luật tương trợ tư pháp năm 2007 về “Nguyên tắc tương trợ tư pháp”.
Cụ thể, tại Điều 492 BLTTHS năm 2015 quy định: “vấn đề hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.” Quy định này đã bỏ bớt nội dung “phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế” so với quy định của BLTTHS năm 2003, theo chúng tôi là hợp lý, vì qua thực tiễn cho thấy, khi nội luật hóa thành các quy định của pháp luật về hợp tác tác quốc tế trong TTHS đã được ban hành đều phải dựa trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc tế. Đồng thời, khi ký kết các điều ước về hợp tác quốc tế trong TTHS với các nước đã cụ thể hóa hoặc thừa nhận các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trong các văn bản này nên không cần phải nhắc lại ở BLTTHS. Bên cạnh đó, luật cũng quy định nguyên tắc hợp tác quốc tế khi Việt Nam chưa ký kết các điều ước quốc tế được dựa trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái với quy định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
5. Bình luận về các nguyên tắc
Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự tại khoản 1 Điều 492 chịu sự chi phối của các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế nói chung và là nền tảng cho mọi quan hệ quốc tế song phương và đa phương. Chủ quyền quốc gia được coi là tối cao và bất khả xâm phạm, sẽ không có quan hệ hợp tác nếu như mối quan hệ đó sẽ ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền của quốc gia. Như vậy, độc lập, chủ quyền là điều kiện tiên quyết để có hợp tác quốc tế với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Chủ quyền quốc gia bao gồm quyền tối cao của quốc gia về lập pháp, hành pháp, tư pháp trong phạm vi lãnh thổ của mình và độc lập với quốc gia khác trong quan hệ quốc tế . Trong tố tụng hình sự, mọi hoạt động tố tụng trong phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia đều phải do các cơ quan tiến hành tố tụng của nước đó thực hiện. Các cơ quan tiến hành tố tụng một nước muốn tác động đến các đối tượng trên lãnh thổ nước khác phải thông qua các cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại.
Khi thực hiện hợp tác quốc tế trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, không phân biệt chế độ chính trị, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ đều có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau. Khi bàn luận, thỏa thuận các vấn đề hợp tác giải quyết vụ án hình sự, ý kiến của các quốc gia đều có giá trị như nhau. Khi đã thỏa thuận và cam kết thì các quốc gia đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện cam kết như nhau.
Trong quá trình hợp tác quốc tế giải quyết các vụ án hình sự, các quốc gia không được lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Không được dùng sức mạnh quân sự, các biện pháp kinh tế, chính trị hay các biện pháp khác để buộc quốc gia khác phải thực hiện các hoạt động tố tụng theo yêu cầu của mình như yêu cầu bắt hay không bắt ai, khởi tố một người về tội này hay tội khác, yêu cầu áp dụng hay không áp dụng một loại hình phạt nào đó.
Để phục vụ cho việc hợp tác giải quyết các vụ án hình sự, giữa Việt Nam và các nước có thể thỏa thuận ký kết với nhau các nội dung cần hợp tác nhưng các thỏa thuận đó phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Khi xây dựng, ban hành các văn bản hợp tác quốc tế về tố tụng, nội dung của nó không được trái với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và Hiến pháp Việt Nam, phải phù hợp với nội dung của các văn bản pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, đồng thời phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Đây là một nguyên tắc thể hiện sự nhất quán trong chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng như tập quán của quan hệ quốc tế. Đó là, việc hợp tác của nước ta với quốc gia, khu vực này không làm phương hại đến quan hệ quốc tế đã được thiết lập giữa Việt Nam với nước khác, khu vực khác.
LUẬT MINH KHUÊ (Sưu tầm & Biên tập)