1. Khái niệm về bảo lãnh bảo hành trong hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại Luật đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đi kèm, khái niệm về bảo lãnh bảo hành trong hợp đồng xây dựng chưa được quy định một cách rõ ràng. Tuy nhiên khái niệm này có thể được hiểu thông qua các quy định về “bảo lãnh” và “bảo hành” theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, “bảo lãnh” được hiểu là việc một bên thứ ba (bên bảo lãnh) đứng ra cam kết về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ cho một bên - bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh này không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ cho bên nhận bảo lãnh khi đến hạn. “Bảo hành” theo quy định được hiểu là việc bên sản xuất/ hoặc bên bán cam kết sẽ sửa chữa miễn phí hoặc thay thế miễn phí linh kiện hoặc phần công trình của sản phẩm nếu có những hỏng hóc, những lỗi bên trong sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định, thời gian đó gọi là thời hạn bảo hành.

Như vậy, dựa trên các khái niệm về “bảo lãnh”, “bảo hành” và các khái niệm liên quan đến hợp đồng xây dưng theo quy định tại điều 16 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, “bảo lãnh bảo hành trong hợp đồng xây dựng” được hiểu là nội dung thỏa thuận giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về việc áp dụng bảo đảm thực hiện hợp đồng dưới hình thức bảo lãnh đối với việc bảo hành công trình xây dựng. Có thể thấy, bảo lãnh bảo hành là một trong những biện pháp đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ bảo hành của bên nhận thầu theo hợp đồng xây dựng trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Trong đó, về nghĩa vụ bảo hành việc bảo hành theo hợp đồng xây dựng được quy định cụ thể như sau:

  • Bên nhận thầu sẽ có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng nội dung mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng đã giao kết.
  • Thời gian bảo hành theo hợp đồng xây dựng đối với các hạng mục, công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I được xác định tối thiểu là 24 tháng, còn đối với những hạng mục công trình cấp còn lại thì thời gian bảo hành theo hợp đồng xây dựng tối thiểu 12 tháng. Đối với công trình xây dựng là nhà ở, thì thời gian bảo hành không được ít hơn 05 năm.
  • Trong thời hạn bảo hành, khi nhận được thông báo của bên giao thầu về việc cần phải sửa chữa phần công trình xây dựng, thì trong thời hạn 21 ngày, kể từ ngày thông báo, bên nhận thầu phải tiến hành sửa chữa, và nếu không sửa chữa thì phải thuê bên thứ ba sửa chữa.
  • Trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết của công trình xây dựng phát sinh không do lỗi của bên nhận thầu gây ra, hoặc do nguyên nhân bất khả kháng thì bên nhận thầu sẽ có quyền từ chối bảo hành.
  • Bên nhận thầu sau khi thực hiện xong việc bảo hành, kết thúc thời gian bảo hành, thì bên nhận thầu cần phải thực hiện việc báo cáo việc hoàn thành công tác bảo hành bằng văn bản gửi cho bên giao thầu, và bên giao thầu cần phải xác nhận lại việc này bằng văn bản cho bên nhận thầu.

>> Xem thêm: Quy định mới về tạm ứng hợp và bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng

 

2. Quy định về bảo lãnh bảo hành trong hợp đồng xây dựng 

Bảo lãnh bảo hành trong hợp đồng xây dựng được xem là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng xây dựng. Theo quy định tại điều 16 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, bảo lãnh bảo hành trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng như biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng như sau: Bảo lãnh bảo hành theo hợp đồng xây dựng là biện pháp đảm bảo được ưu tiên áp dụng trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng. Việc bảo đảm thực hiện nội dung về bảo lãnh bảo hành phải được bên nhận thầu nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng xây dựng có hiệu lực theo đúng nội dung mà các bên đã thỏa thuận.

Việc bảo lãnh bảo hành phải được thực hiện theo mẫu được bên giao thầu chấp thuận, đồng thời có hiệu lực đến thời điểm bên nhận thầu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Mức bảo lãnh bảo hành thực hiện hợp đồng thường được xác định trong khoảng từ 2% đến 10% giá trị của hợp đồng xây dựng. Giá trị bảo lãnh bảo hành hợp đồng xây dựng, trong trường hợp cần thiết để giảm thiểu rủi ro, có thể được tăng lên nhưng không quá 30% giá của hợp đồng xây dựng nhưng phải có sự chấp thuận của người có thẩm quyền quyết định đầu tư:

Đối với các công trình xây dựng được xếp loại cấp I, cấp đặc biệt thì mức bảo lãnh bảo hành tối thiểu được xác định khoảng 3% giá trị hợp đồng. Đối với những công trình cấp còn lại thì mức bảo lãnh bảo hành có giá trị tối thiểu không quá 5% giá trị hợp đồng. Khi hợp đồng xây dựng đã có hiệu lực mà bên nhận thầu không thực hiện hợp đồng hoặc có vi phạm nội dung của hợp đồng thì bên nhận thầu sẽ không được nhận lại số tiền đã đảm bảo thực hiện hợp đồng, mà ở đây là sẽ nhận được lại tiền bảo lãnh, bảo hành. Trường hợp bên nhận thầu đã hoàn tất các nghĩa vụ trong hợp đồng, thực hiện xong hợp đồng, hoặc đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo hành trong thời hạn bảo hành thì bên giao thầu phải trả lại khoản tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng cho bên nhận thầu.

Như vậy, có thể thấy bảo lãnh bảo hành trong hợp đồng xây dựng là một trong những biện pháp vừa mang những đặc điểm chung của một biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, vừa mang những đặc điểm riêng phù hợp với bản chất của công việc bảo hành trong hợp đồng xây dựng, là cơ sở để các bên giảm thiểu được rủi ro trong các vấn đề về xây dựng sau khi đấu thầu.

>> Tham khảo: Quy định mới về bảo lãnh tạm ứng hợp đồng xây dựng

 

3. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng được quy định như thế nào?

Căn cứ vào Điều 16 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định như sau: Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng. Bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng; khuyến khích áp dụng hình thức bảo lãnh.

Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng thỏa thuận của các bên về giá trị, loại tiền, phương thức bảo đảm; theo mẫu được bên giao thầu chấp nhận và phải có hiệu lực cho đến khi bên nhận thầu đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc sau khi bên giao thầu đã nhận được bảo đảm bảo hành đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng và cung cấp thiết bị. Riêng hợp đồng tư vấn xây dựng, hợp đồng giao khoán nội bộ, hợp đồng xây dựng thuộc các chương trình mục tiêu do các hộ dân thực hiện và những hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện không bắt buộc bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng.

Trường hợp bên nhận thầu là nhà thầu liên danh thì từng thành viên phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho bên giao thầu, mức bảo đảm tương ứng với phần giá trị hợp đồng mà mỗi thành viên thực hiện. Nếu liên danh có thỏa thuận nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng thì nhà thầu đứng đầu liên danh nộp bảo đảm cho bên giao thầu, từng thành viên nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng cho nhà thầu đứng đầu liên danh tương ứng với giá trị hợp đồng do mình thực hiện.

Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng, phương thức bảo đảm phải được quy định trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu. Mức bảo đảm thực hiện hợp đồng được xác định trong khoảng từ 2% đến 10% giá hợp đồng xây dựng; trường hợp để phòng ngừa rủi ro cao thì giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng có thể cao hơn nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận. Bên nhận thầu không được nhận lại bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng sau khi hợp đồng có hiệu lực và các trường hợp vi phạm khác được quy định trong hợp đồng.Bên giao thầu phải hoàn trả cho bên nhận thầu bảo đảm thực hiện hợp đồng sau khi bên nhận thầu đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc đã chuyển sang nghĩa vụ bảo hành và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm bảo hành đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng và cung cấp thiết bị.

Theo đó, bảo đảm thực hiện hợp đồng xây dựng là việc bên nhận thầu thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng. Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp cho bên giao thầu trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực theo đúng thỏa thuận của các bên về giá trị, loại tiền, phương thức bảo đảm.

Để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo tại bài viết: Bảo hành công trình xây dựng là gì? Quy định về bảo hành công trình xây dựng của Luật Minh Khuê.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Khuê về vấn đề này. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ. Xin trân trọng cảm ơn!